’Vàng chính chủ’ hãy xung phong nhận phạt ’độc quyền’

06:56, Thứ năm 01/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) – Kinh nghiệm mạnh tay xử phạt ngân hàng lũng đoạn thị trường tài chính ở Mỹ đã có, tiếc rằng Việt Nam không học được điều này để xử phạt các doanh nghiệp độc quyền...

(Đời sống) – Kinh nghiệm mạnh tay xử phạt ngân hàng lũng đoạn thị trường tài chính ở Mỹ đã có, tiếc rằng Việt Nam không học được điều này để xử phạt các doanh nghiệp độc quyền. Mà thật ra, xét cho cùng có phạt thì doanh nghiệp cũng chẳng có thiệt hại gì đáng kể


TTXVN dẫn tuyên bố ngày 30/7 của Ủy ban Điều phối năng lượng liên bang Mỹ (FERC) cho biết, ngân hàng JPMorgan Chase đã chấp nhận nộp khoản tiền phạt 410 triệu USD do hành vi lũng đoạn giá trên thị trường tài chính.

Theo FERC các nhân viên của “đại gia” ngân hàng trên đã có các hành vi không minh bạch, lũng đoạn giá thị trường, gây ảnh hưởng tới các nhà đầu tư.

FERC nêu rõ, án phạt trên là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với hành vi lũng đoạn thị trường.

Trông người lại nghĩ đến ta, tại Việt Nam, rất nhiều lĩnh vực đang bị sự độc quyền chi phối làm lợi cho doanh nghiệp, còn gây thiệt hại lớn cho người dân. Như trong lĩnh vực tài chính, mà cụ thể là với quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu, độc quyền thương hiệu vàng đẩy giá vàng trong nước luôn cao hơn giá thế giới vài triệu đồng mỗi lượng.

quan-ly-thi-truong-vang-Phunutoday.vn
Tình trạng độc quyền trong một số lĩnh vực thiết yếu khiến người dân bức xúc, nhưng tình trạng này không bị xử lý, dù thực tế có xử phạt thì cũng không ai bị thiệt hại gì.

Thông qua các buổi đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước đã “bơm” ra thị trường hơn 50 tấn vàng, số tiền chênh lệch thu về hàng ngàn tỷ đồng. Mà theo NHNN giải thích số tiền chênh lịch giá này thuộc về ngân sách nhà nước, như vậy là toàn dân được hưởng.

Tuy điều này có gây chút thiệt hại cho người dân mua vàng, khi phải mua vàng giá cao hơn thế giới bình quân 4-5 triệu đồng/lượng. Nhưng người dân phải chịu vì mục tiêu vàng ổn định giá cao, chống buôn lậu, nên Chính phủ không xử lý việc này.

Tương tự là trong độc quyền điện, than, ai cũng biết là việc đó làm thiệt hại cho người dân, khi người dân không co sự lựa chọn nào khác, và các tập đoàn trong lĩnh vực này mặc sức thích là tăng giá, còn chất lượng dịch vụ chẳng tang bao nhiêu, thích thì cắt, không thích bán nữa thì thôi.

Rồi trong lĩnh vực xăng dầu, tuy có vài đầu mối nhập khẩu và phân phối nhưng tất cả đều là các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, trong đó Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex) chiếm thị phần hơn 60%, và chi phối toàn bộ thị trường, các doanh nghiệp khác tăng hay giảm giá đều theo Petrolimex.

Ngay như Quỹ bình ổn giá xăng dầu là do người dân đóng góp lập nên mà người dân cũng không biết nó hoạt động thế nào, thừa thiếu ra sao, khi dư luận và chuyên gia “lải nhải” quá nhiều, cùng với việc Bộ trưởng mới lên, đầu tháng 7 vừa qua Bộ Tài chính mới lần đầu tiên công bố số liệu thu chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trên đây chỉ là 4 lĩnh vực điển hình nhất về sự chi phối, lũng đoạn thị trường nhưng ở ta chưa có bất kể biện pháp xử lý nào, khiến dư luận bức xúc nhiều nhất từ khi đất nước đổi mới tới nay.

Quả thật đấy là một sai lầm lớn trong chiến lược và sách lược của các đơn vị và doanh nghiệp độc quyền, trong đó có cả các cơ quan quản lý, vì có một thực tế là việc lũng đoạn thị trường mà không xử lý khiến dư luận rất bức xúc, tạo nên những sự phản đối trong xã hội không cần thiết.

Người viết nghĩ rằng, tất cả các đơn vị đồng quyền trên đều là doanh nghiệp nhà nước, nên cơ quan quản lý cử xử lý thoải mái, để cho người dân thấy rằng cớ quan quản lý rất nghiêm khắc, phân minh, không có vùng “bất khả xâm phạm”. Vì xét cho cùng số tiền cũng về ngân sách, và ngân sách lại cấp trở lại cho các đơn vị bị phạt vì họ đều là doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn từ ngân sách.

  • Phạm Thanh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc