Bé bắt đầu vào giai đoạn ăn dặm, hẳn mẹ sẽ vô cùng băn khoăn không biết cho con ăn món gì đầu tiên, món gì lành nhất, dễ ăn nhất cho bé làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ. Xin mách mẹ một món rau ngon bổ, vô cùng quen thuộc, dễ kiếm mà lại thích hợp cho các bé tuổi ăn dặm: rau mồng tơi
Khi nào bé có thể ăn được mồng tơi?
Mồng tơi rất lành, hầu như không gây dị ứng ở trẻ nhỏ. Chỉ cần bé đến khoảng 6 tháng tuổi, tập ăn dặm là mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn mồng tơi.
Tuy nhiên, rau mồng tơi tính mát lạnh lại nhuận tràng, cần tránh cho bé ăn khi bé bị cảm lạnh, tiêu chảy. Nếu cố tình ăn khi đang mắc những chứng bệnh này, bệnh sẽ càng trầm trọng thêm.
Lợi ích của rau mồng tơi
- Giàu chất dinh dưỡng
Mồng tơi có lá màu xanh đậm – một biểu hiện của rau giàu vitamin và khoáng chất. Nổi bật nhất trong mồng tơi là hàm lượng sắt, vitamin A, folate và các chất chống ô-xi hóa rất cao.
Toàn bộ phần lá và thân cây mồng tơi đều chứa dồi dào vitamin A (100 g lá tươi cung cấp 8000 IU hoặc 267 % nhu cầu vitamin A hàng ngày) giúp làn da khỏe đẹp và sáng mắt.
Rau mồng tơi cung cấp rất nhiều sắc tố carotenoid và chất chống ôxy hóa quan trọng như beta carotene, lutein và zeaxanthin. Các dưỡng chất này liên kết với nhau giúp chống lại các gốc tự do gây hại, từ đó giảm thiểu tác động lão hóa và nhiều bệnh tật khác.
Hàm lượng lớn folate trong rau mồng tơi (100g lá tươi cung cấp 140 mg hoặc 35% nhu cầu folate mỗi ngày) – cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh của trẻ.
- Thanh nhiệt cơ thể
Mồng tơi tính hàn, có tác dụng giải nhiệt, làm mát cơ thể, là món ăn được cả người lớn và trẻ nhỏ ưa chuộng vào mùa hè.
- Nhuận tràng, chống táo bón
Ăn rau mồng tơi thường xuyên còn có tác dụng nhuận tràng và trị táo bón rất tốt vì nó chứa nhiều chất xơ, chất nhầy tốt cho tiêu hóa.
Gợi ý món ngon từ rau mồng tơi cho bé
- Bột cua biển rau mồng tơi
Nguyên liệu: Bột gạo 25g (5 thìa canh), thịt cua 30g (2 thìa canh), rau mồng tơi 30g (3 thìa canh), dầu ăn 2 thìa cà phê, nước 200ml (lưng bát).
Cách làm: Rau mồng tơi cắt thật nhuyễn. Cua hấp chín, gỡ lấy thịt. Bột gạo hòa tan với ít nước. Phần nước còn lại nấu sôi, cho rau vào nấu mềm. Cho cua vào nấu sôi, đổ tiếp bột vào khuấy chín. Trút ra bát, cho 2 thìa dầu ăn.
- Cháo ngao mồng tơi
Nguyên liệu: 300g ngao sống, 3-5 lá mồng tơi, 01 bát cháo trắng đủ 1 bữa ăn của bé.
Cách làm: Ngao rửa thật sạch luộc sơ cho há miệng, nhặt ruột bỏ vỏ. Lọc lấy 1 bát con nước luộc ngao trong. Ruột ngao làm sạch phân rồi băm nhỏ. Rau mồng tơi rửa sạch thái nhỏ. Cho rau mồng tơi vào nước luộc ngao đun sôi khoảng 3 phút, sau đó cho ruột ngao và cháo vào đảo đều cho sôi trở lại.
- Cháo cua đồng rau mồng tơi
Nguyên liệu: Cua đồng xay sẵn 200gr, mồng tơi 3-5 lá, gạo xay vừa đủ bé ăn 1 bữa
Cách làm: Cua đồng xay sẵn hòa với nước sau đó lọc qua 1 cái rây mắt nhỏ, phần bã bỏ đi. Mồng tơi nhặt phần lá non, sau đó rửa sạch, băm nhuyễn. Cho gạo cùng 1 ít nước ninh thành cháo sau đó cho phần nước cua vào, khuấy đều tay cho cua tan đều trong cháo, chờ sôi thì cho rau mồng tơi vào, bao giờ nước sôi lại là rau đã chín, nêm nếm gia vị cho vừa miệng sau đó tắt bếp.Khi ăn trộn cho bé chút dầu ăn.
- Cháo tôm mồng tơi
Cách làm: Tôm lột vỏ, bỏ gân đen ở sống lưng. Băm nhỏ tôm với đầu hành trắng sau đó ướp tôm với 1 ít mắm. Mồng tơi băm nhỏ. Bắc nồi cháo trắng lên, cho tôm băm đã ướp vào ngoáy cùng tiếp đó cho mồng tơi băm vào. Nêm nếm cho vừa miệng. Cho dầu ăn trẻ em vào trước khi bắc ra.
Thời điểm và cách cho bé ăn sữa chua chuẩn nhất (Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Khi nào bé nhà bạn có thể ăn sữa chua? Hãy tìm hiểu thông tin này và những chú ý khi cho trẻ nhỏ ăn sữa chua trong bài viết dưới đây! |