Vị vua 3 lần đánh giặc Nguyên Mông, vì bảo vệ huyết mạch mà lập chị họ làm hoàng hậu

( PHUNUTODAY ) - Đây là vị vua anh dũng 3 lần đánh giặc Nguyên Mông, vì bảo vệ huyết mạch dòng họ mà lập chị họ lên làm hoàng hậu.

Vị vua 3 lần đánh giặc Nguyên Mông

Trần Thánh Tông là vị vua thứ hai của nhà Trần, tên húy là Trần Hoảng. Sử gia Lê Tắc người Trung Quốc miêu tả Trần Thánh Tông là “con thứ vua Thái Vương, dáng người khôi ngô, có nhã lượng”.

Theo ghi chép của cả các sử gia Việt Nam và Trung Quốc, Trần Thánh Tông là vị vua mềm dẻo nhưng cũng rất cương quyết trong đường lối ngoại giao.

Bấy giờ, nhà Nguyên đã lấy được thiên hạ của nhà Tống. Khi Trần Thánh Tông lên ngôi, nhà Nguyên sai sứ sang tận nơi trao sắc phong vương. Chúng bắt Đại Việt hằng năm phải cống nạp nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, thầy tướng số và nghệ nhân giỏi, mỗi loại 3 người, cùng nhiều loại sản vật quý hiếm khác, lại đòi đặt quan chưởng ấp được tự do đi lại khắp Đại Việt để giám sát. Vì mới lên ngôi, thế và lực chưa đủ mạnh nên Thánh Tông nhẫn nhịn chấp nhận. Bề ngoài thần phục, nhưng kỳ thực, Thánh Tông đang dốc sức chuẩn bị quân lương, sẵn sàng cho cuộc đối đầu với quân Nguyên khi ông cự tuyệt những yêu sách của chúng sau này.

vua1

Việc cự tuyệt nhà Nguyên được Trần Thánh Tông bắt đầu thực hiện năm 1266. Thấy Đại Việt mãi không triều cống theo lệ, vua Nguyên cho sứ sang giục giã. Thánh Tông bấy giờ mới đòi miễn việc cống người và bãi bỏ lệ đặt quan giám trị. Vua Nguyên bằng lòng bỏ việc cống người, nhưng muốn giữ nguyên lệ đặt quan giám trị, đồng thời đặt thêm điều kiện bắt vua ta phải thân chinh sang chầu, đưa con em sang làm con tin, chịu binh dịch, nộp thuế má. Thánh Tông thoái thác không chịu. Năm 1271, Hốt Tất Liệt đổi quốc hiệu là Đại Nguyên, bèn yêu cầu Trần Thánh Tông vào chầu, Thánh Tông cáo bệnh không đi. Hốt Tất Liệt lại cho sứ sang hỏi về trụ đồng Mã Viện chôn ngày trước, Thánh Tông trả lời: Cột ấy lâu ngày đã mất.

Như vậy, trong suốt thời gian ấy, Trần Thánh Tông luôn kiên quyết cự tuyệt mọi đòi hỏi quá đáng của vua nhà Nguyên bằng những đường lối mềm dẻo. Đường lối ấy tiếp tục được thực hiện bởi con trai của Trần Thánh Tông là Trần Nhân Tông.

Cương quyết với giặc ngoài, nhưng với con dân, Trần Thánh Tông lại có lòng thương yêu hết mực. Ông rất quan tâm đến việc giáo hóa dân, khuyến khích việc học hành trong dân gian. Thương người nghèo khó trong thiên hạ, Trần Thánh Tông sai các vương hầu, phò mã phải chiêu tập họ để khai khẩn ruộng hoang, lập trang hộ, giúp họ có cái ăn, cái mặc. Nhờ vậy, trong suốt thời kỳ Thánh Tông trị vì, thiên hạ luôn được thái bình, khắp nơi nhân dân đều được yên ổn làm ăn.

Cũng vì trọng tình, trọng nghĩa, nên Thánh Tông cũng rất thương quý anh em, con cháu. Ông thường nói với họ: “Thiên hạ là của cha ông để lại nên để cho anh em cùng hưởng phú quý”. Bởi thế, không giữ lệ vua tôi cứng nhắc, Thánh Tông chỉ cho giữ lễ tiết khi thiết triều. Còn lại, nhà vua đều cho mời hoàng thân vào điện ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, rất đỗi thân tình.

Nói chung, tinh thần trọng tình, trọng nghĩa ở nhà Trần rất được đề cao, bởi vậy, nhiều tư thù giữa anh em cùng dòng tộc được hóa giải, tình đoàn kết được gắn chặt. Đó chính là sức mạnh khó địch, là cội rễ của những cuộc chiến thắng oanh liệt trước quân Nguyên Mông. Đội quân hùng mạnh Nguyên Mông đã thôn tính được thiên hạ rộng lớn của nhà Tống, nhưng đành dừng bước viễn chinh bắt đầu từ bờ cõi nước Việt.

Lý do vua Trần Thánh Tông phải cưới chị họ?

Năm 1258, sau khi lên ngôi, vua Trần Thánh Tông lập chị họ Trần Thiều làm hoàng hậu. Trần Thiều chính là con gái của An Sinh vương Trần Liễu. Trong khi Trần Liễu là anh ruột của Trần Thái Tông.

Việc Thánh Tông lấy ai hay lập ai làm hoàng hậu đều do vua cha Trần Thái Tông chủ trì. Do Thái Tông rất muốn hàn gắn quan hệ giữa hai nhánh nhà Trần nên muốn con trai mình lấy con gái của Trần Liễu. Như vậy thì người về sau lên ngôi kế thừa cơ nghiệp nhà Trần sẽ là hậu duệ của hai nhánh, bảo vệ huyết mạch dòng họ.

Triều đình nhà Nguyên (Trung Hoa) nhiều lần đòi vua Trần Thánh Tông sang chầu. Vua nước Đại Việt xử trí thế nào?

Lên ngôi vua ở tuổi 18, Trần Thánh Tông giữ vững tinh thần độc lập, cố giữ sự giao hảo với phương Bắc, nhưng không cúi mình.

Sử sách ghi lại: Năm 1260, vua Nguyên Mông là Hốt Tất Liệt sai người mang chiếu chỉ sang Đại Việt yêu cầu triều đình Trần Thánh Tông phải tuân theo mọi phong tục và lễ nghi của "thiên triều". Suốt thời gian trị vì Thánh Tông đã duy trì đều đặn việc cống sản vật, nhưng không bao giờ chịu cống người, như yêu cầu của triều đình phương Bắc.

Cứ vài năm, nhà Nguyên lại cho sứ tới sách nhiễu Đại Việt và dụ vua Trần sang chầu, nhưng Thánh Tông lấy cớ thoái thác. Yêu cầu phải quỳ khi nghe chiếu của hoàng đế nhà Nguyên cũng bị Trần Thánh Tông khước từ.

vua4

Sách Các triều đại Việt Nam đánh giá: "Vua Trần Thánh Tông thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo nhưng rất kiên quyết, nhằm bảo vệ danh dự của Tổ quốc, ngăn chặn từ xa mọi sự dòm ngó, tạo sự xâm lược của nhà Nguyên".

Khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, vua Trần Thánh Tông đã làm gì?

Năm 1284, Trần Thánh Tông khi ấy đã làm Thượng hoàng, triệu họp phụ lão trong cả nước về trước thềm điện Diên Hồng ở kinh đô Thăng Long để trưng cầu dân ý về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói đánh, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng". Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các phụ lão tham gia có thể coi là đại biểu của dân. Sau hội nghị, chính các phụ lão là người truyền đạt chủ trương của triều đình đến người dân.

Sử gia Ngô Sĩ Liên đánh giá việc vua Trần cho họp phụ lão cả nước rằng: "...Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy".

Trước hội nghị Diên Hồng, Trần Thánh Tông đã tổ chức lấy ý kiến các vương hầu về việc đánh hay hòa ở bến Bình Than (Hải Dương).

Sau khi 3 cuộc đại thắng giặc Nguyên Mông (năm 1257, 1285 và 1288), năm 1289 Trần Nhân Tông trịnh trọng tổ chức lễ định công ban thưởng cho triều thần. Tại đây, ông tiến phong Trần Hưng Đạo vương làm Đại vương, Hưng Vũ vương làm Khai quốc công, Hưng Nhượng vương làm Tiết độ sứ.... Nhiều triều thần khác cũng được thưởng tước. Tuy nhiên, khi việc định thưởng đã xong, vẫn còn người chưa bằng lòng. Trần Thánh Tông đã dùng lời lẽ thuyết phục, khiến triều thần sau đó vui vẻ nghe theo.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư kể lại: "Việc thưởng tước đã xong, vẫn còn có người chưa bằng lòng. Thượng hoàng dụ rằng: Nếu các khanh biết chắc là giặc Hồ (Nguyên) không vào cướp nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, vạn nhất giặc Hồ trở lại và các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ. Mọi người đều vui vẻ phục tùng".

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link