Vị vua nữ duy nhất trong lịch sử 1000 năm phong kiến Việt Nam và số phận chìm nổi bi ai

00:07, Thứ ba 09/01/2024

( PHUNUTODAY ) - Bạn có biết ai là vị vua nữ duy nhất trong 1000 năm phong kiến Việt Nam hay không?

Lý Chiêu Hoàng là con gái thứ của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Bà cũng là vị Hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý (1010 - 1225). Ngay từ khi còn nhỏ, Lý Chiêu Hoàng đã bị cuốn vào cuộc tranh đấu vương quyền giữa hai triều Lý - Trần, để rồi cả quãng đời về sau bà phải chịu lắm nỗi truân chuyên.

cong-chua

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lý Chiêu Hoàng lên ngôi Hoàng Đế vào tháng 10 năm 1224, khi ấy bà mới 6 tuổi, niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Do tuổi còn quá nhỏ nên việc triều chính do Thái hậu Trần Thị Dung điều hành. Khi đó, Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (anh họ của Thái hậu Trần Thị Dung) - người nắm quyền lực lớn nhất trong triều đình thời bấy giờ đã sắp xếp một người cháu họ là Trần Cảnh, 8 tuổi, đưa vào cung làm Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng.

Có bạn chơi cùng, Lý Chiêu Hoàng rất thích Trần Cảnh nên hay trêu đùa với nhau. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: "Một hôm, Cảnh lúc ấy 8 tuổi phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng thấy thế làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng trên bóng.

Có một hôm, Cảnh bưng nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh...".

Thấy cả hai có vẻ quấn quýt, Trần Thủ Độ bàn với chị họ là Thái hậu Trần Thị Dung thực hiện cuộc "đảo chính cung đình" với việc làm táo bạo bằng cách đem hết gia thuộc thân thích vào trong cung cấm.

Sau đó Trần Thủ Độ sai quân lính của mình đóng chặt cửa thành và các cửa cung, cử người coi giữ nghiêm ngặt, các quan xin vào chầu vua nhưng không được chấp thuận.

Khi hoàng cung đã bị phong tỏa, triều thần nhà Lý không ai có phản ứng gì vì họ Trần giữ Nữ hoàng và Thái hậu khác nào có con tin ở trong tay thì ai dám manh động. Tiếp đó Trần Thủ Độ liền cho loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi". Như vậy là Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh đã nên duyên vợ chồng.

cong-chua1

Vốn dĩ, những câu trích dẫn ở trên chỉ là trò đùa ngây thơ của con trẻ, nhưng qua con mắt của người có mưu đồ xấu đã trở thành mối duyên đưa đẩy thiên hạ đổi ngôi.

Và rồi, chuyện gì đến cũng phải đến, mùa đông Ất Dậu năm ấy, chiếu nhường ngôi cho chồng được ban ra. Có đoạn trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "Khốn nỗi, trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không có người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, giữ thế nào nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản, đến thế là cùng cực rồi...

Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất vẹn tuyền, thực là thể cách hiền nhân quân tử, uy nghi chễm chệ, có tư chất thánh thần văn võ, sớm tối nghĩ kỹ, xét nghiệm từ lâu, nên nhường ngôi báu, để thuận lòng trời, để phụ lòng trẫm.

Mong rằng đồng lòng hết sức, cùng giúp đỡ việc nước, để hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ, để mọi người biết".

Ngày 11, tháng 12 Mậu Dần ấy, trên bảo sàng, Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự, khuyên mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế.

Cuộc đời bất hạnh

Những tưởng nhường ngôi cho chồng, trở thành hoàng hậu Chiêu Thánh mở ra trang hạnh phúc mới cho nàng công chúa bé bỏng nơi cung cấm. Nhưng đó... mới là lúc khởi đầu của "nghiệt duyên" bất hạnh.

Năm 14 tuổi, Chiêu Thánh sinh với Trần Cảnh 1 người con trai đặt tên Trần Trịnh nhưng mất ngay sau đó. Bốn năm sau, dưới áp lực của Trần Thủ Độ khi ấy đã là Thái sư, sợ vua không có người thừa tự, ép vua lấy bà Thuận Thiên làm vợ. Nghiệt nỗi, Thuận Thiên lúc ấy đã là vợ Trần Liễu (anh trai vua Trần Thái Tông) và còn mang thai 3 tháng.

Sự việc ấy khiến vua muốn bỏ cung lên núi Yên Tử ở nhà Phù Vân quốc sư, còn Trần Liễu khởi binh làm loạn. Tuy nhiên, sau đó, binh biến bị dẹp yên, vua trở lại kinh thành, mọi chuyện bình thường như trước. Chỉ có một người ôm nỗi đau đớn là Chiêu Thánh.

Nhà Trần tước bỏ vị trí hoàng hậu, phế bà xuống làm công chúa. Suốt đằng đẵng 20 năm, Chiêu Thánh làm công chúa lần thứ 2, ôm trong mình nỗi buồn tủi, hiu quạnh trong cung cấm.

cong-chua1

Tưởng chừng bà sẽ sống với sự ghẻ lạnh, thất sủng ấy đến cuối đời, nhưng vận mệnh mang đến cho Chiêu Thánh một ngã rẽ khác.

Năm Mậu Ngọ 1258, vua Trần Thái Tông xuống chiếu gả bà cho Lê Tần (tức Lê Phụ Trần). Ông là vị tướng có công lớn trong cuộc chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất. Có đoạn trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vua nói: "Trẫm không có khanh thì làm gì có được ngày nay. Khanh nên cố gắng để hưởng phúc sau này".

Vậy là, đời Chiêu Thánh, từ công chúa lên ngôi vua rồi nhường ngôi cho chồng, trở thành hoàng hậu rồi bị phế thành công chúa, giờ đây, lại hạ giá gả cho danh tướng là bề tôi. Nói như Sử thần Ngô Sĩ Liên là "Triều Trần vua tôi nhảm nhí trong luân thường vợ chồng lại thấy ở đây lần nữa".

Đồng ý lấy Lê Phụ Trần khi đã 40 tuổi nhưng Chiêu Thánh vẫn còn xuân sắc mặn mà. Sau ngày cưới 1 năm, bà hạ sinh con trai tên Lê Tông (còn tên là Lê Phụ Hiền, sau đổi tên là Trần Bình Trọng). Rồi một người con gái ra đời tên Minh Khuê, sau được phong Ưng Thụy công chúa.

Nói đi cũng phải nói lại, tuy muộn màng, nhưng dường như hạnh phúc đã mỉm cười với Chiêu Thánh. Bao phen bể dâu, bà cũng có một nơi thuộc về và sinh được đủ nếp, đủ tẻ.

Năm Mậu Dần 1278, bà về thăm quê Cổ Pháp dự lễ giỗ tổ và mất tại đây. Tương truyền lúc ấy, bà thọ 60 tuổi nhưng tóc vẫn đen nhánh, môi đỏ như son và đôi má vẫn ánh lên màu hoa đào.

Bà được người dân lập đền thờ ở bìa rừng Báng, phía Tây Thọ Lăng Thiên Đức, ngôi đền tên là Long miếu điện, thường gọi là đền Rồng. Bà chỉ được thờ riêng ở ngôi đền nhỏ, không được chung ở đền Lý Bát Đế bởi "trọng tội". Kết hôn rồi nhường ngôi cho chồng, bà bị khoác lên mình "trọng tội", bị coi là bất hiếu khi làm hủy hoại nhà Lý, đưa ngôi vương vào tay kẻ khác.

Dân gian còn tương truyền: "Tộ truyền bát diệp, diệp lạc âm sinh". Câu này mang nghĩa truyền được 8 lá, lá rụng xuống rồi âm khí sinh ra. Ý nói nhà Lý truyền được 8 đời, mất ngôi vì có vua đàn bà.

Trong sử sách, dưới góc nhìn phong kiến, còn khoác lên người bà quan điểm nặng nề hơn nữa. Việt sử tiêu án viết: "... Bà là chất âm mà ở dương vị, trái hẳn lẽ thường,... nhất sinh dâm cuồng, lấy chồng không vừa lứa đôi...". Chuyện bà lấy Lê Phụ Trần cũng bị coi là tội: "Chiêu Thánh vui thích sự gả đó, lại không được bằng người đàn bà thường dân còn có liêm sỉ,... là hoàng hậu mà lấy bầy tôi làm chồng, Phụ Trần là bầy tôi mà lấy bà hậu làm vợ; mẹ ấy con ấy, chị ấy em ấy, vợ ấy chồng ấy, vua ấy tôi ấy thật không bằng cầm thú".

Bao lời oán thán đều đổ lên đôi vai gầy lạc lõng của người phụ nữ nhỏ bé. Nhưng, hỡi ôi, phận nữ nhi, vâng mệnh bề trên cũng là lẽ phải. Từ 7 tuổi đã phải nắm giữ ngai vàng lung lay, mục ruỗng đến tận gốc rễ, lại chẳng có cao minh chỉ đường dẫn lối, không người phò tá trung thần, sự suy thoái từ Lý Cao Tông khiến chính sự đổ nát, lòng dân nguội lạnh rồi còn đâu.

Chuyện kể rằng, khi mới có được thiên hạ, vua Lý Thái Tông xa giá về Cổ Pháp, ngự chơi chùa hương Phù Đổng, có thần nhân đề thơ ở cột chùa rằng:

"Nhất bát công đức thủy (Một bát nước công đức của Phật)

Tùy duyên hóa thế gian (Theo cơ duyên sinh thành cho thế gian)

Quang quang trùng chiếu chúc (Vằng vặc hai lần đuốc soi sáng)

Một ảnh nhật đăng san (Mặt trời gác núi là hết bóng)".

Đến khi triều Lý khép lại, mới hay rằng bài thơ là nghiệm. Tính từ đời vua Lý Huệ Tông trở lên Lý Thái Tổ là tám đời. Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn rằng, Huệ Tông tên là Sam - tức mặt trời gác núi hết bóng, nhà Lý được nước là tự trời, mất nước cũng là tự trời vậy.

Cuộc đời Chiêu Hoàng phải chịu nhiều cay đắng và tủi nhục, sau khi nhường ngôi cho chồng, lui về sau làm hoàng hậu, bị giáng làm công chúa, chồng lấy chị gái của mình, quá chán nản xin đi tu thì chồng cũ đến thuyết phục gả cho bầy tôi để ban thưởng.

Có nỗi đau nào đau hơn thế, cho đến giờ dân gian vẫn truyền lại câu ca dao như lời thác gửi trách vua Trần:

"Trách người quân tử bạc tình

Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!"

Chẳng biết tình cảm của Trần Cảnh với Chiêu Hoàng thế nào, nhưng hai lần "phụ bạc" ấy không chỉ khiến nàng cõi lòng chết lặng mà người đời sau cũng "chê", được cho là tình huống hiếm có trong lịch sử. Dù vậy, việc gả vợ cũ cho bề tôi âu cũng là định mệnh, ngã rẽ ấy giúp nàng tìm được hạnh phúc nửa đời về sau.

Hình tượng về Lý Chiêu Hoàng, trước là nàng công chúa số phận thăng trầm, sau là nữ hoàng đầu tiên của Việt Nam đã để lại hoài niệm sâu sắc cho hậu thế. Ở đó, người đời sau chiếu qua lăng kính lịch sử để hiểu rõ hơn về số phận của một nàng công chúa.

Bà là nữ hoàng duy nhất trong hơn 1000 năm tồn tại chế độ phong kiến Việt Nam, cũng là phụ nữ duy nhất trong lịch sử được phong làm Thái tử và ở ngôi Thái tử trong thời gian ngắn nhất (không đầy 1 ngày). Chiêu Hoàng là vị vua ở ngôi ngắn nhất trong số các vua triều Lý. Bà là người duy nhất trong lịch sử 2 lần làm công chúa và là công chúa của hai triều đại khác nhau. Đặc biệt hơn, bà là người duy nhất trong lịch sử làm vua của một triều đại rồi lại làm hoàng hậu của vương triều khác. Sau cùng, Chiêu Hoàng và Trần Cảnh là đôi vợ chồng duy nhất trong lịch sử đều làm vua.

Có thể biến động lịch sử đưa đẩy Chiêu Hoàng đến với nhiều ngã rẽ khác nhau, nhưng khi nhắc đến bà, hậu thế liền nhớ đến bà là người đặt dấu chấm hết cho triều đại nhà Lý, từ Lý Thái Tổ (1010) đến Chiêu Hoàng năm Ất Dậu (1225) tổng cộng 216 năm.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Thạch Thảo