Vợ cuồng ghen, hoàng đế cũng bỏ nhà "đi bụi"

( PHUNUTODAY ) - Thói ghen tuông kinh hoàng của Độc Cô hoàng hậu đã bức Tùy Văn đế Dương Kiên rời bỏ cả hoàng cung mà đi.

Hoàng đế bỏ nhà ra đi, chuyện có lẽ xưa nay hiếm. Nhưng với Tùy Văn đế Dương Kiên, vị vua sáng lập triều đại nhà Tùy, lại là chuyện có thực. Cuốn “Tùy thư” còn chép rõ sự việc này.

Độc Cô thị sau khi lấy Tùy Văn đế thì dứt khoát đòi một vợ một chồng.Thời bấy giờ, quan quân trong triều luôn nhỏ to bàn tán, rằng Độc Cô hoàng hậu là một người đàn bà có máu Hoạn Thư thuộc loại bậc nhất thiên hạ. Vì muốn giữ riêng hoàng đế cho mình, trong giới hạn quyền lực, bà ta không cho phép bất kỳ mỹ nữ nào trong cung được quyền ân ái, chung đụng thân xác với chồng. Cũng bởi lẽ đó, biết bao người đẹp chốn hậu cung chỉ biết than trời vì phúc hèn phận kém. Giấc mơ được bậc đế vương lâm hạnh theo đó mà dần tiêu tan.

Tùy Văn đế Dương Kiên.

Một lần, khi được kẻ hầu cấp báo, Tùy Văn đế đã có đêm hoan lạc với cung nữ Uất Trì, Độc Cô hoàng hậu dù đang mệt mỏi ốm đau vẫn đùng đùng trở dậy rồi đem theo khoảng 10 cung nhân, rầm rập kéo đến cung Nhân Thọ. Sau màn đay nghiến, mạt sát Uất Trì thị, bà hoàng ghen tuông sai lũ tay chân đánh đập nàng ta tới mức hoa tàn, trăng lặn.

Trong quan niệm của dân gian Trung Quốc, Độc Cô hoàng hậu là một trong những độc phụ nổi tiếng thời cổ đại.

Còn Tùy Văn đế, sau buổi triều sớm lại tất tưởi tới cung Nhân Thọ, cốt để có đêm lâm hạnh thứ hai cùng người con gái có nhan sắc hoa nhường, nguyệt thẹn Uất Trì thị. Thật chẳng ngờ, vừa bước tới cung, nhà vua đã phải chứng kiến cảnh tượng sát hại tình địch vô cùng tàn ác của Độc Cô. Uất giận bốc lên ngút trời, nhưng không thể phát tiết ra ngoài, Tùy Văn đế vội vã trở ra, leo thẳng lên lưng ngựa, cứ nhằm hướng Vĩnh Cảng mà phi thẳng khỏi cung, lòng đầy chán chường, chỉ muốn quẳng cả giang sơn thiên hạ, tìm chốn hang sâu mà ẩn cư cho xong.

Ngựa phi điên cuồng, người cưỡi cũng không màng đích đến, cứ thế một người một ngựa như bay hơn hai mươi dặm. Thương cho phận mình, Tùy Văn đế bèn cất giọng than thở: “Ngô quý vi thiên tử, nhi bất đắc tự do” (Ta thân là thiên tử mà không có nổi tự do).

Đúng lúc quan đại thần Cao Dĩnh tan chầu trở về, bắt gặp hoàng thượng trên đường trong dáng vẻ ủ rũ thê lương, bèn ra sức gặng hỏi, mới rõ đầu đuôi sự tình. Ông hết mực thuyết phục bậc đế vương nên nguôi giận mà nghĩ tới xã tắc. Nghe vậy, Tùy Văn đế đành quay ngựa hồi cung.

Riêng phần Độc Cô thị sau khi hoàng đế ra khỏi triều nội cũng hoang mang, lo lắng đủ đường. Biết tin Tùy Văn đế đã trở về, bà ta vui mừng khôn xiết, nước mắt ròng ròng, định bụng sẽ nói những điều tỏ ý ăn năn hối lỗi.

Dù trở về, trong lòng Tùy Văn đế vẫn chưa nguôi ngoai, bèn lên thẳng đại điện, cho triệu quần thần, đòi thảo chiếu phế bỏ Độc Cô hoàng hậu. May nhờ hai vị Cao Dĩnh, Dương Tố khuyên giải nhà vua không nên vì một người đàn bà mà bỏ mặc cả thiên hạ, ông mới cho qua chuyện này. Nhưng kể từ đó, tình nghĩa phu thê của Tùy Văn đế và Độc Cô hoàng hậu chẳng được mặn mòi, thắm thiết như xưa.

Đến năm 602, sau 36 năm làm bà hoàng chốn hậu cung, Độc Cô thị qua đời vì bệnh tật. Sự ra đi của người vợ đầu gối tay ấp bấy lâu dường như đã giải thoát cho Tùy Văn đế khỏi bị giam hãm về mặt tinh thần lẫn nhu cầu dục vọng. Ông ngày đêm lao vào tửu sắc, lập thê phong thiếp liên hồi, không mấy đoái hoài tới việc triều chính. Tới khi thân thể suy kiệt, Tùy Văn đế Dương Kiên mới nghĩ tới người vợ đã khuất núi của mình, mà than thở: “Sử hoàng hậu tại, ngô bất cập thử” (có nghĩa: Nếu hoàng hậu còn, ta sẽ không ra nông nỗi này).

Cũng bởi lẽ đó, lịch sử Trung Quốc cho tới nay vẫn còn tranh cãi về con người thực sự của Độc Cô hoàng hậu. Chính sách “một vợ một chồng” mà bà duy trì thời còn sống liệu có hoàn toàn vì lòng tham muốn độc chiếm hoàng đế, vì thói ghen tuông vô độ, hay xuất phát từ ý tốt, muốn ngăn chặn việc hoàng đế lẫn các quan đại thần vì ham mê sắc dục, mải mê lập thiếp mà gieo họa cho gia đình lẫn xã tắc giang sơn?

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn