Vụ bé trai 35 ngày tuổi bị mẹ trẻ sát hại: Không thể kết luận vội vàng "người mẹ bị trầm cảm sau sinh"

( PHUNUTODAY ) - Theo luật sư Nguyễn Minh Long - Văn phòng Luật Dragon, Hà Nội, nếu nói người mẹ này giết con là do bị trầm cảm thì cần có kết luận sau khi giám định y tế, chứ không thể vội vàng kết luận được.

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 14/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội thông tin về kết quả điều tra vụ bé trai 35 ngày tuổi ở huyện Thạch Thất bị sát hại trước đó.

Theo đó, người bị tình nghi gây án là Phan Thị Trinh (19 tuổi, mẹ bé trai xấu số). Cảnh sát xác định nguyên nhân dẫn đến án mạng thương tâm này là do chị Trinh mắc bệnh trầm cảm nặng.

Rạng sáng, Trinh tỉnh dậy, thấy đau đầu và có cảm giác mất kiểm soát. Bế con trai ra cầu thang dẫn lên tầng 2, người mẹ 9X thả cháu bé vào chậu nước.

giet-con-5

 Người mẹ bị trầm cảm sau sinh.

Sau đó, Trinh lên phòng ngủ ở tầng 2 lấy cục than viết dòng chữ: "Tao sẽ giết cháu mày Lăng" trên bậc cầu thang. Xong việc, thiếu phụ 19 tuổi vào phòng ngủ cho đến khi bố chồng gọi dậy.

Khoảng 6h ngày 12/6, Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội nhận được tin báo về việc bé trai hơn một tháng tuổi là con của anh Vũ Hoàng Hải và Phan Thị Trinh (ở thôn Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất) tử vong trong chậu nước. Người phát hiện vụ việc là ông Vũ Đình Lăng (ông nội nạn nhân).

Qua khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi, cơ quan điều tra xác định bé trai tử vong do bị ngạt nước, trên tử thi không phát hiện dấu vết tác động ngoại lực.

Sau hơn 30 giờ tích cực điều tra, cảnh sát đã làm rõ nghi can gây án là Phan Thị Trinh.

Theo người thân, Trinh hiền lành, ngoan ngoãn, không mâu thuẫn với ai.

Theo kết luận ban đầu, nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do Phan Thị Trinh mắc bệnh trầm cảm nặng, nên xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực. Đây cũng là căn bệnh mà nhiều bà mẹ sau sinh mắc phải.

Luật sư Nguyễn Minh Long (Văn phòng Luật Dragon, Hà Nội) cho rằng trong vụ việc trên, cơ quan điều tra cần phải “làm cho rõ ràng” và “cần khởi tố”.

Luật sư Long cho rằng, thông tin người mẹ bị trầm cảm đó chỉ là do “dư luận báo chí đưa ra”, còn kết luận thế nào cần phải có “cơ quan điều tra vào cuộc”.

“Tôi cũng đã xem tin tức trên đài báo nói về vụ này, cũng có thông tin nói là do người mẹ bị trầm cảm sau khi sinh con. Nhưng đó là thông tin dư luận báo chí đưa ra và do người nhà của cô gái này nói chứ đã có giám định đâu”, LS Long nói.

LS Long cho rằng: “Nếu muốn xác định đây là vụ cố sát hay ngộ sát thì cần phải có kết luật từ cơ quan điều tra. Trước hết, nếu nói người mẹ này giết con là do bị trầm cảm thì cần có kết luận sau khi giám định y tế, chứ không thể vội vàng kết luận như thế được”.

Theo LS Long, những trường hợp án mạng xảy ra do mâu thuẫn gia đình lên đến “đỉnh điểm” mà “không có sự hòa giải” không phải là hiếm.

Đối với vụ việc trên, ông Long cho rằng “rất có thể là do mâu thuẫn gia đình” vì trước khi sát hại đứa bé, người mẹ đã viết trên bậc thềm một câu nói “có thể là bằng chứng để buộc tội”.

Trong khi đó, ở một góc nhìn khác, Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Hà Nội) lại cho rằng cần thiết phải có sự “cách li” người mẹ đã sát hại con khỏi xã hội để “chữa bệnh bắt buộc”.

LS Trương Anh Tú cho biết: “Điều 13 của Bộ Luật Hình sự có quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự rất rõ ràng. Cụ thể những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với những người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Vì vậy, trong vụ việc trên, tôi cho rằng việc cách lí người mẹ ra khỏi xã hội và bắt buộc phải chữa bệnh là cần thiết”.

luat-su

 Luật sư Trương Anh Tú cho rằng trong vụ việc trên, người mẹ cần phải cách li khỏi xã hội.

Theo LS Trương Anh Tú, việc chữa bệnh bắt buộc còn phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra, cụ thể là sau khi có giám định rằng người mẹ có thực sự bị trầm cảm và tâm lí bất bình thường hay không.

LS Trươn Anh Tú phân tích: “Các trường hợp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Luật Hình sự đã quy định rất rõ ràng. Bao gồm có mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần ở trạng bị thái kích động, trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác theo quy định của pháp luật.

Nên trong vụ việc trên, nếu cơ quan điều tra sau khi điều tra và có kết luận là người mẹ bị mắc bệnh về tâm lí thì việc áp dụng chữa bệnh bắt buộc là điều cần thiết”.

“Nếu xác định người mẹ bị tâm thần, trầm cảm và buộc phải chữa bệnh bắt buộc thì có thể miễn truy tố hình sự”, LS Tú nói.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn