Chiều qua, đang đứng vẩn vơ suy nghĩ trước cửa nhà thì bác hàng xóm hơn sáu chục tuổi hỏi chuyện: "Nhà báo nói xem phẩm chất cần thiết nhất để thành cán bộ lãnh đạo ở ta là gì?"
Tôi nhanh nhảu trả lời là năng lực! Bác cười cười xua tay, cũng cần đấy nhưng chưa phải nhất. Mối quan hệ? Vẫn chưa phải. Rồi khẽ thở dài bác trả lời: "Là nói hay".
Ngẫm ra thấy cũng hợp lý thật! Dân mình được cái giàu hy vọng, dù cuộc sống còn đủ thứ vất vả, khổ sở nhưng mỗi khi được vẽ ra tương lai tươi sáng thì lại quên hết mệt mỏi, tiếp tục tiến tới. Thế mới có chuyện chỉ cần nhận được lời hứa là dân tin ngay. Kể cả nhiều khi cán bộ có "hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều" dân vẫn chẳng vì thế mà quay lưng lại với những hứa hẹn.
Rất nhiều cán bộ, công chức nước ta thường xuyên 'hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều' |
Mọi người cũng đừng vội thở dài ngán ngẩm, trách dân mình cả tin, không biết đòi quyền lợi. Bởi bây giờ không tin vào những hứa hẹn thì biết tin vào đâu? Kinh tế khó khăn, thu nhập ngày càng giảm, vật giá lại leo thang chóng mặt... thực tế ấy quả thực không có chỗ để cho người ta bám víu.
Hơn nữa, ở ta cán bộ hứa hay toàn được khen chứ đã có ai bị phạt vì không thực hiện lời hứa bao giờ. Thế cho nên mới có chuyện cán bộ cứ hứng lên là hứa thoải mái còn chuyện sau đó ra sao thì chẳng cần quan tâm.
Tuy nhiên, vừa qua dư luận cả nước đã xôn xao về phát ngôn của một Bí thư huyện ủy. Bởi tuy mới chỉ là lời nói nhưng nó đã thể hiện trách nhiệm và lòng tự trọng của một vị lãnh đạo cao nhất ở một địa phương.
Chẳng là tháng 11 vừa qua, khu vực miền núi Ba Tơ có mưa lớn nhất lịch sử gây lũ quét nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà. Lũ đi qua, huyện miền núi Ba Tơ (địa phương thuộc diện 30a) bị thiệt hại trầm trọng với hơn 520ha đất ruộng và hoa màu bị sa bồi, trong đó 243ha đồng ruộng khó khắc phục. Tổng thiệt hại của huyện Ba Tơ khoảng 220 tỷ đồng.
Trước thiệt hại to lớn ấy, ông Phạm Viết Nho - Bí thư Huyện ủy Ba Tơ đã bày tỏ: “Nếu để dân mình bị đói khát thì làm cán bộ thật xấu hổ và có lỗi với dân. Với tư cách và danh dự của ông Bí thư của huyện Ba Tơ, trong 3 ngày Tết cổ truyền, chỉ có 1 người dân không có gạo ăn, tôi xin từ chức ngay”.
Lời “cam kết” của vị bí thư không đơn giản chỉ là một lời hứa làm yên lòng dân lúc khó khăn. Quan trọng hơn, nó thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng của người cán bộ hết tâm, hết sức với nhân dân. Nếu không thực hiện được lời hứa, người cán bộ không chỉ cảm thấy xấu hổ mà còn xem đó là lỗi và sẵn sàng chịu trách nhiệm với lời nói của mình, sẵn sàng lấy sự nghiệp chính trị ra bảo đảm: "Chỉ có 1 người dân không có gạo ăn, tôi xin từ chức ngay".
Có thể sẽ có nhiều người nghi ngờ về tính hiện thực của lời cam kết ấy. Cũng chẳng trách được khi cán bộ cứ hứa ngày càng nhiều mà thực hiện thì chẳng được bao nhiêu. Nhưng tôi thì thực lòng tin tưởng! Tin vào những con người ở vùng quê cách mạng anh dũng, kiên cường, tin ở sự thẳng thắn, bộc trực của người miền Trung.
Quý vị thử nghĩ mà xem, khi xấu hổ hiện nay thực sự là một cảm xúc vô cùng hiếm có khó tìm thì câu nói ấy chẳng khác nào tín hiệu đáng mừng, là cứu cánh củng cố niềm tin đang mất dần của chúng ta.
Người ta đồn rằng ở nước ta hiện nay nhìn đâu cũng thấy sự tự tin, không thèm xấu hổ. Bởi nếu biết xấu hổ thì còn lâu mới có tình trạng 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng thẳng thắn chỉ rõ. Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức, kể cả lực lượng vũ trang, như vậy sẽ có khoảng 840.000 người chỉ ngồi chơi và hàng tháng hưởng lương. Ai cũng biết là có số lượng người đó đang ăn bám xã hội, nhưng có cách nào xử lý được đâu. Cũng chẳng làm sao ngăn họ lại được.
Một ví dụ khác là vụ việc vừa mới đây liên quan đến cầu cạn đường vành đai 3 (Hà Nội) sau chưa đầy 1 năm thông xe đã bị lún mà có ai thấy ngại ngần hay xấu hổ gì đâu, cả bên trao lẫn bên nhận vẫn quyết vay vốn ODA thưởng 180 tỷ cho nhà thầu thi công. Tự tin không xấu hổ như vậy cũng có ai chết đâu? Sao cứ nhất thiết phải xấu hổ làm gì? Đấy là chưa kể đến việc người dân đã đóng được hơn 4.000 tỷ thế mà ngành giao thông vẫn vá đường bằng đất, còn tiền vá đường thì đi hỗ trợ thất nghiệp đấy thôi.
Hay như hai đại gia hàng đầu của nền kinh tế Việt gần đây là EVN và PVN bị quên đóng thuế hàng tỷ đồng mà cũng có vấn đề gì đâu. EVN thậm chí còn đang nợ ngân hàng cả trăm nghìn tỷ, trong thời buổi kinh tế khó tới mức doanh nghiệp muốn có vài tỷ để phục hồi sản xuất cũng là ước mơ không dễ với.
Ngồi mà kể hết những chuyện không xấu hổ ở Việt Nam thì còn dài, không khéo độc giả bảo kẻ viết bài này lảm nhảm toàn những chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi".
Nên thôi cũng chẳng kể nữa, chỉ hy vọng rằng sau phát ngôn tâm huyết của Bí thư huyện ủy Ba Tơ, mọi người sẽ thấy được người dân cần những cán bộ dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm đến mức nào. Bởi chỉ có thật nhiều những cam kết chuẩn, lời hứa không nói suông mới có thể phá bỏ tảng băng không biết xấu hổ của cán bộ, từ đó mang đến cho người dân niềm tin thật sự.