Theo đó, nếu chưa cơ cấu nợ, trích lập đủ dự phòng xử lý nợ xấu, các ngân hàng sẽ không được tăng lương, thưởng cán bộ, cấp quản lý, điều hành. Ngoài ra, các cổ đông có thể không được chia cổ tức nếu làm sai quy định. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần có vốn chi phối của nhà nước, các tổ chức tín dụng đều phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành về việc tạm ứng, chia cổ tức, lợi nhuận của năm 2013 trước khi thực hiện
Trong thời buổi có đầy rẫy doanh nghiệp Nhà nước dù làm ăn thua lỗ nhưng vẫn lương cao, thưởng khủng đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" thì chỉ đạo của Thống đốc với không ít người chẳng khác nào sét đánh ngang tai. Đấy, quý vị thử nghĩ mà xem, các doanh nghiệp Nhà nước được "vô tư" với nhân viên như vậy mà tự nhiên Thống đốc lại lên tiếng cấm ngành ngân hàng tăng lương, thưởng, tự dưng chịu phần thiệt thòi như thế ai mà chịu cho được.
Chẳng thế mà trong 2 năm 2011- 2012, tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có gần 20 vị Chủ tịch, Tổng giám đốc hưởng thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Mức thu nhập "khủng" này gấp 4-5 lần so với thu nhập bình quân chung của các lãnh đạo khối doanh nghiệp Nhà nước và gấp vài chục lần so với lương của người lao động. Trong khi tính đến cuối năm 2011, tổng các khoản lỗ lũy kế của 13 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lên tới 48.988 tỷ đồng.
Hai ông lớn EVN, Petrolimex dù đứng đầu bảng nợ, lỗ nhiều nhất cả nước nhưng lương thưởng của cả nhân viên lẫn lãnh đạo đều là nỗi ước ao của biết bao người lao động.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đứng đầu trong danh sách Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có nợ phải trả nhiều nhất |
Mức lỗ bình quân của các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cao gấp 12 lần các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Trong đó, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đóng góp 78% số lỗ này khi lỗ lũy kế tới 38.104 tỷ đồng. Vậy mà theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính,các tổng công ty thành viên, mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn trích thưởng cho nhân viên.
Cụ thể, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng các đơn vị trực thuộc vẫn tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Do kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2011 nên không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng phúc lợi và bù đắp khoản chi này. Tương tự, Tổng công ty Điện lực miền Trung cũng tạm ứng quỹ gần 5,4 tỷ đồng khen thưởng nhưng do lỗ năm 2011 nên không có tiền bù đắp khoản chi quỹ.
Kiểm toán nhà nước cho biết, năm 2011 Petrolimex lỗ kinh doanh xăng dầu 2.604 tỷ đồng nhưng tiền lương bình quân của khối công ty mẹ rất cao, lên tới 20,96 triệu đồng/người/tháng.
Kể cũng thật đáng ghen tị! Ai chẳng biết "đồng tiền đi liền khúc ruốt, nhìn thực trạng các doanh nghiệp cuối năm cứ điềm nhiêm báo lỗ mà vẫn có lương cao thưởng khủng trong khi ngành ngân hàng lại bị cấm lên, cấm xuống như vậy thì chịu làm sao nổi.
Thế mà ở thời điểm hiện tại lại có rất nhiều người sống chết cho rằng quyết định mới này của Thống đốc là vô cùng hợp lý.
Trong thời buổi "thóc cao gạo kém" như hiện nay, khi ngân sách Nhà nước đứng trước nguy cơ lạm chi, thậm chí khiến người ta lo ngại có khả năng vỡ nợ thì thắt lưng buộc bụng là sự lựa chọn sáng suốt.
Bên cạnh đó, nguyên nhân sâu xa hơn mà không phải ai cũng nhận thức được có lẽ là vì Thống đốc hết lòng nghĩ cho nhân viên. Dường như lãnh đạo ngành ngân hàng đã nhìn xa, trông rộng, thấy được sẽ có những người áy náy khi công ty làm ăn thua lỗ mà vẫn được tăng lương, thưởng nên mới không quản việc sẽ có người trách cứ mà đưa ra quyết định.
Hơn nữa, khi trên đầu mỗi người dân là một món nợ không nhỏ thì chi tiêu hiệu quả đi liền với tiết kiệm chẳng khác nào yêu cầu sống còn. Theo đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, tính đến 14h00 ngày 24/11/2013 (giờ Việt Nam), nợ công của Việt Nam là trên 77,459 tỷ USD; bình quân nợ theo đầu người là 859,28 USD/người (tương đương hơn 18 triệu đồng) chiếm 48,4% GDP, tăng 11,6%/năm so với năm 2012.
Thế cho nên việc Thống đốc đưa ra quy định cấm các ngân hàng tăng lương, thưởng rõ ràng hành động đúng đắn và phù hợp, không ngại trách móc, oán giận của một nhóm người để đạt lợi ích chung.
Có lẽ vì thế những tập đoàn lớn, nợ khủng như EVN hay Petrolimex thay vì tiếp tục "bài ca" lỗ cao lương vẫn khủng cõ lẽ cũng nên học ngành ngân hàng tiết kiệm để đỡ làm khổ dân.