Vụ siêu lừa Huyền Như: Luật sư phản bác cáo buộc của VKS

09:57, Thứ tư 15/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong phần tranh tụng của các luật sư tại phiên tòa xét xử siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như cùng 22 đồng phạm, hầu hết các luật sư đều cho rằng thân chủ không mang tội như "cáo buộc" của VKS.

Trong phiên xét xử ngày 14/1, phần tranh tụng, các luật sư Phạm Thanh Khương, Nguyễn Đăng Trừng, Phan Trung Hiếu, Đỗ Hải Bình, Lê Nguyễn Quỳnh Thi (bào chữa cho các bị cáo là nhân viên của Vietinbank bị truy tố vì hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng") tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh của các bị cáo.

Điểm chung trong phần bào chữa là các luật sư là đều cho rằng chính sự quản lý lỏng lẻo của các ngân hàng đã tạo điều kiện cho các bị cáo phạm tội; chính vì sự áp đặt của cấp trên, vì sự cả nể, tin tưởng vào Huyền Như mà nhiều bị cáo đã dính vào con đường phạm pháp nhưng không hề hay biết.

Mô tả ảnh.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như rời phiên tòa ngày 14/1.

Các luật sư cũng cho rằng, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank tham gia vụ án này với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, không phải là đơn vị bị thiệt hại nên truy tố các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên các phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng của Vietinbank là không “tâm phục khẩu phục”.

Họ cho rằng, trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử, Vietinbank vẫn cho rằng đơn vị này không bị thiệt hại gì về tài sản. Do vậy, không đủ căn cứ cáo buộc các bị cáo này phạm tội “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Phải xem xét vai trò của Vietinbank để luận tội

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng nhận bào chữa cho bị cáo Bùi Ngọc Quyên nêu lập luận, việc giải quyết vấn đề cho vay và tín dụng của ngân hàng bao gồm 4 khâu, thân chủ của ông thực hiện 2 khâu kiểm tra tài sản thế chấp và giám sát tài sản thế chấp đã được nhập kho chưa. Quyên không có trách nhiệm duyệt hồ sơ cho vay, khi Quyên phát hiện hồ sơ thiếu chữ ký của khách hàng nên đã báo với Trưởng phòng Huyền Như và Như khẳng định sẽ đi lấy chữ ký.

Ông Trừng đặt vấn đề, vai trò của lãnh đạo Vietinbank ở đâu khi quá trình phạm tội của Huyền Như kéo dài hơn một năm rưỡi và số tiền Như lừa đảo và chiếm đoạt lên tới 4.000 tỷ đồng mà Vietinbank nhiều lần thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn không phát hiện ra.

Luật sư Trừng cũng khẳng định, động cơ dẫn đến sai phạm của Quyên không phải giúp cho Huyền Như mà giúp cho Vietinbank huy động vốn. Bởi vậy, đề nghị HĐXX xem xét Quyên không phạm tội.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch bảo vệ cho bị cáo Lê Thị Ngọc Lợi và bị cáo Hồ Hải Sỹ cũng cho rằng, Vietinbank tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không thiệt hại về vật chất, có chăng, thiệt hại phi vật chất. Tuy nhiên, đánh giá thiệt hại phi vật chất rất khó. Bị cáo Hồ Hải Sỹ và Lê Thị Ngọc Lợi có điểm chung: không nhận tiền hay vật chất nào từ Như mà đều làm tốt công việc được giao, chưa có vi phạm nào trong suốt quá trình công tác. Mức án mà VKS đề nghị cho 2 bị cáo này là quá nặng. Cho rằng, pháp luật cần khoan hồng với người lần đầu phạm tội, ăn năn hối cải như Lợi, Sỹ. Do đó, luật sư trạch đề nghị HĐXX tuyên mức án dưới khung hình phạt, không cần cách ly bị cáo ra đời sống xã hội.

Cần xem lại cáo buộc của VKS?

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (bào chữa cho bị cáo Hoàng Hương Giang - bị đề nghị 10-12 năm tù) đưa ra một tình tiết được cho là chưa chính xác trong cáo trạng và trong phần đề nghị của công tố viên. Theo luật sư này, cáo trạng của Viện KSNDTC và lời luận tội của Viện KSND TPHCM đều khẳng định Giang có trách nhiệm kiểm tra các nội dung trên hợp đồng, chữ ký, phương thức giải ngân và thực hiện việc giải ngân.

Theo đó, ngày 12/5/2011, Giang tiếp nhận 4 bộ hồ sơ vay số tiền 20 tỷ đồng tài sản đảm bảo là 4 thẻ tiết kiệm mang tên Huỳnh Linh Chi, nhân viên Ngân hàng ACB. Tuy nhiên, theo luật sư thì nhóm nhân viên ACB liên quan đến vụ án không có ai tên Huỳnh Linh Chi. Vì thế, phía công tố cần phải làm rõ hơn việc này trong phần đối đáp công khai tại tòa. Luật sư Thi cũng đề nghị HĐXX xem xét vì Giang non kém nghiệp vụ, đang nuôi con nhỏ...

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Lành (nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Đông) cho rằng, công ty Phương Đông do Huyền Như lập ra, Lành không góp vốn và cũng không được hưởng lợi gì, chủ yếu là nơi để Như dùng để chuyển tiền đến và chuyển tiền đi. Lành bị cáo buộc cho Như “vay nặng lãi” số tiền gốc là trên 7.800 tỷ đồng (lãi suất 0,4-2%/ngày). Sau đó, Như đã trả cho Lành tổng cộng cả gốc lẫn lãi là trên 9.000 tỷ đồng, chênh lệch giữa số tiền Như vay và chả cho Lành là trên 1.186 tỷ đồng. 

Luật sư bào chữa cho rằng cả khoản tiền Lành cho Như vay và số tiền Lành thu lời bất chính (tiền lãi – PV) là căn cứ chủ yếu trên lời khai của Như nên không khách quan. Trong khi đó, khi vụ án xảy ra, Lành hoàn toàn không còn lưu lại các khoản giao dịch, đã bị mất sổ theo dõi và do đó không có bản gốc để đối chiếu, so sánh. Ngoài ra, luật sư này cũng phủ nhận các cáo buộc đối với thân chủ của mình liên quan đến hành vi đe dọa, gây sức ép với bị cáo Như liên quan đến các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của “trùm lừa đảo”.

Luật sư Nguyễn Minh Hiến (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận bào chữa cho bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên (nguyên Phó trưởng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng bị VKS đề nghị mức án 14-16 năm tù) cho rằng, các hành vi ký duyệt, ký giải ngân các khoản vay, cũng như duyệt cho vay trái quy trình, dẫn đến việc giúp sức cho Như thực hiện trót lọt giả chữ ký của người vay, người bảo lãnh lừa đảo chiếm đoạt hơn 33 tỷ đồng mà cơ quan công tố cáo buộc đối với bị cáo Tiên là chưa đủ cơ sở. Thậm chí, luật sư này dẫn ra các luận điểm cho rằng Tiên không duyệt giải ngân, cũng không ký duyệt cho bất cứ khoản vay nào.

“Việc phê duyệt cho vay có hai thủ tục bắt buộc, trong đó cán bộ ngân hàng xác nhận trên hệ thống bằng việc áp mặt bàn tay tĩnh mạch mà Tiên không thực hiện duyệt như vậy. Trong khi đó, cả 6 khoản vay liên quan đến Tiên thì chỉ được Tiên duyệt khi có đầy đủ chữ ký của khách hàng vay, người bảo lãnh, cán bộ ngân hàng và trưởng phòng giao dịch. Do đó, hoàn toàn tuân theo quy định của pháp luật”, luật sư viện giải.

“Đề nghị HĐXX xem xét trong hồ sơ không có bằng chứng nào buộc tội bị cáo Tiên mà chỉ dựa trên lời khai của các bị cáo. Nếu Tiên phạm tội thực sự thì chi nhánh ngân hàng nơi Tiên làm việc đã sa thải Tiên rồi, trong khi đến nay thân chủ của tôi vẫn còn làm việc tại ngân hàng này cho đến hôm nay. Vì vậy, việc buộc tội đối với Tiên là không phù hợp. Đề nghị tuyên bố Tiên không phạm tội”, luật sư Hiến nói.

Trong phiên bào chữa của các luật sư vào chiều 14/1, luật sư Trần Minh Hải (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Huỳnh Hữu Danh về hành vi “Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (mức đề nghị của đại diện VKS cho bị cáo này là 18 – 20 năm tù).

Luật sư Hải cho rằng việc quy kết tội trạng đối với thân chủ mình là vô cùng bất cập. Do tin tưởng các hợp đồng bị Như làm giả mà Danh không hề biết nên mới quy phạm về quy chế cho vay. Huỳnh Hữu Danh không vi phạm các quy định nào về cho vay. Cho rằng, xảy ra vụ án ngày hôm nay là “bi kịch” nghề nghiệp của một số cán bộ ngân hàng, trong đó có Huỳnh Hữu Danh, luật sư đã đề nghị HĐXX chuyển sang tội “ lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng” đối với Danh. Đồng thời, luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho thân chủ của mình hưởng các tình tiết giảm nhẹ.

Mô tả ảnh.
Trong khi các luật sư bào chữa, bị cáo Nguyễn Thiên Lý vô tư ngồi đọc truyện.

Xem xét đến hoàn cảnh đặc biệt của bị cáo

Bào chữa cho Trần Thanh Thanh, luật sư Phạm Thanh Khương cho rằng bị cáo Thanh (bị truy tố về tội vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng) có hoàn cảnh đặc biệt nhất trong các bị cáo bị truy tố ra tòa đang ngồi trước vành móng ngựa.

Cụ thể, Thanh đang giữ chức Phó phòng giao dịch Lê Thánh Tôn của Vietinbank thì ngày 16.9.2011 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thay cho Huyền Như.

Trong khi chưa bàn giao công việc cũ, chưa nhận bàn giao công việc mới, chữ ký đầu tiên là Thanh ký duyệt cho khoản vay 25 tỉ đồng sau này bị Huyền Như chiếm đoạt. Cũng vì hành vi này mà Thanh bị mất chức, bị sa thải, không còn tiền thuê nhà...

Đồng ý với ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho Phạm Thị Tuyết Anh, luật sư Khương cho rằng truy tố bị cáo Thanh theo điểm c "hành vi khác", điều 179 bộ luật Hình sự tội vi phạm cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Trong khi điểm c quy định nhưng thế nào là hành vi khác thì đang chờ hướng dẫn. Chưa có quy định “hành vi khác” là những hành vi cụ thể nào, chưa định danh hành vi này thì không có căn cứ để khởi tố xét xử. Luật sư đề nghị Tuyên bị cáo Thanh không phạm tội.

Cũng trong chiều 14/1, các luật sư Vũ Khắc Toản bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du, luật sư Nguyễn Văn Giáp, bảo vệ cho Huỳnh Trung Chí, luật sư Nguyễn Minh Luận bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Chí đã hoàn thành bài bào chữa của mình.

Các luật sư này cũng cho rằng mức án mà VKS đề nghị là quá nặng, không cho thấy sự khoan dung, độ lượng đối với người phạm tội lần đầu. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét thấu tình đạt lý. Xác định các bị cáo có tội hay không có tội bởi hậu quả thiệt hại là không có.

Hôm nay (15/1), phiên tòa xét xử siêu lừa Huyền Như tiếp tục phần tranh tụng.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: