Viettinbank phải trả tiền?
Được tòa gọi lên thẩm vấn, đại diện Ngân hàng VIB đề nghị tòa xác định lại VIB là người bị hại trong vụ án, không phải người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vì thiệt hại 180 tỷ đồng. Trình bày với tòa, đơn vị này đưa ra nhiều yêu cầu. Cụ thể, có 12 cá nhân giúp sức cho Như chiếm đoạt 180 tỷ đồng nhưng chỉ có 3 người bị truy tố. Vì vậy, đơn vị này yêu cầu tòa xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự 9 người khác, buộc họ liên đới khắc phục hậu quả và xem xét phong tỏa tài sản của 12 người này.
Đại diện ngân hàng VIB cũng yêu cầu tòa buộc những người giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt tiền của ngân hàng phải liên đới trách nhiệm cũng như phong tỏa tài sản của họ để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại. Đồng thời đại diện VIB cũng đề nghị tòa buộc Vietinbank phải có trách nhiệm trả số tiền nợ.
Bị cáo Lành tự nguyện khắc phục 15 tỷ đồng cho VIB, nhưng đơn vị này chưa nhận được, nên đề nghị tòa tuyên trả cho VIB. Đồng thời, Như khai số tiền chiếm đoạt của VIB trả cho Lành, Dung, Thái, Quyên... đơn vị này đề nghị điều tra làm rõ để thu hồi trả cho VIB.
Không chỉ có VIB, rất nhiều pháp nhân và cá nhân khác cũng cho biết tin tưởng và giao cho Như hàng trăm tỷ đồng.
Lần lượt được gọi lên làm rõ, Công ty chứng khoán Phương Đông cho biết bị thiệt hại 380 tỷ đồng, Công ty An Lộc thiệt hại 170 tỷ đồng, Công ty Phúc Vinh bị chiếm đoạt 608 tỷ đồng, Công ty Thịnh Phát bị thiệt hại 788 tỷ đồng, Công ty Hưng Yên 212 tỷ đồng, Bảo hiểm Toàn Cầu thiệt hại 125 tỷ đồng, Công ty CP chứng khoán Saigonbank-Berjaya 200 tỷ đồng, Công ty Thái Bình Dương thiệt hại 80 tỷ đồng, Giã Thị Mai Hiên thiệt hại 274 tỷ đồng, Lê Thị Kim Tiến 7 tỷ đồng, Phạm Thanh Huấn thiệt hại 3,9 tỷ đồng…
Cũng được mời lên thẩm vấn nhưng đại diện của ACB và Navibank không có mặt.
Trình bày tại tòa, hầu hết các cá nhân và tổ chức này đều yêu cầu Vietinbank bồi thường, trả lại số tiền bị chiếm đoạt cùng lãi suất vì cho rằng họ gửi tiền vào Vietinbank chứ không phải gửi tiền cho Như. Đồng thời, đề nghị Hội đồng xét xử xác định lại tư cách tham gia tố tụng của các pháp nhân vì họ không phải là bị hại của Như.
Viettinbank sẽ phải chịu trách nhiệm trước hành vi lừa đảo của Huyền Như? |
Công ty chứng khoán Phương Đông nêu quan điểm, yêu cầu tòa xác định lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank. "Tiền chúng tôi gửi vào Vietinbank và bị chiếm đoạt thì ngân hàng này phải có trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, Vietinbank phải là bị đơn dân sự chứ không phải là các bị cáo".
Trước các đề nghị đồng loạt thay đổi tư cách tố tụng của Ngân hàng Vietinbank, HĐXX cho rằng, việc xem xét tư cách tham gia tố tụng trong vụ án này là dựa vào cáo trạng nên những yêu cầu này tòa sẽ xem xét trong phần nghị án. Nếu không chấp nhận việc các bị cáo có trách nhiệm bồi thường thì các cá nhân, tổ chức sẽ mất quyền lợi nếu bị cáo là người phải trả.
Ai là người hưởng lợi từ số tiền Huyền Như lừa đảo?
Hội đồng xét xử cũng đã thẩm vấn Huyền Như về những cá nhân, tổ chức đã nhận tiền của Huyền Như chuyển trả sau khi chiếm đoạt 4.900 tỷ đồng, cũng như việc bán một biệt thự ở Hồ Tràm với giá 20 tỷ cho bà Nguyễn Thị Thu Thủy. Bà Thủy cho biết còn cho Như vay 700 triệu đồng, nhưng không yêu cầu hoàn trả, coi như thiệt hại do rủi ro.
Lý do mà Như đưa ra để giải thích cho hành động lừa đảo của mình trước tòa là để có tiền trả cho những chủ nợ của mình như Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành. Vì Như đi vay nặng lãi nên lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ ngày càng nhiều.
Số tiền thu hồi được mới chỉ hơn 200 tỷ đồng. |
Với các tài liệu thu thập được, cáo trạng kết luận Lý đã cho Như vay tổng cộng 554 tỷ đồng và 340.000 USD. Như đã phải trả cho Lý khoản tiền nhiều hơn gấp đôi, lên tới 1.296 tỷ đồng nhưng Như vẫn còn nợ Lý 216 tỷ và 340.000 USD. Như vậy, có thể thấy một khoản tiền không nhỏ Như đi lừa của người khác đã rơi vào túi Lý.
Thế nhưng, tại tòa Lý vẫn cao giọng: "Bị cáo là người làm ăn có uy tín. Vào thời điểm bị cáo chưa lấy chồng, chân yếu tay mềm như bị cáo không thể có chuyện đe dọa đánh đập như lời khai của Như mà chỉ thông báo cho Như nếu không còn khả năng thanh toán thì tuyên bố phá sản".
Lý còn cho rằng thực tế Như còn nợ mình trên 430 tỷ chứ không phải 216 tỷ như cáo trạng ghi và thực tế Lý "chưa thu đủ vốn" và việc bị cáo bỏ ra một khoản tiền lớn thì việc lấy một mức lãi suất hợp lý là theo quy luật thị trường, không có gì sai cả.
Tương tự, với trường hợp của Lành và Đào Thị Tuyết Dung cũng vậy. Như vay Lành hơn 7.800 tỷ, đã trả hơn 9.000 tỷ nhưng vẫn còn nợ 820 tỷ đồng. Như vay Dung đầu tiên hơn 3 tỷ đồng, đã trả hơn 100 tỷ nhưng vẫn còn nợ hơn 150 tỷ đồng.
Ngoài việc dùng tiền đã chiếm đoạt để trả nợ cho các trùm tín dụng đen, để huy động vốn của các công ty, ngân hàng Như cũng đã phải chi hàng trăm tỷ đồng cho các khoản tiền công môi giới, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng.
Cụ thể, trong quá trình huy động hơn 1.500 tỷ sau đó chiếm đoạt hơn 80 tỷ của Công ty Thái Bình Dương, Như khai đã đưa cho người giới thiệu là Trần Hoàng Trung 30 tỷ đồng tiền lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng.
Vụ huy động vốn rồi chiếm đoạt của Công ty Chứng khoán Saigonbank - Berjaya 210 tỷ đồng, Như khai đã chi cho Vũ Minh Hải khoảng 30 tỷ đồng tiền môi giới nhưng quá trình điều tra Hải chỉ thừa nhận đã nhận 20 tỷ đồng.
Tương tự, vụ lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Như khai đã trả lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng cho Đoàn Đăng Luật - trưởng phòng nguồn vốn hơn 30 tỷ đồng. Luật chỉ thừa nhận đã nhận gần 9,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp tương tự với khoản chi phí Như bỏ ra lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Như vậy, từ những con số trên có thể thấy Huyền Như là "siêu lừa" nhưng thực chất phía sau vụ án, không hẳn Huyền Như là người hưởng lợi.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục làm việc, HĐXX sẽ dành thời gian cho đại diện VKS và luật sư tham gia xét hỏi.