Con chịu thiệt thòi vì sai lầm của mẹ
Trại giam số 6 (Tổng cục VIII, Bộ Công an) nằm ở góc cuối xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An) những ngày này thân nhân ở khắp nơi đến thăm người thân khá đông. Dù không quen biết, nhưng nhiều người khi ra về lòng trĩu nặng khi chứng kiến hình ảnh những em bé đôi mắt trong veo phải đón Tết trong trại cùng mẹ.
Được biết, thời điểm đông nhất ở trại giam này có 13 cháu bé dưới 36 tháng tuổi sinh sống. Nhưng hiện nay ở trại có 5 cháu, trong đó 1 cháu chuẩn bị được gửi đi nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ xã hội vì đã đủ 3 tuổi theo luật định. Các bé đến từ nhiều địa phương khác nhau nhưng có một điểm chung là phải sống trong trại giam, chịu những thiệt thòi của tuổi thơ vì sai lầm của người lớn.
Những người mẹ có con nhỏ đang chấp hành án phạt tù phải mang theo cả con nhỏ vào nhà giam tại đây đều là những người đàn bà “trọng tội”, bất đắc dĩ cơ quan chức năng mới phải cách ly họ khỏi đời sống xã hội nhưng không thể chia cắt tình mẫu tử. Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các bé, lãnh đạo Trại giam số 6 đã cắt cử hẳn hai nữ phạm nhân (Phân trại số 3) là Vi Thị Múi (SN 1990, trú tại bản Chiếng, xã Quang Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An) và Ngô Thị Xuân (SN 1949, trú tại xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chăm sóc các bé.
Những đứa trẻ đang được chăm sóc tại Trại giam số 6. |
Bà Xuân là một nữ phạm đã già yếu, nhận án tù 4 năm về tội mua bán trái phép chất nổ. Còn nữ phạm Vi Thị Múi là mẹ của một trong các bé ở đây. Cuộc đời của Vi Thị Múi bắt đầu trượt dốc khi cô 19 tuổi. Ở cái tuổi đẹp của đời người ấy, cô gái miền sơn cước này đã nghe theo lời bạn trai quê Quảng Ninh ra vùng biên Móng Cái tìm việc. Ở mảnh đất mới này, cô đã bị gã người yêu bội bạc mang bán sang Trung Quốc. Rồi cũng chính Múi tìm đường về Việt Nam lừa cô bạn thân mang bán, sau đó phải thụ án 48 tháng tù giam.
Múi mang theo con nhỏ Lưu Thị Ngọc Hà cùng vào trại với mình. Đến nay,bé Hà đã gần 1 tuổi. Vì là nữ phạm có con nhỏ nhất nên Múi được trại giam ưu ái cho chăm sóc các cháu cùng với phạm nhân Ngô Thị Xuân. Trong số những đứa trẻ này, ngoài con gái của Vi Thị Múi còn có các cháu Võ Trọng Đức, 35 tháng tuổi, con của phạm nhân Võ Thị Phượng (32 tuổi, trú tại phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An - phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, án phạt 12 năm 6 tháng tù); Bé Nguyễn Thị Ngọc Lam (16 tháng tuổi), con gái của phạm nhân Phan Thị Ngọc Hải (trú tại huyện Nghĩa Đàn, án phạt 24 tháng tù); Bé Đậu Vi Thành (25 tháng tuổi), con của phạm nhân Vi Thị Năm (40 tuổi, quê huyện Con Cuông, Nghệ An, thụ án 19 năm tù vì tội mua bán người) và bé Nguyễn Tấn Sang (27 tháng tuổi), con trai của phạm nhân Nguyễn Thị Phượng (SN 1980, quê xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, án phạt 24 tháng tù vì tội tàng trữ ma túy).
Nước mắt muộn màng của những người mẹ tội lỗi
Kể về con đường phạm tội của mình, nữ phạm nhân Nguyễn Thị Phượng nước mắt lưng tròng. Phượng sinh ra trong một gia đình thuần nông. Do kinh tế khó khăn nên bố mẹ Phượng thường xuyên cãi vã nhau. Để mưu sinh, Phượng và cô em gái cùng cha khác mẹ Nguyễn Thị Loan phải nghỉ học từ rất sớm.
Nhà dành riêng cho trẻ theo mẹ vào trại giam ở Trại giam số 6. |
Đầu năm 2000, chị em Phượng dắt díu nhau rời quê ra Hà Nội làm thuê kiếm sống, rồi lấy chồng Hà Nội. Chưa đầy 2 năm sau, cả Phượng và Loan đều bỏ chồng, bỏ con cho nhà chồng nuôi dưỡng, quay về với cuộc sống phiêu bạt. Khi Phượng về thăm quê cùng với bạn trai rồi kéo nhau vào một khách sạn tại huyện Quỳnh Lưu cùng “đập đá” thì bị bắt. Thời điểm bập tay vào còng số 8, Phượng đang mang thai ở tuần thứ 17. Sau khi vượt cạn ở nơi tạm giam, hai mẹ con cô được đưa lên Trại giam số 6 thụ án.
Phạm nhân Vi Thị Năm cũng bị bắt khi mang thai ở tuần thứ 22 và sinh con tại trại tạm giam công an Nghệ An. Năm là mắt xích trong đường dây gồm 9 đối tượng tham gia đưa người ra nước ngoài trái phép. Sau khi lừa trót lọt 7 vụ với 10 phụ nữ và 5 trẻ em, Năm cùng đồng bọn bị bắt khi một số nạn nhân do không chịu được cuộc sống nô lệ xứ người đã tìm đường về quê viết đơn tố cáo. Con trai của Năm, cháu Đậu Vi Thành, năm nay hơn 2 tuổi.
Trung úy Phạm Thị Mai, cán bộ quản giáo trại giam cho biết: Trước đây, trẻ theo mẹ vào nhà giam được bố trí ở Phân trại số 2. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, khi ngôi nhà dành riêng cho trẻ được xây dựng khang trang tại Phân trại số 3, các cháu được đưa tập trung về đây để có điều kiện chăm sóc tốt nhất. Trong số 5 bà mẹ có con nhỏ đang thụ án tại Trại giam số 6, ngoại trừ Vi Thị Múi được giao nhiệm vụ trông trẻ, 4 bà mẹ khác tham gia lao động sản xuất cải tạo bình thường. Hết giờ làm việc theo quy định, trại giam sẽ tạo điều kiện cho mẹ con ăn ở sinh hoạt với nhau.
Được biết, lãnh đạo trại giam luôn tạo điều kiện cho các bé về khẩu phần ăn như mua gạo ngon, thức ăn phù hợp với từng lứa tuổi. “Năm cháu bé ở Trại giam số 6 nói riêng và những đứa trẻ ở nhà giam từ trước đến nay nói chung đều có thể trạng phát triển bình thường, chưa có trường hợp nào có biểu hiện bất ổn tâm lý. Ngoài ra, các ngày lễ, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu… trại giam đã động viên, gặp gỡ, tặng quà bồi dưỡng, động viên các cháu”, Trung úy Phạm Thị Mai nói.
Xót xa người mẹ hy sinh đôi mắt để giữ lại mạng sống cho con Để bảo vệ được đứa con trong bụng, chị đã phải hy sinh đôi mắt mình. Bởi khi quyết định giữ lại cái thai thì chị không được phép dùng xạ trị hay bất kỳ một loại kháng sinh nào. |