Gần Tết, người cha vẫn miệt mài tìm con trong vô vọng

10:45, Thứ hai 25/01/2016

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Người cha tiều tụy đi nhiều hàng ngày vẫn chạy xe máy gắn tấm bảng in hình cùng thông tin Tìm con trai bị bắt cóc rong ruổi nhiều tỉnh thành...

Đã hơn 7 tháng kiếm tìm con trong vô vọng...

Ngày 21/6/2015 anh Huynh đưa con trai út Lương Thế Vương về nhà cũ của gia đình nằm trong một rẫy cà phê cách nhà mới khoảng một cây số. Do cần đi ra vườn, anh Huynh để Vương tự chơi một mình trong nhà.

Lúc này, cổng và cửa nhà vẫn mở nhưng tầm nhìn bị khuất. 5 phút sau, anh nghe tiếng Vương gọi “bố ơi, bố ơi”. Nghĩ là mình đi lâu con gọi làm nũng nên anh chưa vào ngay mà làm cho xong việc. Chỉ một lát sau, tiếng con thét lên: “Bố ơi, cứu con với”.

Anh bỏ chậu cám đang cho cá ăn chạy vào thì không thấy con đâu.

Tiếng gọi tuyệt vọng của con ám ảnh anh Huynh suốt những ngày đi tìm con. Nhắc đến đó, nước mắt ậc ra trên khuôn mặt người đàn ông héo sọm sau bảy tháng tất tả tìm con. “Nếu mình vào sớm hơn thì giờ này mình đang ôm con ở nhà rồi, trời ơi, nếu...” - anh Huynh thảng thốt.

Ngay hôm đó cho đến hai tháng sau, cơ quan điều tra và người trong gia đình quần nát cả cánh rừng thông và cà phê ở khu vực Tà Nung nhưng không cho thấy một kết quả nào. Cơ quan chức năng tuyên bố vẫn tiếp tục tìm kiếm nhưng sự thương con không cho phép anh Huynh ở nhà chờ đợi.

Tết này...cha sẽ tìm thấy con!?
Anh Huynh ngủ trên ghế đá công viên trong hành trình tìm bé Vương - Ảnh: Mai Vinh

Trong cảnh túng quẫn, vợ anh, chị Lê Thị Yến, tháo chiếc nhẫn cưới và sợi dây chuyền hộ thân bán dồn tiền đưa anh lên đường đi tìm con.

“Tôi và vợ nói với nhau rằng ở nhà thấp thỏm chờ đợi mà không có ích gì, chi bằng vợ ở nhà nuôi con gái, còn tôi cứ lang thang đi tìm, biết đâu rủi may mà gặp lại cháu Vương” - anh kể.

Anh sửa sang lại chiếc xe máy, in hình con kèm thông tin liên lạc dán khắp quanh xã, rồi lan dần sang các huyện lân cận. Không yên tâm, anh mang tờ rơi và ảnh con sang các tỉnh khu vực Tây nguyên.

Thấy cách làm trên vừa tốn kém vừa không mấy hiệu quả nên anh nghĩ ra cách làm một tấm biển gắn lên xe máy để chạy đi khắp nơi gây sự chú ý cho mọi người, với mong muốn nhiều ánh mắt tìm con cùng mình.

Thấy cảnh anh lặn lội, nhiều người thương xót, nói “mò kim đáy bể biết chừng nào ra”. Anh chỉ lặng thinh và đi tiếp, chở tấm biển đến khắp các chợ, bến xe. Nơi đâu xe đến, nơi ấy người dân xúm lại quan tâm hỏi han, lấy điện thoại lưu lại thông tin.

Anh Huynh tâm sự: “Biết là mò kim đáy bể nhưng mình cứ mò đi, làm tung tóe nước lên thì kim cũng lòi ra. Con mình mà, nếu nhỏ hơn cả cây kim ngoài biển cũng phải tìm”.

Nơi đâu có tin báo, nơi đó có bóng dáng cha...

Từ những chuyến xe chạy rong khắp khu vực từ thành thị đến những vùng sâu ở khu vực Tây Nguyên, thông tin đã lan ra và xuất hiện nhiều tin báo. Những tin báo của những người không quen biết khiến con người đang đuối dần trong hành trình tìm con như khỏe lại.

Chỉ cần một thông tin nói rằng ở đâu có người giống con mình là anh lại lên đường. Và có những lần tưởng như chỉ trong một chút mong manh nào đó, con lại về với gia đình anh Huynh.

Ở bến xe Tùng Nghĩa (Đà Lạt), người xe ôm đã cung cấp cho anh thông tin có một người phụ nữ chừng 45-50 tuổi, tóc màu nâu có ôm theo một đứa bé khoảng 3 tuổi nhưng đứa bé cứ khóc quấy, không chịu nín.

Người xe ôm nghi người phụ nữ và cháu bé không cùng huyết thống, cháu bé lại giống tấm hình anh Huynh cho xem nên cung cấp thông tin cho anh. Anh đã dành nguyên ba ngày tìm ở khu vực bến xe và chợ Đà Lạt nhưng không có kết quả.

Đang tính đi nơi khác thì tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), chị Đàm Thị Thủy, bán cháo dinh dưỡng ở phường Gia Thạnh, gọi báo có người phụ nữ nhân dạng như anh Huynh mô tả có ôm theo một bé trai ghé quán cháo.

Người này tìm mọi cách cháu bé vẫn không chịu ăn và khóc ré liên tục, thậm chí đánh người phụ nữ này. Chị Thủy tới dỗ và cho ăn, cháu mới để yên.

Chị Thủy kể: “Hình ảnh đó khiến tôi suy nghĩ, sáng hôm sau tôi kể với vài người quen thì họ nhắc tới chuyện của anh Huynh và bảo tôi gọi cho anh”.

Anh Huynh lại tức tốc đi Đắk Nông trong ngày bằng chiếc xe cà tàng của mình. Người dân địa phương đã giúp anh đi tìm nhưng sau một tuần ở thị xã Gia Nghĩa, không có một tín hiệu tốt lành nào.

Chị Thủy kể: “Gặp người nào đậm người, tóc màu hung anh Huynh cũng kéo lại, mặt mếu máo hỏi dồn giọng van xin: “Chị ơi, chị có giữ con tôi không, nó mới 3 tuổi thôi, cho tôi xin lại đi, tôi lạy chị”.

Nhiều người hốt hoảng nhưng khi nhìn thấy chiếc xe gắn bảng tìm con và bộ dạng thảm thương của anh thì họ thông cảm và an ủi”.

Tết này...cha sẽ tìm thấy con!?
 Anh Huynh dò tìm con trong từng ngôi chợ, qua từng người dân - Ảnh: Mai Vinh

Và có lần anh và trinh sát Công an tỉnh Lâm Đồng mặc áo blouse trắng của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) để quan sát từng đứa trẻ ra vào bệnh viện từ một nguồn tin báo ở Cần Thơ. Dù lục tung bệnh viện và tìm những đứa trẻ giống con anh nhưng không có kết quả.

Anh bảo: “Lúc nghe tin ở bệnh viện có đứa trẻ giống con mình, hào hứng bao nhiêu rồi khi không tìm ra được thất vọng bấy nhiêu”. Lần đó, quá buồn nên khi ra về anh như lẫn trí, không nhớ ra phải trả chiếc áo blouse trắng cho bệnh viện. Cứ thế anh mặc về đến nhà ở xã Tà Nung.

Gặp được con là Tết về...

Đã bảy tháng trời anh theo những tin báo đi khắp nơi. Tính đến nay anh đã đi qua 12 tỉnh. Trên xe tấm bảng tìm con vẫn còn nhưng biển số thì đã rơi lúc nào không biết. Bộ lốp xe cũng mòn vẹt, mặt lốp không còn vân. Yên xe cũng không còn thể gọi là yên xe khi đã nát bươm.

Anh Huynh giờ đã quá thay đổi. Anh đen đi nhiều. Râu tóc dài ra.

Anh Huynh nói: “Đi suốt, tối kiếm hiên nhà, công viên mà ngủ. Thỉnh thoảng xin được người dân tắm xong là đi ngay chứ có dám ở lâu. Phiền người ta”.

Để tiết kiệm anh thường xuyên ăn xôi, rẻ mà no lâu. Sáng ra ghé mua một hộp, nhón một ít ăn sáng, phần còn lại ăn vào chiều muộn thay cho bữa trưa và tối. Dáng đi của anh lúc này không còn nét khỏe như trước đây.

Anh kể mấy lần té lộn cổ khi đi trên đường ban đêm. Trên tay anh cũng chi chít những vết sẹo, trầy sướt mới cũ.

“Mấy vết thương này có là gì, phải chấp nhận, cơ hội gặp con có thể qua bất cứ lúc nào nên đêm hôm có nguy hiểm cũng phải đi để tới nơi sớm nhất” - anh Huynh bảo.

Những chuyến đi đã đẩy gia đình anh từ khó khăn thành túng quẫn. Anh đã gọi về cho vợ bảo rao bán đất. Anh đi một vòng Đắk Nông rồi sẽ quay về mang tiền lên đường tiếp tục đi tìm con.

Đi ngang một bàn thờ lập dọc đường, anh Huynh dừng lại thắp nhang. Anh ngồi nghỉ khá lâu rồi quay ra nói: “Mình cảm giác con mình còn quanh đây, không có đi xa đâu. Tôi nghe vọng đâu đó là sẽ gặp con trong tết này”.

Nói rồi anh bật dậy lên đường ngay. Vội vã như nếu chậm lại thì sự tình cờ, may mắn sẽ trôi qua và anh không còn tìm thấy con.

Hỏi anh sẽ ăn tết ở đâu, anh bảo chắc là trên đường đi, chừng nào gặp con là tết. Anh vừa nhờ người dịch thông tin tìm con thành tiếng Campuchia. Anh sẽ đi dọc biên giới Việt Nam - Campuchia để thông báo chuyện của mình. Anh bảo: “Lỡ đâu ở cái chỗ không ngờ tới ấy mình gặp lại con”. 

Với anh Huynh, lúc này không có tết. Anh vẫn đang đi tìm con, mải miết trên dặm dài thiên lý. Anh bảo: “Còn thở tôi còn đi tìm cháu, có thể không gặp được nhưng tôi không thể làm khác vì tôi là cha. Mình đi tìm cháu thì có khi lớn lên cháu sẽ đi tìm lại mình, rồi...”.

Chữ “đoàn tụ” bị nghẹn lại trong anh...

Tết này...cha sẽ tìm thấy con!?
 Câu chuyện của anh Huynh đi tìm con khiến nhiều người rơi nước mắt - Ảnh: Mai Vinh

Trên trang cá nhân, anh Huynh liên tục kêu gọi cộng đồng chung tay giúp gia đình tìm con. Nhiều nguồn tin về những đứa trẻ có ngoại hình giống với con trai anh được chia sẻ. Tuy nhiên, người cha khẳng định, đó không phải cháu Vương.

"Con trai ơi bây giờ con đang ở đâu? Bố mẹ và gia đình nhớ và mong con từng ngày từng giờ được trở về. Mọi người sắp không chịu nổi nữa rồi con trai ơi. Hy vọng có ai biết thông tin về cháu, hãy chỉ giúp gia đình. Thế Vương ơi, con về nhà đi con...​" - tâm sự nặng trĩu của anh Huynh trên Facebook.

Bên cạnh việc chủ động tìm kiếm, gia đình anh Huynh cũng trình báo tin cho công an TP Đà Lạt hỗ trợ. Mỗi khi nhận thông tin mới, anh liền báo cho cơ quan chức năng, cán bộ đi cùng gia đình để xác minh, đồng thời phối hợp với công an các tỉnh để công tác tìm kiếm thuận lợi.

Theo một cán bộ điều tra công tác tại công an Lâm Đồng, thông thường, đối tượng bắt cóc tống tiền thường nhắm đến những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Nhưng trường hợp cháu Vương lại khá bí ẩn, vợ chồng anh Huynh cũng không bị ai nhắn tin đòi tiền chuộc.

Học sinh nhiều nơi được nghỉ học vì giá rét
Học sinh nhiều nơi được nghỉ học vì giá rét
(Xã hội) - (Phunutoday) - Trước tình hình nhiệt độ giảm sâu, rét đậm rét hại, một số tỉnh đã có thông báo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe.
chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Vũ Trung Thành