Ngọc đã hồi tỉnh. |
Ngày 20/12, các cán bộ lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng và huyện Lạc Dương đồng thời là thành viên của Ban chỉ huy cứu hộ cứu nạn vụ sập hầm công trình Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng thăm hỏi tình hình sức khỏe 12 nạn nhân, hỗ trợ mỗi người 10 triệu đồng.
"Chúng tôi rất mừng vì đa số anh em đã tỉnh táo, hồi phục sức khỏe tốt. Vậy có ai cho tôi biết vì sao trưa hôm qua (19/12) chậm ra lấy thức ăn thế? Lực lượng cứu hộ gọi nhiều lần mà không thấy trả lời nên ai nấy đều lo lắng, đứng ngồi không yên" - lãnh đạo huyện hỏi.
"Bốn ngày ba đêm bị kẹt trong hầm tối tăm, ẩm ướt, lạnh lẽo, mực nước dâng lên quá cao khiến cho hy vọng sống ngày càng nhỏ nhoi. Nhiều người sợ chết, chán nản, không muốn ăn uống nữa. Thức ăn đều ở dạng nước, ăn nhiều sợ đau bụng rồi không có thuốc chữa trị. Mặt khác mọi người đã kiệt sức rồi mà chỗ lấy thức ăn nước ngập lên tới ngực, mỗi lần đi lấy đều bị ướt, bị lạnh nên ít người muốn đi. Tuy nhiên sau đó vì thấy bên ngoài gọi mãi nên phải cố gắng ra lấy thức ăn" - anh Phạm Viết Nam (41 tuổi, quê Nghệ An) trả lời.
Anh Trương Tuấn Việt (Ý Yên, Nam Định) cho biết đã nghĩ đến tình huống nếu nước tiếp tục dâng cao gần đến nóc hầm thì anh em cùng nhau bám vào những mảnh ván cầm cự được lúc nào hay lúc đó, hy vọng có cơ may sống sót. Nguyễn Văn Quang (Can Lộc, Hà Tĩnh) thú nhận chiều 19/12, anh từng nghĩ nước ngày càng dâng cao thế này thì mọi người khó mà sống thêm một hai ngày nữa. Không chết vì ngạt nước thì cũng có nguy cơ bỏ mạng vì khả năng hầm bị sạt lở thêm.
Trong lúc một số người bi quan, chán nản, không kìm được nước mắt thì chợt nghe tiếng hô của anh Nam : Hầm cứu nạn thông rồi anh em ơi, lại đây nhanh lên. Đó là vào 16 giờ 30’, thời khắc không thể quên của 12 người bị kẹt trong hầm, hàng trăm người ngày đêm cứu hộ giành giật sự sống cho các nạn nhân và hàng chục triệu người từng giờ từng phút dõi theo công tác cứu nạn.
Người yếu nhất đã hồi tỉnh
Nạn nhân nữ duy nhất là Ðặng Thị Hồng Ngọc (26 tuổi, trú tại Thanh Chương, Nghệ An) rời khỏi hầm thoát hiểm với khuôn mặt trắng xanh, người mềm oặt. Sợ Ngọc lịm đi, một chiến sĩ công binh đang khiêng cáng la lớn: “Đừng ngủ Ngọc ơi, sắp đến nơi rồi. Ngọc ơi đừng ngủ!”. Chị được các bác sĩ sơ cứu tại hiện trường rồi chuyển vào phòng hồi sức tích cực và chống độc của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.
Đêm đầu tiên được giải cứu, Ngọc nằm thiêm thiếp khiến người thân lo lắng, hầu như thức trắng bên chị. Sáng sớm 20/12, Ngọc trở mình gọi tên chồng con làm nhiều người vui mừng đến rơi nước mắt. Từ khóe mắt của Ngọc, hai hàng nước mắt cũng chảy dài.
"Sau nhiều ngày sống trong bóng tối, ngày và đêm chẳng khác gì nhau, bỗng nhiên hôm nay thức dậy lại được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, mừng không tả xiết" - chị nghẹn ngào nói. Một lát sau, Ngọc nài nỉ, giọng yếu ớt: "Lúc nào ra viện thì cho em về thăm nhà nha anh. Em nhớ nhà, nhớ con lắm!".
Chiều cùng ngày, các bác sĩ tâm lý cho biết chị Ngọc đã trả lời các câu hỏi một cách mạch lạc; cử chỉ, hành động bình thường. Bác sĩ Nguyễn Bá Hy - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng nhận định bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe dần ổn định, có thể ăn nhẹ, do đó cho chuyển từ khu hồi sức về cùng khu chữa trị với các đồng nghiệp của chị.
Hơn 40 y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và đoàn bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đã chăm sóc về mặt dinh dưỡng, đồng thời triển khai liệu pháp y tế, tâm lý giúp họ ổn định tinh thần. Hiện 11 bệnh nhân đã qua giai đoạn điều trị và đang trong giai đoạn phục hồi sức khỏe. Một số người xin xuất viện nhưng bệnh viện không đồng ý. " Thứ hai tuần tới sẽ có kết quả đánh giá sức khỏe và tâm lý toàn diện của các bệnh nhân. Đến lúc đó chúng tôi sẽ xem xét, quyết định ai có thể xuất viện" - bác sĩ Hy nói.
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều anh em cho biết đã bắt đầu có cảm giác đói, thèm ăn nhưng điều thèm muốn lớn nhất là được tắm nước nóng. "Suốt bốn ngày ngâm nước bùn nên từ khi được giải cứu đến nay luôn có cảm giác nhơm nhớp, ngủ không ngon, toàn mơ thấy ác mộng" - anh Việt nói. Vợ anh tố: Vừa bị bác sĩ mắng vì chưa đo thân nhiệt mà đã trốn đi tắm. "Đêm nay nếu khỏe hơn chút, em sẽ xin bác sĩ cho gội đầu" - Ngọc nói.
Sập hầm thủy điện: Công nhân bị kẹt phải bơi đi lấy thức ăn 12 công nhân trong hầm phải đứng trên máy nén bê tông để trách nước ngập. Khi có nhu yếu phẩm đưa vào thì họ phải bơi tới để lấy. |