Ở chung cư như sống với tử thần
Sống ở tầng 20 của khu chung cư Nam Đô Complex đã nửa năm nay, nhưng chưa khi nào chị Hoàng Thị Ngân (CT2B – Chung cư Nam Đô Complex) được sống một ngày… “yên ổn” mà không nơm nớp lo sợ. Chị Ngân cho biết: “Trời cứ chuẩn bị mưa là gia đình tôi lại đứng ngồi không yên. Có hôm cả nhà đang ăn cơm thì nghe thấy rầm một cái trong nhà tắm. Cả nhà chạy vào xem thì hóa ra trần buồng tắm bị gió từ ban công thổi vào làm sập xuống sàn nhà. May mà không có ai trong đó, chứ không có khi bị sập chết mất”.
Cửa kính hành lang bị gió thổi rơi xuống nền nhà. |
“Mất bao nhiêu tiền để mua chung cư ở, cứ nghĩ là đàng hoàng tử tế, ai ngờ còn tạm bợ và nguy hiểm hơn đi ở trọ nữa” – chị Ngân than thở.
Ngay gần đó, gia đình anh Trần Văn Long (CT2A, Chung cư Nam Đô Complex) cũng không khá hơn là mấy. Một tháng nay, tường nhà anh luôn bị thấm nước từ nhà tắm của căn hộ bên cạnh. Nước thấm loang ra các mảng tường xung quanh. Anh Long tâm sự: “Trời nắng thì còn đỡ, chỉ phải khó chịu vì nước thấm ra khắp các góc tường. Còn trời mưa mới gọi là kinh khủng. Nước mưa tràn qua cửa sổ làm ướt hết cả sàn. Có hôm đi làm không để ý, lúc về thấy nước tràn vào làm ướt hết cả chăn đệm”.
Một tháng nay, tường nhà anh Long luôn bị thấm nước loang lổ. |
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp phải “sống trong sợ hãi” ở đây. Ông Võ Thanh Sơn (Trưởng ban liên lạc bảo vệ quyền lợi dân cư Nam Đô Complex, Trương Định, Hà Nội) cho biết: “Những hôm mưa lớn, thang máy CT2A và CT2B đều không hoạt động được. Nhiều người phải mắm môi mắm lợi leo từ tầng 4 lên đến tầng 28 để về nhà. Chỉ khổ những bà bầu và em nhỏ. Mang tiếng là chung cư cao cấp, nhưng trăm bề khổ”.
Nhiều khi mưa lớn, thang máy CT2A và CT2B không hoạt động được. |
Bức xúc không biết kêu ai
Ông Võ Thanh Sơn (Trưởng ban liên lạc bảo vệ quyền lợi dân cư Nam Đô Complex, Trương Định, Hà Nội) nói: “Không chỉ có trần nhà tắm, cả trần hầm gửi xe cũng đang bị nứt”.
Trần hầm bị nứt vá tứ tung |
Ông Sơn chia sẻ, nhiều lần đã phản ánh với chủ đầu tư, nhưng mãi gần nửa năm sau, tòa nhà mới được gia cố thêm bằng… 2 cột thép: “Chúng tôi gọi đây là hai que tăm chống trời. Gần 30 tầng chứ ít gì đâu, người ta dùng bao nhiêu cột xi-măng còn bị nứt, thì 2 cây cột này thấm vào đâu? Ai mà biết nó sẽ sập lúc nào?”.
Ông Sơn cũng cho biết, những kiến nghị của cư dân chung cư đều được ban liên lạc tổng hợp lại và gửi đến chủ đầu tư. Tuy nhiên đều không nhận được hồi âm từ phía đơn vị này. “Người dân bức xúc nhưng chẳng biết kêu ai. Chẳng lẽ lại… đóng cửa để đấy?”- Ông Sơn gay gắt.
Một phần của sảnh chung cư. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng – P. TGĐ GP Invest, đồng thời là GĐ BQL dự án chung cư Nam Đô Complex cho biết, những sự cố trên là không thể tránh khỏi.
"Thực ra cửa sổ bị thấm có thể là do thanh định dạng. Thanh này không chỉ người Việt Nam dùng mà cả thế giới dùng. Các thao tác có sai sót nhỏ. Tôi ví dụ như cửa có vài cái lỗ to nhỏ, nếu lỗ này không tắc thì nước sẽ chảy ra ngoài. Một số hộ dân bị bụi bặm hay rác bịt mất lỗ này mới dẫn đến nước bị tắc, tràn vào trong nhà. Còn chất lượng cửa hoàn toàn bình thường không có vấn đề gì cả.
Còn các vấn đề như thấm nước mưa bên ngoài vào, trong quá trình xây dựng, chúng tôi đã thử kiểm tra rất nhiều lần, ngâm nước nhiều lần nhưng không vấn đề gì. Đến khi các hộ dân vào sống, lưu lượng nhiều hơn thì nó nảy sinh một số hiện tượng…
Bên Nam Đô chất lượng thoát nước rất tốt, chúng tôi cũng sơn chống thấm rồi, nhưng diện tích lớn như thế, việc xuất hiện một số sự cố là không tránh khỏi được" - ông Dũng cho hay.
Ông Dũng cũng cho biết, BQL đã nhận được những ý kiến bức xúc của người dân và sẽ tiến hành bảo trì trong thời gian sớm nhất.