Chưa hết, trong những ngày Hà Nội nắng nóng cực điểm vừa qua, chung cư mất nước toàn diện... đó chính là "nỗi thống khổ" mà hàng nghìn hộ dân tại "Chung cư thương mại rẻ nhất Hà Nội - Chung cư Đại Thanh" đang phải nếm trải. Nhiều người dân đã phải thốt lên đầy cơ cực rằng, "cư dân chung cư Đại Thanh đích thị là "những người khốn khổ" theo đúng nghĩa đen của cụm từ ấy.
"Những người khốn khổ" giữa lòng Thủ đô
Theo phản ánh của người dân, việc thiếu nước sinh hoạt đã có dấu hiệu ngay từ khoảng tháng 10/2013, khi người dân bắt đầu chuyển về sinh sống trong khu đô thị Đại Thanh sinh.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu, khi các tòa chung cư mới được bàn giao cho cư dân chuyển vào sinh sống, việc bị mất nước sinh hoạt chỉ xảy ra cục bộ, trong một khoảng thời gian ngắn mỗi khi hệ thống đường ống dẫn nước sạch sông Đà bị vỡ.
Nhưng từ tháng 3/2014 đến nay, việc thiếu nước sinh hoạt tại Đại Thanh xảy ra thường xuyên và ngày càng trầm trọng hơn, ngay cả khi đường ống nước sạch sông Đà không bị sự cố.
Cảnh người dân đi hứng nước sinh hoạt giữa đêm tại Đại Thanh. |
Tình trạng mất nước nghiệm trọng bắt đầu từ tháng 5/2014 đến nay. Trong đó, các tòa CT8-CT10 của Đại Thanh chỉ có nước sinh hoạt theo giờ, với thời gian có nước ngày càng ngắn đi, lưu lượng nước cũng giảm mạnh, chảy nhỏ. Trong số 6 tòa nhà CT8-CT10 thì việc thiếu nước tại 2 tòa nhà CT8A và CT8B là trầm trọng nhất.
Anh Bùi Văn Hợp, đại diện cho các cư dân tại CT8B cho biết, đỉnh điểm là kể từ ngày 22/5 vừa qua (tức là trong những ngày Hà Nội nắng nắng nóng cực điểm - PV), việc cung cấp nước cho tòa CT8B đã phải chia theo tầng.
Mỗi ngày chung cư được bơm nước 1 lần vào lúc 18h, nhưng mỗi lần bơm như vậy chỉ cung cấp được cho 50% số tầng (phân chia theo độ cao: từ tầng 1 đến tầng 15 có nước thì từ tầng 16 đến tầng 32 sẽ bị khóa van, không có nước). Đến ngày hôm sau thì đảo lại, cung cấp cho các tầng từ 16 đến 32 và khóa van tổng cung cấp cho các tầng từ 1 đến 15.
Với cách làm này, mỗi hộ dân phải đợi đến 2 ngày đêm (tức 48 giờ) mới được cung cấp nước 1 lần, và mỗi lẫn cũng chỉ có nước trong khoảng thời gian... 30 phút!
“Ngày nào đi làm về tôi cũng phải rẽ vào nhà người quen tắm nhờ trước khi về nhà vì mất nước. Sống ở khu đô thị hiện đại mà còn khổ hơn cả thời bao cấp ngày xưa”, anh Hợp bức xúc.
Cũng sống ở tòa CT8B, nhưng gia đình anh Nguyễn Tiến thì còn khốn khổ hơn, vì nhà có 2 con nhỏ mà không có nước sinh hoạt trong thời tiết nắng nóng. “Nhiều hôm các cháu đi vệ sinh còn không có nước để dội”, anh Tiến bức xúc.
Xếp hàng chờ gửi xe, thang máy
Ngoài nước sinh hoạt thiếu trầm trọng, cư dân tại đây còn phải đối mặt với sự bất tiện khi gửi xe cộ. Mỗi đơn nguyên chỉ có 1 tầng hầm, trong khi số lượng căn hộ và số dân quá lớn, gây ra cảnh chật chội khó tưởng tượng. Cứ tính sơ sơ, mỗi tầng có 28 căn hộ, mỗi hộ có 2 xe máy, nhà cao 32 tầng, số xe đã lên tới con số hàng ngàn.
Chung cư Đại Thanh. |
Một cư dân tại đây cho hay: “Mỗi lần gửi, lấy xe, chúng tôi mất ít nhất 15 phút để dịch chuyển xe ra khỏi tầng hầm. Nếu đi đúng vào giờ cao điểm, thời gian có thể lâu hơn”. Tình cảnh chen chúc đó cũng diễn ra khi cư dân chờ thang máy.
Trong khi tiện ích kém như vậy, các mức phí tại đây lại rất cao. Chẳng hạn, phí gửi xe máy 1 tháng là 85.000 đồng/xe, trong khi ở các khu chung cư khác chỉ dao động 45.000 - 60.000 đồng/xe/tháng.
Chưa hết, ngay đến ánh sáng hành lang, cư dân đóng phí sinh hoạt hàng tháng cũng bị cắt giảm. Cụ thể, Ban quản lý tòa nhà tháo bớt bóng đèn, cắt bớt đèn chiếu sáng để tiết giảm chi phí (?)
Chủ đầu tư "đá bóng" lẫn nhau, để mặc cư dân sống khổ?
Trong khi người dân sống như tra tấn vì tình trạng mất nước thì các đơn vị có trách nhiệm trong việc này lại tìm cácg "đá bóng trách nhiệm" cho nhau, đổ lỗi cho nhau mà chưa đưa ra được bất cứ giải pháp cụ thể nào nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống.
Được biết, tại buổi làm việc giữa 3 bên mới đây, gồm Đại diện cư dân, Ban quản lý chung cư Đại Thanh và Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch Hà Nội (Viwaco) - đơn vị cung cấp nước cho khu đô thị Đại Thanh, ông Tô Thế Bình - Phó Ban Quản lý Dự án Đại Thanh thừa nhận, tình trạng mất nước ở Đại Thanh là có thật nhưng cho rằng nguyên nhân chính là do lượng nước cung cấp về khu đô thị chưa đủ.
“Cho đến nay Ban quản lý đã áp dụng một số biện pháp để xử lý, song do lượng nước về không đủ nên đành bất lực...”, ông Bình nói.
Bố mẹ đi làm cả ngày nên một em bé tại tòa CT8B cũng phải đi xách nước. |
Đại diện phía chủ đầu tư, ông Lê Thanh Thản - Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên cũng đổ lỗi cho Viwaco về tình trạng thiếu nước tại chung cư Đại Thanh.
“Việc thiếu nước này là do Viwaco cung cấp không đủ và việc khắc phục phải do chỗ Viwaco xử lý bằng cách lắp đặt thêm đường nhánh thứ 2 để cung cấp nước cho khu đô thị...”, ông Thản nói.
Trong khi đó, đại diện của Viwaco lại khẳng định vẫn cung cấp đủ nước cho khu đô thị này với lưu lượng nước xấp xỉ 1.500m3/ngày, đêm, tức đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho 12.000 người với mức trung bình 130-150 lít/người/ngày.
“Việc mất nước ở khu đô thị Đại Thanh là do sự điều tiết tổng, còn về phía Viwaco, chúng tôi vẫn cung cấp nước bình thường với lưu lượng nước xấp xỉ 1.500m3/ngày, đêm. Nên tìm hiểu ở ban quản lý xem họ điều tiết và phân phối, sử dụng nước ra sao, chúng tôi chỉ biết cung cấp đủ nước qua nguồn tổng”, ông Nguyễn Anh Việt- Giám đốc Viwaco nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Anh Việt, việc mất hoặc thiếu nước ở khu chung cư Đại Thanh lỗi là do chủ đầu tư.
“Nói thật, khu đô thị này không có trong danh mục cung cấp nước của chúng tôi ngay từ đầu, bởi mãi đến khi gần xây dựng xong, chủ đầu tư mới đặt vấn đề và thỏa thuận với chúng tôi. Chúng tôi cũng đã khắc phục bằng cách chữa cháy cho họ khi lắp đặt thêm nhiều đường nhánh cấp nước”, ông Việt cho biết.
Cũng theo ông Việt, phía công ty ông cũng rất mệt mỏi vì việc này, do liên tục có nhiều người hỏi, song phải khẳng định, lỗi đầu tiên ở đây là do từ khi xây dựng, chủ đầu tư đã không làm việc với phía Viwaco nên mới dẫn đến tình trạng thiếu, mất nước ở Đại Thanh như hiện nay. “Giờ chúng tôi chỉ biết cấp nước, còn việc bơm trong khu đô thị như thế nào là việc của họ”, ông Việt dứt khoát.
Người dân nhiều lần có đơn đơn kiến nghị và làm việc với ban quản lý tới 3 lần, nhưng cho đến nay phía ban quan lý cũng như chủ đầu tư khu đô thị Đại Thanh vẫn chưa đưa ra được giải pháp gì để giải quyết tình trạng mất nước tại đây. |
Chung cư Đại Thanh được bàn giao nhà và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013, hiện có gần 4.000 hộ dân sinh sống, đa phần là các gia đình trẻ. Với cái nóng lên tới 38 - 39 độ C của mùa hè Hà Nội như vừa qua, thật khó tưởng tượng cảnh sống khốn khổ của cư dân Đại Thanh ra sao, khi họ không có đủ nước để phục vụ sinh hoạt tối thiểu hằng ngày.
Và cho dù việc thiếu nước, mất nước có xuất phát từ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì chủ đầu tư Dự án chung cư Đại Thanh cũng cần phải có giải pháp, quyết liệt xử lý sự cố, tránh tình trạng "xây nhà bán xong rồi là xong, để mặc người dân "sống chết mặc bay". Đó cũng chính là cách tốt nhất để Đại Thanh xây dựng niềm tin cho khách hàng của mình trong tương lai.