Bắt giữ 72kg đỉa khô tuồn từ biên giới vào Việt Nam
Ngày hôm qua (16/11), Chi cục Thủy sản Tây Ninh phối hợp với cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 72 kg đỉa khô do Lâm Văn Việt (31 tuổi) vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam.
Trước đó, thông tin từ cơ quan cho biết rạng sáng 14/11, trên đường tuần tra tại khu vực ấp Thành Tây, xã Thành Long, lực lượng công an xã phát hiện xe máy mang BKS: 70B1 – 170.94 do Văn Việt (31 tuổi) điều khiển, ngụ ấp Thành Đồng, xã Thành Long có dấu hiệu khả nghi do chở cồng kềnh, chạy với tốc độ cao từ hướng biên giới Campuchia về Việt Nam.
Tại đây, lực lượng tuần tra tiến hành theo dõi và ngay sau đó đã chặn được xe của người thanh niên.
Qua kiểm tra, lực lượng công an xã phát hiện 2 bao tải chứa đỉa đã sấy khô. Ngoài ra, thanh niên này còn vận chuyển nhiều hàng hóa khác gồm 2 tấm gỗ xẻ đã thành phẩm, 1 máy may công nghiệp không rõ nguồn gốc…
Việt cho biết đã vận chuyển được hai chuyến hàng nhưng không biết bên trong là đỉa sấy khô. Hàng này của người phụ nữ tên Trang, ngụ cùng xã Thành Long, thuê Việt chở đến xã Thái Bình (huyện Châu Thành) với giá 60.000 đồng.
"Chị ấy nói bao đựng cá khô, tôi cũng nghe mùi giống khô, cho đến khi bị bắt giữ", Việt cho hay.
Trưa 16.11, ông Lê Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tây Ninh đã ký quyết định tiêu hủy toàn bộ số đỉa trên và ngay sau đó, tại khu vực ấp Thành Tây, xã Thành Long, Chi cục thủy sản phối hợp cùng Công an huyện Châu Thành, Công an xã Thành Long và UBND xã tiến hành tiêu hủy.
Ông Khải cho biết thêm, đây là vụ vận chuyển đỉa thứ 4 trong tỉnh bị bắt quả tang từ trước đến nay. Tuy nhiên, 3 vụ trước đều là đỉa còn sống. Ông Khải nói: “Tất cả số đỉa trên đều có nguồn gốc từ biên giới Campuchia vận chuyển sang Việt Nam nhưng hiện vẫn chưa rõ đường đi tiêu thụ”.
Đỉa sấy khô tuồn vào Việt Nam bị bắt giữ |
Đỉa sấy khô được tuồn vào Việt Nam để làm gì?
Đây không phải là lần đầu tiên đỉa khô được tuồn vào nước ta. Trước đó, tình trạng thương lái nước ngoài thu gom mua đỉa ở Việt Nam không phải là hiếm. Nhiều người đã đặt câu hỏi thương lái nước ngoài thu mua đỉa Việt Nam làm gì? Và, hôm nay khi sự việc 72kg đỉa khô bị tiêu hủy lại khiến nhiều người hoài nghi “Đỉa sấy khô được tuồn vào Việt Nam để làm gì?”.
Năm 2012, các thương lái Trung Quốc rầm rộ sang Việt Nam thu mua đỉa. Ban đầu các thương lái Trung Quốc đưa thông tin cần mua một khối lượng lớn đỉa với gái 300-400.000 đồng/kg vào tháng 12/2012, đến tháng 1/2013 giá thu mua được đẩy lên 650.000 đồng/kg, sang tháng 2 thì mức giá khủng khiếp hơn 1 triệu đồng/kg. Sự thực cũng có những người ngày kiếm vài triệu nhưng chẳng được bao lâu.
Khi giá đỉa lên đến 1 triệu/kg thì người dân đổ xô đi thu gom đỉa, cạnh tranh giá để thu gom hòng bán cho các thương lái nước ngoài. Nhưng chỉ sau 2 tuần các thương lái nước ngoài bất ngờ dừng thu mua. Con đỉa lúc này vô tác dụng và đó là quy luật làm giá của các thương lái nước ngoài đặt cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.
Người thiệt hại nhất chính là những người mang hết tài sản của mình mang đi thu gom loại hàng hóa vô giá trị hòng bán lại cho thương lái kiếm lời. Còn kẻ được lợi chính là các thương lái nước ngoài, khi họ gom hàng đợt 1, đợt 2 đợt 3 sau khi tung ra giá cao khủng khiếp họ mang chính mặt hàng đã mua với mức giá thấp trước đó đem bán lại thương lái Việt Nam đang gom hàng. Và thế là phần chênh lệch giá ấy nằm trong tay thương lái nước ngoài.
Vì ham lợi nên người Việt ra sức thu gom hàng mà không hề biết họ đang mua lại chính hàng hóa đã được bán cho các thương lái nước ngoài trước đây…
Có thông tin cho rằng đỉa được y học phương Đông và phương Tây sử dụng từ lâu đời. Người ta dùng đỉa để trực tiếp chữa bệnh.
Với các thông tin đã nêu ra, phần nào chúng ta đã trả lời được câu hỏi "Đỉa được tuồn vào Việt Nam để làm gì?'. Và rất có thể, 72kg đỉa bị tiêu hủy này chính là số đỉa được các thương lái nước ngoài thu mua trước đây và bán lại cho thương lái trong nước mức giá cao ngất.
Bắt giữ 72kg đỉa sấy khô từ biên giới vào Việt Nam (Xã hội) - (Phunutoday) - Lực lượng công an xã Thành Long, tỉnh Tây Ninh đã chặn đứng được một vụ vận chuyển 72kg đỉa sấy khô từ biên giới Campuchia vào Việt Nam. |