Xót xa thân phận các hài nhi xấu số ở bãi rác

19:10, Thứ bảy 21/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Câu chuyện về những hài nhi xấu số bị vứt bỏ ở bãi rác làm mọi người xót xa và không khỏi cảm phục vì tình người vẫn tỏa sáng ở nơi rác rưởi ô uế bẩn thỉu này.

Cách bãi rác Đá Mài không xa (xóm Hồng Thái, xã Tân Cương) - một bãi rác lớn nhất của TP.Thái Nguyên - có một nghĩa địa nhỏ nơi an nghỉ của 13 đứa trẻ xấu số mà người nhặt rác vô tình tìm thấy trong những ngày mưu sinh cực khổ của mình.

Những hài nhi xấu số lẫn trong rác thải

Việc tìm thấy hài nhi lẫn trong vô vàn những rác thải hôi thối không còn là chuyện lạ đối với những người quanh năm làm nghề nhặt rác ở đây. Anh Ngô Văn Quyền cùng nhóm của mình đã nhặt rác kiếm sống ở bãi rác này được gần chục năm, chứng kiến hầu hết những vụ nhặt được xác hài nhi ở nơi đây.

Nhìn những ngôi mộ bé xíu của những đứa trẻ yểu mệnh, anh Quyền nhớ lại hoàn cảnh thương tâm của một trong số những đứa trẻ này. Anh Quyền và anh Nguyễn Văn Sơn - Đội phó Đội vệ sinh số 5 - cứ nhắc đi nhắc lại như sợ chúng tôi không tin câu chuyện kinh hoàng, rằng, buổi sáng hôm ông Văn cuốc phải thi hài của đứa bé ấy, có rất đông công nhân và những người đến nhặt rác chứng kiến.

Không ai cầm được nước mắt và bàng hoàng trước cái chết tức tưởi, vô tội, đáng thương tột độ của bé trai ấy. Trong giây phút chưa định thần lại được, ông Văn vứt cào, cuống cuồng bỏ chạy, gọi với lại chỗ anh Quyền: Mày ơi, tao cuốc phải cái gì lùng nhùng ấy. 

Hài nhi xấu số

Biết là có sự chẳng lành, anh Quyền hô mấy người nhặt rác gần đó chạy lại, cái bọc đen lồ lộ ra một bàn chân bé xíu. Mặt hằm hằm tức giận và rầu rĩ, anh Sơn kể: “Nó to lắm, phải tầm 4 cân đổ ngược, tóc đen nhánh, trắng trẻo, xinh trai vô cùng. Kẻ nào đó đã nhẫn tâm giết chết nó. Một vết đâm trúng tim, hai vết cắt ở hai bên cổ. Đúng là sát nhân!”.

Anh Quyền rùng mình nói thêm vào: “Anh nhớ không, chính tay em đã cầm vào phần cổ của nó, kéo nó ra khỏi cái ống quần đen chật chội, đất cát lấm lem, kiến bu đầy người nó. Em phải đổ rượu và nước thơm vào tắm cho cháu nó”.

Lúc đó, tất cả những người có mặt đều lạnh đi, chân tay run lên căm phẫn. Phần vì đau xót cho đứa bé tội nghiệp, phần vì tuyệt vọng trước cảnh tình người đã vỡ vụn, con người đã nhẫn tâm xuống tay tàn nhẫn, quyết ruồng rẫy hòn máu đỏ của mình ở nơi bãi rác thối tha này.

Theo ông Phạm Xuân Sơn, Đội phó Đội vệ sinh số 5, đa số các thi hài trẻ sơ sinh nhặt được trong bãi rác đều còn nguyên vẹn chân tay, tuy có một số vết thương do ngoại lực tác động... Trong số 13 hài nhi xấu số ở nghĩa trang có 4 bé gái.

Bà Phạm Thị Thủy (SN 1962), công nhân làm trong khu bãi rác Đá Mài nhớ lại lần phát hiện xác hài nhi của mình. Bà Thủy kể, hôm đó vợ chồng bà và anh chị em trong tổ phân loại rác đến bãi rác thải để làm việc, khoảng 9h, chồng bà cào trong đống rác thì thấy một thi hài trẻ sơ sinh được quấn trong một chiếc quần lăn ra, chồng bà hốt hoảng bỏ chạy và gọi mọi người.

Khi đó, mặt mũi chồng bà tái xanh, nói không thành tiếng, mọi người thấy vậy nhào tới hỏi han. Chồng bà nói là tìm thấy một thi thể bé trai, thế nhưng mọi người rảo quanh tìm kiếm thì không thấy, đến khi chồng bà ấy bình tâm và quay trở lại tìm thì thi hài cháu nhỏ nằm ngay chân đống rác, trước mặt mọi người. Chính bà Thủy là người tắm rửa, mặc quần áo cho  cháu bé để đi chôn.

Những người nhặt rác, họ cứ nghĩ cuộc đời mình rẻ rúng và đau khổ nhất rồi, không ngờ, trong suốt cuộc đời làm cái nghề cực nhọc kiếm sống này, họ lại bắt gặp những hoàn cảnh đáng thương tâm và đau lòng như thế. Nước mắt ứa ra, khuôn mặt khắc khổ của họ như sầu đi, tủi hơn.

Những câu chuyện đồn thổi

Có lẽ, chính vì chứng kiến cái chết tàn khốc của bé trai này mà nhiều người ở bãi rác Đá Mài này bị ám ảnh mạnh mẽ, họ truyền tai nhau những câu chuyện nhuốm màu sắc huyễn hoặc.

Bà Phạm Thị Th - người tắm rửa và mặc quần áo liệm cho xác bé trai - cho biết, trước đây, khu vực nghĩa trang của 13 hài nhi vô danh rậm rạp, xung quanh cây cối um tùm. Năm 2010, bà và chồng lên khu đất lưng chừng núi - nơi xây dựng nghĩa trang của các trẻ vô danh - phát cây cối và ám ảnh về chuyện một cháu bé trai thường hiện lên trong mơ và đòi đặt tên. 

Nghĩa trang

Bà đặt cho nó là Vô Văn Thừa, và kể từ đó thằng bé không bao giờ hiện lên trong mơ nữa. Và cũng kể từ đó, trên mộ của bé trai này, người ta lấy cây vạch lên trên bề mặt xi măng mấy chữ “Vô V Thừa”. Những dòng chữ còn sót bị thời gian phai dấu, nắng mưa mỗi ngày làm mờ đi. Cái tên thể hiện cả một bi kịch cuộc đời của đứa bé bị ruồng bỏ, như một sự thừa thãi, rẻ rúm của cuộc đời, khiến ai trông thấy cũng không khỏi đau lòng.

Anh Ngô Văn Quyền nhớ lại có một lần, như thường lệ, vợ chồng anh và những công nhân khác vẫn vào bãi rác làm việc. Khi chiếc xe vệ sinh của công ty vừa lăn bánh rời khỏi bãi rác thì anh phát hiện có một bao tải khá lớn buộc chặt miệng túi.

Nghĩ rằng bên trong sẽ có nhiều nylon và sắt vụn, anh chạy tới tháo miệng túi. Hai vợ chồng anh bàng hoàng khi phát hiện một túi nylonmàu đen lẫn vào các túi rác khác, bên trong là xác một đứa trẻ sơ sinh vẫn còn nguyên cuống rốn, bị kiến bu kín, đất cát, nước bẩn lem luốc. 

Anh Quyền vội vàng báo cho Đội vệ sinh số 5, sau đó cùng hô hoán những người nhặt rác đến giúp để tắm rửa rồi chôn cất hài nhi xấu số. Lần nào chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy, vợ chồng anh Quyền cũng nhiều đêm mất ăn mất ngủ, đau xót như chính mình gặp phải một mất mát lớn. Anh tâm sự: “Tôi không thể hiểu được tại sao họ lại nhẫn tâm bỏ những đứa trẻ ấy, thật ngang trái thay là trên đời này có biết bao nhiêu người khao khát một mụn con…”.

Nghĩa trang trong bãi rác

Thế rồi, chính những người nhặt rác nghèo khó lại có ý tưởng xây dựng nơi an nghỉ đàng hoàng cho các bé. Họ gom góp, lần hồi xây dựng “nghĩa trang” cho các hài nhi tội nghiệp. Gọi là nghĩa trang thì to tát quá, nhưng 13 ngôi mộ hài nhi bé bỏng nằm chon von trên sườn núi dốc thoai thoải, cách khu 1 của bãi rác hơn chục mét.

nghĩa trang

Chính anh Ngô Văn Quyền là người đứng ra lo liệu xây cất mộ phần, rồi quy hoạch lại với một vòng tường bao quanh, cao khoảng 40cm, các ngôi mộ được đặt theo hàng gần nhau. Ở giữa nghĩa trang có một ban thờ nhỏ với một tấm bia được ghi dòng chữ “Nơi an nghỉ những hài nhi vô danh - ngày quy tập: 6.12.2012 (tức 23.10 Nhâm Thìn)”. 

Nghĩa trang nhỏ nằm lọt thỏm trên lưng núi, bên dưới là các bãi rác lớn nhỏ, chuẩn bị được chôn lấp. Nếu không có những người nhặt rác, chắc chắn, các em bé tội nghiệp này đã nằm lẫn với rác thải ở dưới đất sâu. Không chỉ ngày rằm, mùng một hay lễ tết, mà cả ngày thường, cũng có những người nhặt rác lên nghĩa trang hương khói cho các bé.

Họ bảo: Dù các bé không được làm người, thì chúng tôi cũng làm đầy đủ các thủ tục cả bên đạo và bên đời cho các bé. Chỉ mong chúng sớm được siêu thoát hay được lên thiên đường, sống sung sướng hơn.

Ngày trước, vì khó khăn, nghèo đói, những người nhặt rác không không mua được quan tài, vải liệm, mà họ chỉ tắm rửa sạch sẽ cho xác hài nhi, lấy quần áo cũ của mình bao bọc cho đứa bé, lấy đá núi kè xung quanh làm mộ rồi đặt bé nằm vào trong lòng mẹ núi thôi. Họ cũng không quên tìm một hòn đá lớn đặt lên mộ làm dấu để ngôi mộ không bị thất lạc.

Từ năm 2012, được sự giúp đỡ của Công ty môi trường đô thị và sự quyên góp của những người công nhân, họ đã cải táng, xây dựng mộ phần đàng hoàng cho các bé rồi quy hoạch thành một nghĩa địa nhỏ với những nấm mồ be bé. Những trường hợp xác hài nhi nhặt được gần đây đều được những người nhặt rác tắm rửa cẩn thận, rồi họ quyên góp mua vải làm quần áo, đóng quan tài và khâm liệm.

Kể về trường hợp gần đây nhất, anh Sơn - Đội phó Đội Vệ sinh số 5 - cho biết: “Khoảng hai mấy tháng hai âm lịch năm nay, anh Tràng nhặt được một bé ở dưới bãi kia, anh ta sợ quá hô hoán mọi người lại. Tôi vừa đi khỏi bãi thì anh Quyền gọi, bảo anh về đội ngay có việc. Về đến nơi thì tôi thấy om sòm trên đỉnh dốc kia, lại cứ tưởng là đám đánh nhau cơ. Nhưng chạy lại thì hóa ra là nhặt được xác đứa trẻ con.

Hôm đấy lại còn mưa cơ mà. Mọi người tắm rửa cho bé xong, quấn vải mới đàng hoàng, rồi đặt nó trên đầu dốc đợi anh Quyền đi đóng quan tài về. Ai cũng khóc vì trông thương quá”.

Cả nghĩa trang chỉ có 2 ngôi mộ là được ghi tên, đó là của cháu Quỳnh Hoa và cháu Văn Thừa là có tên, còn lại các ngôi mộ khác đều vô danh. Anh Quyền cho biết, tất cả các em bé đều không có tên, do những người nhặt rác thương xót quá và cũng do vô tình mà họ đặt tên rồi ghi lên mộ của hai bé.

Linh hồn và thể xác bé bỏng của những đứa trẻ đã được núi rừng bao bọc, được những người nhặt rác nghèo khổ khói hương, săn sóc mộ phần hằng ngày. Có lẽ, ở thế giới bên kia, chúng cũng được an ủi phần nào, cũng cảm thấy bớt tủi thân và cô quạnh trong thân phận bị bỏ rơi của mình. 

Vào những ngày rằm, mùng một và các dịp lễ tết, những cán bộ công nhân đội vệ sinh số 5 và những người dân gần đó vẫn thường nhang khói cho các cháu bé xấu số. Ngoài ra, giáo xứ Tân Cương cũng mời cha xứ vào đọc kinh, cầu nguyện cho các cháu được an lành. Khi nhặt được các hài nhi này, do không biết tên tuổi địa chỉ nên có cha xứ cầu nguyện và xin cho các cháu làm con của Chúa, đó là lý do vì sao trên mỗi ngôi mộ của các cháu lại có hình chữ thập.

Giữa rừng núi hoang vu, giữa bãi rác nồng nặc hôi thối và ruồi nhặng, lòng nhân ái của những người cùng khổ đã làm động lòng tất cả chúng tôi. Họ quần quật bám vào rác mà kiếm miếng cơm manh áo hằng ngày, nhưng họ cũng không quên thắp lên những ngọn lửa tình người với một thông điệp chua xót: Hỡi những ông bố bà mẹ, hãy nâng niu lấy máu mủ ruột rà của mình, đừng chối bỏ những hài nhi vô tội.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự