Thời điểm gần đây, việc lừa đảo qua điện thoại và không gian mạng đang trở nên cực kỳ phổ biến, và có xu hướng tinh vi hơn. Nếu không liên tục cập nhật tin tức để nắm bắt thông tin, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân.
Gần đây, có một chiêu thức mới, chính là "tắt máy" sẽ mất tiền.
Cụ thể, các thông tin các nhân như họ tên, số thẻ ngân hàng, số căn cước, số điện thoại di động... thường được kẻ xấu mua để thực hiện trò lừa đảo này. Theo cảnh sát, sau khi mua được các thông tin đó một cách bất hợp pháp, chúng sẽ bắt đầu các trò lừa đảo.
Đầu tiên, mục tiêu mà chúng nhắm đến là những người sử dụng ứng dụng thanh toán hoặc ứng dụng mua sắm trực tiếp cho phép người dùng có thể lấy mật khẩu bằng cách đọc đúng thông tin cá nhân hoặc các ứng dụng cho phép sử dụng số điện thoại dự phòng để thực hiện giao dịch.
Sau đó, chúng liên tục gọi đến số điện thoại của người dùng. Khi người dùng cảm thấy phiền và tắt máy hoặc chuyển sang chế độ máy bay để không bị làm phiền tức là người đó đã rơi vào bẫy của kẻ xấu.
Khi chắc chắn nạn nhân đã tắt máy, chúng sẽ gọi điện lên tổng đài của ứng dụng bằng một số điện thoại khác và báo mất điện thoại hoặc báo quên mật khẩu, cần đổi sang điện thoại mới hoặc lấy lại mật khẩu. Vì các ứng dụng này chỉ yêu cầu đọc đúng số căn cước và một số thông tin khác qua điện thoại nên kẻ xấu có thể dễ dàng vượt qua bước này bằng những thông tin đã mua được trước đó. Sau khi lấy được mật khẩu mới, kẻ xấu sẽ thành công truy cập vào tài khoản ứng dụng của nạn nhân và bắt đầu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Công an nhắc nhở, khi gặp tình huống bị quấy rối bởi số lạ, người dùng đừng vội vàng tắt máy. Việc nên làm đầu tiên là gọi điện đến số máy chăm sóc khách hàng của nhà mạng và báo cáo về sự việc liên tục nhận được các cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Ngoài ra, mật khẩu tĩnh cũng không đảm bảo được tính bảo mật, nhất là với các hoạt động giao dịch trực tuyến. Vì vậy, người dùng nên sử dụng hình thức bảo mật gắn với mã xác minh thời gian thực (mã OTP).
Đặc biệt chú ý, trong mọi trường hợp, bạn không được cung cấp mã OTP cho người khác.
Một số chiêu lừa đảo phổ biến khác, cần cảnh giác:
- Giả danh cơ quan pháp luật yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp để điểu tra phục vụ.
- Giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn cung cấp phần mềm rồi lấy thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
- Lừa nâng cấp sim 4G: Nếu nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ mất số điện thoại và tài khoản ngân hàng đăng ký theo số điện thoại đó.
- Lừa đảo trúng thưởng: Gọi điện thông báo trúng thưởng (xe, điện thoại,...). Yêu cầu đóng phí để nhận thưởng rồi chiếm đoạt tiền.
- Bẫy tình trên mạng xã hội: Giả là người nước ngoài gửi quà về, sau đó giả làm nhân viên hải quan yêu cầu đóng phí mới nhận quà.
- Tuyển cộng tác viên đặt mua đơn hàng trên mạng, nhận tiền % 1-2 lần đầu, đến đơn hàng lớn hơn sẽ bị lỗi, không nhận được tiền.
- Mạo danh bảo hiểm xã hội thông báo nạn nhân đang nợ tiền hoặc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, yêu cầu đóng phí để chiếm đoạt.
- Chuyển tiền làm từ thiện: Lừa gửi tiền về làm từ thiện, bạn được hưởng 30-40%, sau đó giả làm hải quan yêu cầu đóng phí.
- Cho số lô, số đề để đánh: Để nhận được số phải đóng phí, không trúng thì mất phí. Nếu trúng phải chia hoa hồng cho đối phương.
- Hack facebook, zalo,...: Chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản facebook, zalo...., nhắn tin cho bạn bè người thân hỏi mượn tiền.
- Giả danh nhân viên y tế gọi điện thoại thông báo người thân đang nằm viện cấp cứu trong bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền ngay để mổ gấp.
- Tìm người làm việc ở nhà: Quảng cáo lợi nhuận thu hút người chơi, khi nạp số tiền lớn vào sàn thì sàn sập, không rút được tiền.
- Lập sàn giao dịch ảo: Gửi link để thanh toán trực tuyến. Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
- Mua bán hàng trực tuyến: Gửi link để thanh toán trực tuyến. Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
- Chuyển tiền nhầm để ép vay: chuyển tiền vào tài khoản nạn nhân, sau một thời thì yêu cầu trả tiền như một khoản vay và đóng lãi.
- Mạo danh công ty tài chính: Cung cấp khoản vay tiền lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, yêu cầu nạn nhân đóng phí vay rồi chiếm đoạt.
- Giả danh cán bộ xử lí giao thông thông báo nạn nhân từng vi phạm lỗi giao thông và liên quan đến đường dây tội phạm, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra.
- Gọi điện thoại khủng bố đòi nợ người vay và cả bạn bè, người thân của người vay.
Giả danh lãnh đạo lập facebook, zalo... rồi sử dụng hình ảnh, uy tín của lãnh đạo nhắn tin cho cấp dưới để vay tiền.
- Giả danh cán bộ viễn thông thông báo nạn nhân nợ cước hoặc tín dụng, sau đó giả làm công an yêu cầu đóng tiền để phục vụ kiểm tra.
Nên làm gì nếu nhận cuộc gọi lừa đảo?
Cách thứ nhất: Khách hàng gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, đối với tin nhắn rác, soạn tin theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Đối với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, khách hàng soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Cách thứ hai: Khách hàng gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...). Nội dung phản ánh theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.
Từ đó, sẽ yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng quy định theo Điểm e, Khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP (tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông).
Như vậy, khi nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 hoặc người dân cũng có thể gửi tin nhắn phản ánh cuộc gọi lừa đảo thông qua đầu số 156 để nhà mạng sẽ có biện pháp sàng lọc, xác minh, thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ TT&TT để có biện pháp xử lý kịp thời.