18 điều đại kỵ khi đến thăm trẻ sơ sinh

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sau đây là những điều cấm kỵ khi tới thăm trẻ sơ sinh bạn nên biết, để tránh gây phiền hà cho cả mẹ và bé nhé.

Chẳng ai có thể phủ nhận vẻ đáng yêu như thiên thần của các em bé mới sinh. Mắt thì nhắm chặt thiu thiu ngủ, tay chân lũn chũn dễ thương, người thơm thơm ngọt ngọt mùi sữa. Bởi thế mà chẳng ai có thể kìm lòng được, cứ hết bế em lên, lại thơm chụt vài cái vào má. Tuy nhiên, để tránh gây phiền hà cho cả mẹ và bé nhé, bạn không nên làm những điều cấm kỵ dưới đây khi thăm bé sơ sinh nhé!

me
Chẳng ai có thể phủ nhận vẻ đáng yêu như thiên thần của các em bé mới sinh. 

1. Không hút thuốc

Khi thăm bé trong bệnh viện, bạn tuyệt đối không được hút thuốc bởi đây là quy định của bệnh viện. Một số bệnh viện còn yêu cầu bạn phải mặc quần áo y tế mới được phép bế em bé. Nếu có ý định đến thăm mẹ và bé, bạn nên ăn vận gọn gàng, sạch sẽ và nhớ không hút thuốc, kể cả trước khi đến thăm bé nhé.

Ngoài ra, ngay cả khi đến nhà riêng hay ở nơi công cộng, bất cứ nơi nào có em bé bạn cũng tránh hút thuốc vì khói thuốc không hề tốt cho bé chút nào.

2. Không vừa bế em bé vừa uống trà

Mời khách uống trà là nét đẹp của văn hóa ứng xử trong xã hội Việt Nam. Khi đến thăm bé, tất nhiên bạn sẽ được gia chủ mời uống tách trà nóng. Nhưng tuyệt đối không vừa bế em bé vừa cầm ly trà trên tay nhé. Bố mẹ em bé sẽ lo lắng biết bao vì lỡ bạn sơ ý sẽ khiến em bé bị bỏng.

3. Không đưa ra lời khuyên

Một thói quen khá thú vị ở Việt Nam, đó là bất cứ ai đến thăm đều đưa ra hàng tá lời khuyên về cách chăm con, về thực đơn ăn uống cho mẹ… mà mẹ chẳng muốn nghe chút nào. Hãy nhớ chỉ đưa ra lời khuyên khi mẹ hỏi và cần sự hỗ trợ của bạn.

4. Không đến thăm khi đã muộn

Mẹ mới sinh sẽ rất mệt mỏi vì vừa phải chăm con, lại vừa phải tiếp rất nhiều vị khách đến thăm bé. Vì thế nếu không thể đến thăm bé sớm, hãy lùi ngày thăm vào hôm khác cũng không sao.

5. Rửa tay trước khi có ý định chạm vào bé

Da bé sơ sinh rất mỏng manh, bé mới sinh nên sức đề kháng cũng không thể bằng người lớn chúng ta được. Dù không nói ra nhưng bố mẹ em bé sẽ rất lo lắng nếu bạn chưa rửa tay sạch sẽ mà đã chạm vào bé hoặc thậm chí thơm, hôn bé.

Kể cả khi đã rửa tay sạch, bạn cũng không nên hôn vào môi hoặc chạm tay vào miệng bé. Bố mẹ em bé nhìn thấy thực lòng rất khó chịu đấy. Hành động này thực tế có thể gây nguy hiểm cho bé nếu bị lây bệnh từ bạn.

6. Không đánh thức bé

Dù cố tình hay vô ý, bạn cũng nên chú ý đến việc này. Dẫu biết đến thăm bé mà bé đang ngủ, không được nhìn ngắm đôi mắt to tròn đáng yêu thì sẽ tiếc lắm. Nhưng hãy cư xử đúng mực, và đừng làm phiền đến giấc ngủ của bé. Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, khoảng 18 tiếng một ngày để hoàn thiện não bộ và các cơ quan khác. Chưa kể đến việc có thể trước đó bố mẹ em đã phải rất vất vả ru, bế ẵm em bé để em ngủ ngon như thế này.

7. Không đến thăm khi bé bị ốm

Như đã nói ở trên, trẻ sơ sinh có sức đề kháng yếu hơn người bình thường. Bởi vậy, tránh đến thăm bé khi bạn đang bị cảm cúm, ho, hắt hơi. Bố mẹ em bé cũng không phải lo lắng bạn truyền bệnh cho bé.

8. Không tự ý ôm ấp bé khi chưa được phép

Em bé mới sinh như một báu vật quý giá đến mức mẹ chẳng muốn ai chạm vào người em. Dù người đó có hòa nhã, nhẹ nhàng đến mấy, mẹ cũng chẳng sẵn sàng trao em cho người đó bế ẵm một lúc. Vì thế, đừng vội bế bé khi mẹ em chưa cho phép và nên tinh ý nếu mẹ em bé không hài lòng hoặc không muốn bạn làm như vậy. Đây cũng là hành động bình thường của bất cứ bà mẹ mới sinh nào thôi. Bạn cũng đừng giận nhé.

9. Nếu bế ẵm mà bé khóc, hãy đưa bé cho mẹ

Khi bạn đang bế ẵm em bé mà bé khóc to lên, đừng cố gắng dỗ bé, vì như vậy chỉ vô ích. Hãy đưa trả bé cho mẹ. Có thể bé đang đói, có thể tã bé ướt hoặc đơn giản bé thèm hơi của mẹ.

10. Không để lại một đống bừa bộn khi ra về

Mẹ mới sinh rất bận rộn, bởi vậy bạn sẽ được coi là người biết ứng xử khi ra về dọn lại ga trải giường, rửa ly trà hoặc ly cà phê.

11. Hành xử khéo léo khi đến thăm đúng lúc bé tu ti mẹ

Hầu hết những người lần đầu làm mẹ đều khá lúng túng và không có kinh nghiệm khi cho con bú. Cả mẹ và bé đều cần thời gian để học “kỹ năng” này. Khi bạn đến thăm đúng lúc bé đang tu ti mẹ, cố gắng hành xử tự nhiên, nói chuyện với mẹ bé và không nhìn chằm chằm vào miệng em bé đang bú sữa. Nếu mẹ em bé có vẻ xấu hổ và không được tự nhiên, bạn có thể tránh đi một lúc, đợi bé bú xong rồi quay lại.

12. Tinh ý với các dấu hiệu đòi ăn của bé

Thông thường bé đói sẽ khóc rất to, nhưng đây là dấu hiệu muộn. Dấu hiệu sớm bé phát đi khi muốn ăn là quay đầu mọi hướng tìm núm ty, cho tay vào mồm nhai ngậm hoặc tay chân khua loạn xạ không ngừng nghỉ. Bạn cần biết các dấu hiệu này để đưa trả bé cho mẹ hoặc tránh ra một chỗ khác để mẹ cho bé bú.

13. Không mang theo trẻ con khi đến thăm bé

Những bà mẹ mới sinh bận rộn túi bụi với việc cho con bú, thay tã lót cho con thường xuyên rồi dọn dẹp,... Thời gian còn lại, họ chỉ muốn được ngồi nghỉ ngơi, ôm em bé vào lòng và ngắm nghía bé ngủ. Các thành viên khác trong gia đình cũng thay đổi thói quen như đi lại nhẹ nhàng, nói nhỏ hoặc thậm chí học những bài hát ru nhẹ nhàng ru em bé ngủ.

Đó là lý do vì sao không nên mang theo trẻ nhỏ đến thăm bé, vì có thể con bạn sẽ gây ồn ào và khó chịu cho gia chủ.

14. Không đến thăm quá lâu

Trải qua cơn vượt cạn, mẹ bé cần nghỉ ngơi lấy lại sức và cũng không thể tiếp chuyện bạn quá lâu. Nếu mẹ bé có dấu hiệu mệt mỏi, bạn nên xin phép ra về sớm.

15. Tự biết cách phục vụ mình

Khi đến thăm bé, nếu mẹ bé mời bạn uống nước, bạn không nên ngồi chờ được phục vụ, thay vào đó hãy đứng dậy, chủ động và nói với mẹ bé bạn có thể tự lấy được. Đặc biệt đối với những mẹ đẻ mổ, vết mổ chưa lành, bạn càng không nên làm phiền quá nhiều như vậy. Nếu mẹ bé cần giúp đỡ gì, hãy sẵn sàng hỗ trợ nữa nhé.

16. Không bế trẻ khi bị viêm gan

me
 Đối với người bị viêm gan thì việc tiếp xúc gần gũi và nước bọt, nước mắt đều là không an toàn với trẻ nhỏ.

Viêm gan A lây lan chủ yếu qua đường phân-miệng và tiếp xúc gần gũi trong cuộc sống. Viêm gan B lại lây truyền thông qua tiêm, truyền máu hoặc các sản phẩm máu. Chính vì vậy, đối với người bị viêm gan thì việc tiếp xúc gần gũi và nước bọt, nước mắt đều là không an toàn với trẻ nhỏ.

17. Người bị bệnh răng miệng không nên bế trẻ

Những người bị mắc bệnh răng miệng như sâu răng, viêm chân răng, viêm lợi…thì tuyệt đối không nên hôn trẻ. Bởi khi mắc các bệnh này, trong miệng sẽ có rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Khi hôn bé, bắt buộc phải tiếp xúc trực tiếp với môi của trẻ, điều này vô tình đã truyền vi khuẩn gây bệnh đó sang cho bé khiến bé rất dễ bị phát bệnh.

18. Người bị cảm cúm không nên bế trẻ

Vì khả năng miễn dịch của bé còn yếu, sức đề kháng kém nên việc tiếp xúc với người bị cảm, ốm, sốt là vô cùng nguy hiểm. Trẻ có thể bị nhiễm vi-rút cúm, thậm chí dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa hoặc hợp nhất viêm não, viêm cơ tim. Trước những người có dấu hiệu bị cảm cúm, mẹ nên từ chối khéo và không để tiếp xúc quá gần với trẻ.

7 mẹo giúp bé vượt qua nỗi sợ gặp bác sĩ
7 mẹo giúp bé vượt qua nỗi sợ gặp bác sĩ
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Mẹ có biết rằng, "cơn ác mộng" với nhất nhiều bé là phải "đi bác sĩ" đấy! Làm sao để con không khóc lóc, không sợ hãi khi đi khám bệnh đây?
Theo:  khoevadep.com.vn