Hà Nội đặt tên loạt đường phố mới, chưa có đường Võ Nguyên Giáp

( PHUNUTODAY ) - Tuy phải còn chờ phương án đặt tên đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt chưa được xem xét trong năm nay, nhưng Hà Nội được chào đón loạt phố mới: Tố Hữu, Thép Mới.

Tại Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội diễn ra từ 2 – 6/12/2013 sẽ xem xét, đặt tên và điều chỉnh độ dài của 34 đường, phố. Trong đó sẽ có 16 đường, phố mang tên danh nhân, 11 đường phố mang tên địa danh, 1 đường phố mang tên di tích lịch sử văn hóa, và 6 đường phố điều chỉnh kéo dài.
Đường Tố Hữu
Tố Hữu (1920-2002) là một tác giả có vị trí đặc biệt quan trọng, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ Cách mạng Việt Nam với các tác phẩm văn học nổi tiếng như: Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, Một tiếng đờn, Ta với ta…
Ông từng giữ các chức vụ quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Hiệu trưởng trường Nguyễn Ái Quốc...

Đường Lê Văn Lương kéo dài đổi tên thành đường Tố Hữu.

Với những đóng góp to lớn của ông, con đường dài 3.400m rộng 42m cho đoạn từ ngã tư cuối đường Lê Văn Lương giao cắt với đường Khuất Duy Tiến qua địa bàn huyện Từ Liêm đến ngã tư giao với đường Vạn Phúc (Hà Đông) được đổi thành đường Tố Hữu.

Phố Thép Mới
Thép Mới tên thật là Hà Văn Lộc (1925-1991). Ông tham gia tích cực vào phong trào cứu quốc, phong trào sinh viên yêu nước chống Nhật. Ông đã từng công tác và viết bài cho các báo Cờ giải phóng, Cứu quốc, Sự thật. Ông từng làm phó Tổng biên tập báo Nhân dân từ năm 1972 đến khi về hưu.
Phố Thép Mới dài 770m, rộng 10.5m cho đoạn từ đường Vạn Hạnh đến điểm giao cắt với đường trong khu đô thị mới (quận Long Biên).
Phố Bạch Thái Bưởi
Bạch Thái Bưởi (1877-1932), là người kinh doanh rất thành đạt và đóng góp nhiều cho đất nước. Ông được coi như biểu tượng của phong trào chấn hưng thương trường của giới tư sản dân tộc Việt Nam thời đó.
Phố Bạch Thái Bưởi có chiều dài 950m, rộng 5,5m - 7,5m, đoạn từ ngã tư giao với đường Nguyễn Khuyến (Hà Đông) giao với đường Yên Phúc gần chợ Yên Phúc và Nghĩa trang liệt sĩ.
Phố Từ Hoa Công Chúa
Từ Hoa là công chúa con gái vua Lý Thần Tông, người đã rời cung về làng Nghi Tàm sinh sống. Bà có công dạy dân trồng dâu nuôi tằm tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long.
Phố Từ Hoa có chiều dài 1.000m, rộng 8.5-11.5m cho đoạn từ đầu ngõ 11 đường Xuân Diệu đến ngõ 1 đường Âu Cơ quận Tây Hồ.
Bên cạnh đó, còn các tuyến đường, phố mới được đặt tên danh nhân như: Đoàn Khuê; Vũ Tông Phan, Nguyễn Huy Nhuận, Nguyễn Văn Lộc, Trần Kim Xuyến, Nguyễn Đình Hoàn, Thành Thái; đặt tên theo địa danh như: Văn Quán, Văn Yên, Yên Lãng, Phú Xá, Phú Thượng, Xuân Canh, Phúc Lộc, Sở Thượng, Tân Nhuệ…
Theo đại diện UBND thành phố, do hội đồng tư vấn đặt tên đường phố chưa tìm được một con đường xứng tầm để mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số tuyến đường có tầm vóc hiện đại thì vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn chỉnh hạ tầng nên trong tờ trình sắp tới của UBND thành phố gửi kỳ họp HĐND không có phương án đặt tên Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn