1. Rượu:
Khi 1 người uống rượu, chất cồn được hấp thu nhanh chóng vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Toàn bộ lượng máu này đều đi qua gan trước khi đổ về tim, và hầu hết lượng rượu được uống vào cũng đi qua gan để xử lý.
Tại đây, hệ thống enzym có nhiệm vụ chuyển hóa, biến đổi lượng cồn thành một chuỗi phản ứng hóa học để cho ra CO2 và nước, sau đó thải ra ngoài qua nước tiểu và phổi.
Vì vậy, gan là nơi tập trung nồng độ cồn cao nhất so với các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Tuy nhiên, khả năng xử lý chất cồn của gan cũng có hạn, nó chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định mỗi giờ. Nếu 1 người uống quá nhiều rượu, nồng độ cồn trong máu tăng cao, gan không thể xử lý hết được dẫn đến gan bị suy yếu và nhiễm độc.
Nếu điều này xảy ra lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan và cuối cùng là ung thư gan.
PGS.TS.BS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết lượng rượu mà 1 người bình thường có thể chuyển hóa trong 1 giờ là 10gram rượu nguyên chất (ethanol), quá mức trên là sẽ có hại cho gan và các cơ quan nội tạng khác.
Ngoài ra, Tổ chức y tế thế giới cũng đưa ra cách tính ước tính một đơn vị uống chuẩn ở các loại đồ uống có rượu như sau: Bia 6 – 12% là 285ml, rượu vang 15 – 17% là 120ml, rượu ngọt 20 – 25% là 60ml, rượu trắng 40 – 45% là 30ml.
Theo WHO, uống rượu an toàn được hiểu là: Với nam giới dưới 4 đơn vị chuẩn/ngày, nữ giới dưới 2 đơn vị chuẩn/ngày. Một tuần có 2 ngày không uống rượu.
2. Thực phẩm bị mốc:
Những thực phẩm có dấu hiệu của nấm mốc đều sinh ra độc chất aflatoxin là một loại độc tố vi nấm được chứng minh có thể gây ung thư gan trên thực nghiệm.
Các chủng nấm này phát triển mạnh ở các loại nông sản như gạo, ngô, lạc, đậu, hạt hướng dương, hoặc các thực phẩm khô như tôm khô, mực khô, trái cây khô… nếu không được chế biến và bảo quản đúng cách.
Ngay cả những thức ăn đóng hộp và thực phẩm chế biến sẵn được đóng gói, để trong tủ lạnh nhưng nếu quá hạn sử dụng, có dấu hiệu ôi thiu thì vi khuẩn vẫn có thể phát triển. Đồng thời, nguồn thực phẩm bị mốc nếu đem cho động vật nuôi ăn thì thịt của chúng cũng bị ô nhiễm aflatoxin và đem lại nguy cơ cho con người.
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, aflatoxin là một trong những thủ phạm gây ung thư gan. Aflatoxin gây hại khắp cơ thể nhưng gây hại trầm trọng cho gan. Khi xâm nhập vào gan sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan.
Nếu người đang bị nhiễm viêm gan B mà ăn phải nấm mốc có chứa Aflatoxin thì nguy cơ ung thư sẽ tăng gấp 60 lần so với người chỉ nhiễm viêm gan B.
GS Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo: “Nếu nghi ngờ thực phẩm bị mốc hoặc chớm mốc cũng cần kiên quyết loại bỏ hoàn toàn"
Một số thực phẩm hại gan khác
Muối
Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều muối cũng có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Ăn uống quá nhiều muối góp phần làm tổn thương gan ở người lớn và phát triển phôi. Lượng muối ăn vào tăng lên có liên quan đến huyết áp cao, là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim và đột quỵ, theo boldsky.
Ngoài ra, quá nhiều muối có thể dẫn đến sự thay đổi trong các tế bào gan liên quan đến xơ hóa. Vì vậy, cần giảm lượng muối trong bữa ăn của bạn.
Măng tươi
Măng là thực phẩm được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, một số loại măng, đặc biệt là măng tươi có thể gây ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong.
Trong măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao, khoảng 230mg trong 1kg măng củ.
Khi ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến thành axít cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể, gây hại cho gan.
Thức ăn nhanh
Thực phẩm nhanh chắc chắn là một trong những loại thực phẩm không tốt cho gan. Nên hạn chế các loại thực phẩm chiên do hàm lượng chất béo và đường trong chúng. Theo thời gian, thức ăn nhanh có thể dẫn đến viêm, do đó có thể gây xơ gan. Vì vậy, nên giảm số lượng đồ ăn vặt của bạn mỗi ngày.
Chất béo
Lượng chất béo dư thừa cũng có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ. Ăn chất béo nhiều làm béo phì làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh mạn tính như tiểu đường loại 2, kháng insulin, bệnh mạch vành, bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh gout, sỏi mật, ung thư đại tràng, ngưng thở khi ngủ... Bệnh gan nhiễm mỡ không cồn là thuật ngữ của một loạt các tình trạng gây ra bởi sự tích tụ chất béo trong gan. Nó thường thấy ở những người béo phì hoặc thừa cân, theo boldsky.