3 vị trí ngứa trên cơ thể chính là dấu hiệu đường huyết tăng cao
Ngứa chân
Các bác sĩ cho biết, người bị tiểu đường thường cảm thấy ngứa chân là do khi đường huyết tăng, cơ thể sẽ bị mất nước và giảm tưới máu nuôi dưỡng da.
Hơn nữa, khi các dây thần kinh bị tổn thương khiến quá trình bài tiết mồ hôi ở da rối loạn, gây tình trạng khô da và ngứa ngáy rất nhiều, đặc biệt là ở vùng da chân.
Tuy nhiên, ngứa chân cũng có thể xuất hiện khi bị nhiễm nấm do tiểu đường, chỗ ngứa thường là bàn chân và kẽ chân... Khi người bệnh bị ngứa do nấm sẽ cần được bác sĩ chỉ định dùng thuốc trị nấm để điều trị.
Ngứa da, ngứa đầu
Những người có lượng đường trong máu tăng cao thường dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Trong khi đó làn da không được cung cấp dinh dưỡng từ máu nên rất dễ bị tổn thương.
Chính vì vậy mà người bị tiểu đường thường bị những bệnh nhiễm trùng da, viêm chân lông hay viêm chân tóc... gây ngứa da nghiêm trọng.
Ngứa tai
Khi lượng đường huyết trong cơ thể dần tăng cao, sẽ gây kích thích tuyến bã nhờn và chất nhờn tiết ra 1 lượng lớn ráy tai, vì vậy mà tai sẽ thường xuyên bị ngứa.
Trong khi không ít người bệnh tiểu đường lại chủ quan, bỏ qua dấu hiệu này nên đã không kịp thời điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.
Chính vì vậy, nếu tình trạng ngứa tai thường xuyên xảy ra và ngày càng nặng nề, tốt nhất nên thử lượng đường huyết của mình.
Một số thực phẩm không ngọt nhưng khiến đường huyết tăng cao
Cháo trắng
Cháo càng nấu lâu càng mềm, tuy nhiên lúc này tinh bột bị phân hủy thành đường glucose, dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn trong cơ thể.
Hơn nữa, không ít người còn có thói quen cho đường vào cháo trắng để ăn, khiến cho lượng đường trong món này càng tăng.
Chính vì vậy, ăn cháo thường xuyên có thể khiến lượng đường trong máu không ổn định và đây cũng là một trong những thủ phạm của bệnh tiểu đường.
Xôi
Gạo nếp có chỉ số đường huyết rất cao, vì thế nếu ăn xôi liên tục trong thời gian dài sẽ khiến lượng đường huyết tăng cao đột ngột.
Tốt nhất hãy ăn khẩu phần ít và cách xa nhau để tránh làm tăng nguy cơ biến chứng tiểu đường.
Đồ chiên rán
Các món ăn chiên rán chứa nhiều dầu mỡ không hề tốt cho cơ thể. Chúng không chỉ gây rối loạn nội tiết, khiến cơ thể béo phì mà còn khiến lượng đường trong máu không ổn định, từ đó kéo theo nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, đồ chiên rán cũng ảnh hưởng đến tuyến tụy, dẫn đến việc tiết insulin không đủ, vì vậy sẽ khiến lượng đường huyết trong cơ thể tăng đột biến.
Bánh mì trắng
Chuyên gia dinh dưỡng Lori Zanini - người nhiều năm tư vấn cho bệnh nhân tiểu đường cảnh báo, bạn có thể ăn bánh mì nhưng tốt nhất không nên ăn bánh mì trắng bởi chúng là ngũ cốc tinh chế, không phải ngũ cốc nguyên hạt. Món ăn này có thể khiến chỉ số đường huyết tăng cao và từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Bột yến mạch đã chế biến
Yến mạch nguyên chất được biết đến là một trong những thực phẩm tốt nhất cho người bị tiểu đường, điều này có được là vì chúng chứa một chất xơ gọi là beta-glucan, có tác dụng chống bệnh tiểu đường.
Thế nhưng với bột yến mạch đã chế biến thì ngược lại. Cũng vì chúng thường được thêm hương vị trong quá trình chế biến và được bổ sung thêm đường và các thành phần làm ngọt khác.
Chuyên gia Nicole Anziani cho rằng, yến mạch nghiền thành bột được hấp thụ nhanh chóng vào cơ thể, và thêm đường làm cho nó có vị ngọt nhiều hơn, vì vậy đây là một trong những thực phẩm làm tăng nguy cơ tiểu đường.
Người tiểu đường nên ăn gì là tốt nhất?
Thay thế gạo trắng bằng gạo lứt
Gạo lứt (gạo xay dối) khác với gạo trắng do vẫn giữ được lớp cám bên ngoài chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra chậm hơn. Nhờ đó, người bệnh tiểu đường sẽ có cảm giác no lâu hơn và giảm đi cơn thèm ăn.
Đồng thời, gạo lứt còn có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu đường nên không làm tăng đường huyết đột ngột sau ăn. Bên cạnh đó, gạo lứt còn là nguồn cung cấp vitamin B1 giúp ngăn tê phù ở chi và vitamin B12 thích hợp cho người phải dùng metformin dài ngày.
Yến mạch nguyên cám
Bệnh nhân nên lựa chọn sử dụng yến mạch nguyên hạt hoặc cán mỏng. Yến mạch mang lại hàm lượng chất xơ hòa tan cao và có thể áp dụng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như trộn cùng hoa quả, sữa chua để làm bữa sáng hoặc nấu với cháo.
Hạt chia, hạt lanh
Hạt chia, hạt lanh là nguồn cung cấp nhiều chất xơ hòa tan, vitamin K, sắt, photpho, omega-3... Vì vậy, các loại hạt này không chỉ tốt trong việc kiểm soát đường huyết mà còn giúp ngăn ngừa các biến chứng tim mạch, cải thiện tình trạng bệnh xương khớp, giảm huyết áp...
Bệnh nhân có thể mua hạt chia và hạt lanh trong siêu thị, chế biến cùng với nước để uống vào buổi sáng hoặc dùng trước khi ăn cơm, làm món trộn với rau hay dùng chung với sữa chua.
Khoai lang
Tinh bột trong khoai lang là loại tinh bột kháng đường, nghĩa là khoai lang sẽ không làm tăng đường huyết nhiều sau khi ăn. Ngoài ra, khoai lang còn có tác dụng giảm lượng đường huyết do tăng khả năng hoạt động của insulin và giảm cảm giác đầy hơi chướng bụng. Loại củ này còn có lượng calo tương đối thấp, rất an toàn đối với bệnh nhân tiểu đường.
Dùng đậu đỗ thay cơm
Đậu đỗ là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt tốt cho người bị tiểu đường muốn kiểm soát mức đường huyết và cân nặng. Người bệnh có thể trộn chung đậu đỗ, đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ tương nguyên vỏ cùng với gạo trắng hoặc gạo lứt... để làm thành món ăn tốt cho sức khỏe.