Cá hồi là loại thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là chứa nhiều omega-3, được ca ngợi về tác dụng ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ... Ngoài ra, nó cũng chứa nhiều dưỡng chất khác tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cá hồi thường có giá thành khá cao, dù là loại cá nuôi hay cá đánh bắt tự nhiên.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature Food, cá thu, cá trích và nhóm cá cơm là ba loại cá đánh bắt tự nhiên có giá trị dinh dưỡng vượt qua cả cá hồi. Cá hồi cùng với ba loại cá này đều thuốc nhóm cá dầu hay còn gọi là cá béo (oily fish) nhưng cá hồi thường được nuôi nhiều hơn là đánh bắt từ tự nhiên.
Trong một nghiên cứu mới của TS David Willer từ Đại học Cambride và các cộng sự từ Đại học Stirling và Đại học Aberdeen (Anh), họ phát hiện ra rằng 6 chất dinh dưỡng quan trọng trong cá hồi có hàm lượng thấp đáng kể so với một số loại cá dầu bình dân khác. Điều này được cho là do bản chất của cá hồi và do ảnh hưởng của việc nuôi dưỡng.
Lượng canxi có trong một miếng cá tự nhiên có thể cao gấp 5 lần so với một miếng cá hồi nuôi có cùng trọng lượng; lượng i-ốt cũng cao gấp 4 lần; sắt, omega-3, vitamin A, vitamin B12 cũng cao hơn khoảng 1,5 lần.
Ưu điểm của cá hồi là có hàm lượng selen và kẽm cao hơn.
Theo một thống kê tại Anh, người ta nhận thấy có 24% người trưởng thành ăn cá hồi hàng tuần. Trong khi đó, chỉ có 5,4% người trưởng thành ăn cá thu, 1% ăn cá cơm và chỉ có 0,4% người trưởng thành tiêu thụ cá trích.
Cá thu
Cá thu là loại cá được đánh bắt tự nhiên, có giá trị dinh dưỡng cao và giá thành bình dân. Loại cá này có chứa các hợp chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh trong cơ thể, ngăn chặn sự phát triển và di căn của các tế bào K.
Cá thu cũng chứa nhiều omega-3, vitamin B12.
Lượng protein dồi dào và chất lượng cao kết hợp với DHA, EPA trong cá thu có tác động tích cực đến sự phát triển của trí não, chống lão hóa não bộ. Nó còn giúp giảm lượng cholesterol và lượng triglyceride trong cơ thể. Những chất này tồn tại với lượng lớn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tắc nghẽn mạch máu não.
Lượng vitamin D dồi dào trong cá thu giúp củng cố sự vững chắc của xương và răng. Cá thu còn cung cấp nhiều sắt, vitamin B12, folate giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, thiếu sắt.
Cá trích
Theo Đông y, các trích có vị ngọt, tính bình, không độc. Loại cá này có tác dụng khai vị ấm trung tiêu, hòa 5 tạng.
Cá trích tốt cho người hư nhược, tì vị hư, ăn kém, trẻ còi cọc, người sa sút trí tuệ. Loại cá này cung cấp nhiều dưỡng chất, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, huyết áp, củng cố sự vững chắc của xương.
Mùa cá trích ở vùng biển Việt Nam thường kéo dài từ cuối tháng Giêng cho đến tháng 4 âm lịch. Các trích được khai thác ở vùng biển Nghệ An được đánh giá là có hương vị ngon nhất. Nguyên nhân là do khu vực ven biển ở đây có nhiều cửa sông, cửa lạch, cung cấp nhiều phù du cũng như con tép biển - tạo ra nguồn thức ăn dồi dào cho cá trích. Vì vậy, cá trích ở đây thường béo hơn, ngon hơn.
Cá trích cũng có thể được thu mua để làm các sản phẩm đóng hộp hoặc sản xuất nước mắm.
Cá trích đầu mùa thường béo, thịt thơm ngon, có thể chế biến thành các món hấp dẫn như gỏi các trích, cá trích rán, cá trích nướng than, kho tiêu, nấu canh chua...
Cá cơm
Cá cơm là loại cá bình dân, được ưa chuộng ở Việt Nam. Đây chính là nguyên liệu phổ biến nhất để tạo ra nước mắm. Ngoài ra, cá cơm còn được sử dụng để làm khô cá, cá cơm chiên giòn, kho hoặc nấu canh.
Cá cơm có thịt chắc ngọt, từ lâu đã trở thành món ăn dinh dưỡng, thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm gia đình người Việt.
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cá cơm chứa nhiều axit béo omega-3, protein và các vitamin, khoáng chất giúp duy trì sức khỏe. Loại cá này cung cấp nhiều canxi, magie, sắt, kali, phốt pho, kẽm, natri và các vitamin như C, B12, B6, A, E, K, thiamin, riboflavin, niacin, folate. Cá cơm cũng cung cấp các chất béo và cholesterol tốt cho cơ thể.