Sho Yano (SN 1990 tại tiểu bang Oregon) là một bác sĩ nổi tiếng tại Mỹ. Trước khi trở thành bác sĩ có tiếng, Sho từng được biết đến là một thần đồng có chỉ số IQ 200 - cao hơn cả IQ của nhà bác học thiên tài Albert Einstein.
Được biết, Sho thành thạo đọc viết khi mới lên 3. Lúc 5 tuổi khi các bạn đồng trang lứa vẫn đang tập viết thì Sho đã có thể sáng tác nhạc. Lên 9 tuổi, thần đồng này đã đi học đại học và năm 12 tuổi, cậu vào trường Y Pritzker của Đại học Chicago.
Năm 21 tuổi, Sho Yano đã nhận được bằng MD. Đây là loại bằng cấp cao nhất cho bác sĩ đa khoa và bác sĩ phẫu thuật. Sho là sinh viên trẻ nhất của Đại học Chicago được nhận tấm bằng danh giá này. Sau đó, Sho Yano trở thành bác sĩ nội trú khoa Thần kinh Nhi tại Đại học Chicago.
Ngoài việc sở hữu trí tuệ thiên bẩm, sự thành công của Sho Yano còn là kết quả của cách dạy dỗ tuyệt vời của gia đình.
Bản thân Sho cũng thừa nhận điều này. Sho cho biết mẹ là người đã nhận thấy khả năng vượt trội của anh ngay từ khi còn nhỏ và khuyến khích anh nghiêm túc theo đuổi việc học tập.
Vậy bí quyết nào giúp mẹ của Sho Yano giúp con trở thành một thần đồng?
Mẹ của Sho Yano tên là Jin Kyung-hye - một người gốc Hàn. Bố anh là Katsura Yano là người Nhật Bản. Sho Yano còn có một người em gái cũng rất thông minh.
Cô Jin cho biết, trên thế giới có nhiều thần đồng nhưng họ thường mất đi tài năng khi nổi tiếng hoặc trưởng thành. Năm 2002, Sho là một trong những thần đồng được lên tạp chí TIME, tuy nhiên trong số những đứa trẻ năm đó, không ai nổi bật và đạt được bằng tiến sĩ như Sho.
Người mẹ này cho biết giáo dục là nhiệm vụ cả đời, đồng hành cùng con trên bước đường trưởng thành. Cô Jin luôn khuyến khích con học hành nghiêm túc từ nhỏ nhưng không theo phong cách ép buộc.
Bà mẹ này nhấn mạnh, chìa khóa phát triển tài năng của một đứa trẻ về lâu dài là lòng tự trọng, kỹ năng xã hội, độc lập, sự tự chủ và khả năng sáng tạo. Trong đó, cô Jin đánh giá lòng tự trọng là quan trọng nhất.
Được biết, cô Jin từng theo họ Đại học Ohio và gặp gỡ chồng mình - Katsura Yano.
Khi mang thai Sho, cả hai đã bắt đầu trao đổi và đưa ra ý kiến thống nhất về việc giáo dục con. Cặp đôi không thích phương pháp dạy con của Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ cho rằng trừng phạt trẻ vì điều gì đó là sai lầm. Ngược lại, động viên, khen ngợi con sẽ trở thành trải nghiệm tích cực, giúp trẻ trưởng thành.
Bà mẹ này cho biết mình thường dành nhiều thời gian cho con nhiều nhất có thể. Ngay từ khi con mới được 6 tháng tuổi, cô Jin đã đọc sách cho con mỗi ngày. Bà mẹ này còn tổ chức các buổi đọc thơ, để các con viết ra những cảm xúc của mình giống như những bài thơ... Trong các cuộc họp gia đình, trẻ sẽ được bày tỏ ý kiến, bảo vệ ý kiến của mình. Đó là nền tảng giúp trẻ trau dồi khả năng diễn thuyết.