Ngày xưa, khi chữ viết chưa phát triển, người ta thường truyền miệng nhau những kinh nghiệm sống, nhân sinh quan dưới dạng những câu hát không theo một điệu nhất định, thường phổ biến theo thể thơ lục bát cho dễ nhớ, dễ thuộc. Ca dao từng đúc kết “Ở đời có bốn cái ngu/Làm mai, nhận nợ, gác cu, cầm chầu”.
1. Cái ngu “Làm mai”
Theo người xưa, đây chính là cái ngu được xếp thứ nhất trong các thứ ngu của con người. Làm mai có nghĩa là làm mai mối, mà mai mối nghiệp dư, toàn người thân quen với nhau, chứ không phải dịch vụ mai mối ăn tiền. Thời xưa, khi chưa có dịch vụ mai mối chuyên nghiệp, người đứng ra mai mối thường là một người trong làng, quen biết cả hai nhà. Để tiện việc đi lại, gia đình có thể gửi ông mai bà mối vài chục đồng uống nước, mà nhà ai nghèo quá thì thôi. Thường những gia đình chấp nhận hôn nhân qua mai mối là do tin tưởng thông tin người làm mai đưa ra. Người ta nên duyên vợ chồng, tình cảm khăng khít thì không sao, lỡ mà có chuyện không hay, gia đình lục đục, lúc đó người làm mai sẽ bị oán trách không cung cấp đúng, đủ thông tin người hôn phối với mình. Mà thực ra, người làm mai mối sao có thể tỏ tường hết mọi chuyện trong gia đình đôi bên. Có những trường hợp người làm mai bị chửi xối xả, bị cả dâu rể và gia đình đôi bên ném đá tả tơi. Vì vậy, cha ông ta mới xếp cái ngu làm mai lên đứng đầu bốn cái ngu của thiên hạ.
Ngày nay, xã hội cởi mở hơn, trai gái tìm hiểu tự nguyện trước khi quyết định tiến đến hôn nhân, nên người làm mai chỉ là cầu nối để đôi bên gặp nhau. Thế nhưng, người làm mai cũng nên kiêng dè, cẩn thận làm ơn mắc oán.
2. Cái ngu “Lãnh nợ”
Cái ngu thứ hai chính là lãnh nợ, tức là bảo lãnh cho một người vay nợ của người khác. Nếu cuộc vay mượn sằng phẳng thì không có gì phải nói. Nhưng thông thường, những người đi vay nợ thường là do khó khăn tài chính, khó trả nợ đúng hạn. Người đòi nợ đòi mãi không được thì họ oán bạn, mà người vay nợ bị đòi riết quá thì lại trách bạn sao không nói giúp cho họ. Lúc này bạn giúp bên này thì mất lòng bên kia, mà không giúp ai cả thì mất lòng cả hai. Vì khoản vay mượn mà anh em bạn bè nhìn nhau bằng đôi mắt khác, không còn tự nhiên như trước được nữa. Chính vì thế, các tiền bối đúc rút đây là việc làm ngu ngốc, giúp người cuối cùng tự rước họa vào thân.
3. Cái ngu “Gác cu”
Cả xưa và nay thì ''gác cu'' chính là một trong những thú vui điền viên của người dân. Mặc dù chỉ là một thú chơi nhưng tất cả những công đoạn này đều tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức. Muốn bẫy được chim cu, người “gác cu” phải tốn khá nhiều công, nhiều của và thời gian để chọn, nuôi và thuần dưỡng được một con chim mồi của mình để làm mồi bẫy con chim khác. Nhưng việc này cũng tiềm ần nhiều rủi ro, có khi không dụ được con chim nào mà chim mồi sẽ sổ lồng bay đi. Vì cái tính vô ơn, bạc nghĩa của chim cu khiến người nuôi bị mang tiếng là “ngu”.
4. Cái ngu “Cầm chầu”
Cầm chầu là một hoạt động đặc trưng trong ca trù hoặc hát ả đào, khi người thính giả được tham gia một cách trực tiếp vào canh hát. Tức là ngồi trước cái trống chầu, đánh trống để khen chê đào kép trong đêm hát bội, một thú chơi tốn tiền. Người cầm chầu xưa thường không phải là thành viên trong đoàn hát mà là người nghe có hiểu biết về lĩnh vực này do làng chọn, tham gia canh hát với tư cách một thính giả đặc biệt, sử dụng trống để chấm câu sau mỗi câu hát, khổ đàn, và cũng để khen, chê ca nương, kép đàn. Do liên quan đến việc nhận xét, khen, chê nên dễ mất lòng người khác.
Bởi thế ông cha ta khuyên nhủ, muốn cuộc sống an yên thì tốt nhất là đừng dại đi làm 4 việc trên, lợi bất cập hại.