4 kiểu tắm sai lầm có thể gây hại cho sức khỏe
1. Tắm khi đang ốm sốt
Khi đang ốm yếu, tốt nhất không nên tắm, đặc biệt với người già càng dễ xảy ra những tai nạn nguy hiểm.
Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên 38 độ C, cơ thể trở nên yếu hơn do mức tiêu thụ nhiệt tăng 20%. Ngoài ra, ngay cả khi không sốt cũng không nên tắm trong giai đoạn bệnh phát triển cấp tính.
Người bị bệnh mạch máu não không nên tắm thường xuyên. Sự kích thích nhiệt tạo ra trong quá trình tắm sẽ đẩy nhanh quá trình lưu thông máu trong cơ thể người bệnh, từ đó làm tăng áp lực lên mạch máu gây vỡ mạch máu.
Đồng thời, người bị động kinh không nên tắm thường xuyên bởi khi tắm, một lượng lớn hơi nước được hít vào làm giảm hàm lượng oxy trong cơ thể, dễ tiết ra nhiều mồ hôi làm rối loạn cân bằng điện giải, dễ gây rối loạn chức năng tạm thời và gây ra chứng động kinh.
2. Tắm nước lạnh khi cơ thể đang ra mồ hôi
Thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao và đổ mồ hôi nhiều. Trong trường hợp này, tắm nước lạnh có thể khiến mạch máu co bóp mạnh và huyết áp tăng nhanh, tăng gánh nặng cho tim và ảnh hưởng đến việc cung cấp máu. Đặc biệt với những người huyết áp cao càng nên lưu ý điều này.
3. Tắm nước ở nhiệt độ cao
Nhiệt độ nước quá cao có thể khiến tình trạng khô da trở nên trầm trọng hơn bởi nhiệt độ càng cao thì khả năng làm sạch dầu trên da càng mạnh.
Đồng thời, đối với những người mắc các bệnh tiềm ẩn như tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch, mạch máu não, khi tắm nước ở nhiệt độ quá cao sẽ khiến các mạch máu bị kích thích bởi nhiệt và giãn ra khiến lượng máu lẽ ra phải chảy đến các cơ quan quan trọng như tim và não bị phân tán, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, mạch máu não.
Cùng với đó, việc tắm và chà xát mạnh trên da quá thường xuyên sẽ dễ loại bỏ lớp dầu trên bề mặt da, gây khô, viêm và tổn thương da. Từ đó cũng có thể khiến các vi khuẩn, nấm dễ xâm nhập vào cơ thể.
4. Tắm quá lâu
Việc kì cọ lâu trong phòng tắm sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên cần thiết trên da. Độ pH trong nước chảy ra từ vòi vào khoảng 7 trong khi pH của da thiên về tính acid với chỉ từ 4,2 đến 5,5.
Vì vậy, tiếp xúc với nước quá lâu sẽ khiến tính acid trên da bị yếu đi, dẫn đến việc da dễ bị tấn công bởi các loại vi khuẩn gây nên tình trạng viêm nhiễm và những bệnh ngoài da. Các chuyên gia khuyên rằng việc tắm táp nên kéo dài trong khoảng 10 phút dưới làn nước vừa đủ ấm (không vặn nước quá nóng).
10 phút là thời gian đủ để lỗ chân lông mở ra và da được giữ ẩm thay vì trở nên quá khô. Nếu thấy việc hạn chế thời gian này khó thực hiện tự giác, bạn hãy đặt đồng hồ hẹn giờ hoặc bật một playlist gồm khoảng ba bài hát yêu thích. Bạn sẽ biết thời gian tắm cho phép còn lại bao lâu.
Trình tự đúng khi tắm
Đầu tiên là rửa mặt, sau đó tắm toàn thân, cuối cùng là gội đầu.
Vì sao cần rửa mặt đầu tiên? Khi bước vào phòng tắm, tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm cao, các lỗ chân lông sẽ giãn nở. Lúc này nếu không rửa mặt sạch ngay lập tức, các chất bẩn trên mặt sẽ theo lỗ chân lông thấm sâu vào da. Theo thời gian, chúng sẽ gây nên mụn trứng cá.
Khi tắm, nhiệt độ nước có thể nóng hơn một chút để thúc đẩy quá trình trao đổi chất, thúc đẩy tuần hoàn máu, giãn nở lỗ chân lông để thải hết mồ hôi của cơ thể. Tắm nước nóng 40oC trong vòng 10 phút sẽ tiêu hao 200 calo. Tuy nhiên thời gian tắm nên giới hạn và đảm bảo phòng tắm thông gió tốt. Khi tắm hãy nhắm mắt lại thư giãn và thả lỏng toàn thân. Tắm nước nóng không chỉ giúp tiêu calo mà còn giải tỏa căng thẳng.
Khi gội đầu, làm ướt toàn bộ tóc, sau đó thoa dầu gội đầu, dùng ngón tay chà xát nhẹ từ đỉnh đầu ra xung quanh theo chân tóc, rồi gội sạch. Tiếp đó thoa dầu xả và massage da đầu nhẹ nhàng từ 3 đến 5 phút cùng với một chiếc lược răng thưa. Cuối cùng xả nước cho sạch.
Một nghiên cứu tại Đại học ở Mexico cho thấy việc tắm thường xuyên có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch. Chính vì vậy, chỉ nên tắm 2 - 3 lần một tuần và không nên chà xát quá mạnh khi tắm.
Tắm đúng cách sẽ nhận được 4 lợi ích
Cải thiện khí huyết
Những người bị khí huyết thiếu máu có thể thử thêm gừng vào nước nóng để tắm, điều này có thể giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu và làm cơ thể ấm hơn.
Giảm táo bón
Xoa bụng khi tắm có thể làm giảm táo bón. Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ và hít thở sâu có thể mang lại hiệu quả tốt hơn.
Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Tắm có thể thúc đẩy lưu lượng máu ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, dẫn đến nhiệt độ cơ thể thấp hơn và tăng cường khả năng tản nhiệt của cơ thể. Điều này thúc đẩy việc tạo ra cơn buồn ngủ và giúp chúng ta ngủ ngon hơn.
Giảm mệt mỏi
Tập trung xoa mặt khi tắm, điều này có thể giúp kéo căng cơ mặt, thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm mệt mỏi.