Kĩ sư thiết kế phế thải
Nghe có vẻ "nặng mùi" nhưng đây thực sự là một công việc nghiêm túc. Với lượng rác thải trên toàn cầu tăng đột biến hằng năm, công việc của những kĩ sư này chính là đưa ra những giải pháp mới để xử lý chúng.
Chẳng hạn như ý tưởng xây dựng một thành phố từ tảo và chất thải có thể nổi trên mặt nước và có sức chứa đến 20.000 người hay một công trình đồ sộ từ những chiếc ly nhựa. Tất cả đều là công việc dành cho những kĩ sư thiết kế phế thải.
Nghề xé quần jeans
Mặc dù thời trang ngày càng phát triển nhưng quần jeans vẫn chưa bao giờ lỗi mốt. Tại Sài Gòn có một người đàn ông đã dành hàng chục năm cuộc đời để làm nghề “xé quần jeans” thuê và vẫn luôn đông nghịt khách hàng. Mặc dù nghe tên thì thấy công việc khá đơn giản nhưng nó cũng giúp ông Trương Tấn Viễn (58 tuổi) kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Ông được xem là người duy nhất còn giữ lại nghề độc lạ này ở Sài Gòn. Cụ thể công việc của ông là “xé quần jeans tạo kiểu cách”. Cứ khoảng 3 giờ chiều mỗi ngày ông lại chạy xe đến đường Hồ Xuân Hương để hành nghề. Với chiếc kéo cắt chỉ ông có thể tùy ý tạo hình cho chiếc quần jeans, mỗi chiếc là một kiểu xé khác không hề đụng hàng.
Giá của mỗi chiếc quần được tạo hình như vậy chỉ từ 10 – 30 nghìn đồng. Thời gian để sửa khoảng vài chục phút đến 1 tiếng. Thế nhưng mỗi ngày ông Viễn cũng kiếm được khoảng 250 nghìn – 300 nghìn đồng. Ngoài ra, ông Viễn cũng nhận sửa chữa và may vá các trang phục khác nên nguồn thu nhập khá hấp dẫn.
Ngồi im cho muỗi đốt
Tại phòng thí nghiệm thuộc Khoa Côn trùng và Động vật y học ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, lần lượt mỗi người đưa 2 cẳng tay hoặc 2 cẳng chân vào lồng muỗi trong thời gian từ 10-15 phút và thư giãn chờ muỗi đốt hút no máu. Đây là quá trình “cho muỗi ăn”, “nuôi muỗi” theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.
Tại đây, các nhà nghiên cứu có trách nhiệm nuôi muỗi đủ chất để chúng đẻ trứng mẩy và chắc. Từ đó cho ra đời những con muỗi mới khỏe mạnh, phục vụ cho công tác nghiên cứu. Phần này thuộc dự án đánh giá muỗi vằn (muỗi Aedes Aegypti) mang vi khuẩn Wolbachia (ít có khả năng lây truyền bệnh sốt xuất huyết) thay thế quần thể muỗi vằn tự nhiên (lây truyền bệnh sốt xuất huyết) trên đảo Trí Nguyên (tỉnh Khánh Hòa).
Nhờ nuôi muỗi bằng chính việc cho chúng đốt vào tay và chân của mình mà các nhà nghiên cứu tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có được những công cụ nghiên cứu tốt nhất cho các công trình khoa học của mình.
Nghề đập phá tivi
Trên đường Lý Thường Kiệt (Quận 10, TPHCM) có một cửa hàng chuyên thu mua tivi, đồ điện tử cũ. Đây là nơi tập hợp của nhiều người làm nghề đập phá tivi nhằm tận dụng những linh kiện, thiết bị còn dùng được để bán lại.
Bà Cao Thị Thủy (SN 1948, quê Tiền Giang) đã làm nghề này được gần 20 năm. Hàng ngày có người chở những chiếc tivi cũ đến bán cho bà. Sau khi thỏa thuận giá, bà liền tháo lớp ngoài và những thiết bị bên trong ra. Nếu bóng đèn tivi, các mấu sắt,… không còn dùng được bà sẽ đập nát ra để tận dụng sắt bán phế liệu.
Công việc này mang lại cho bà Thủy nguồn thu nhập ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Do người bán không chấp nhận việc kiểm tra máy bên trong nên người mua phải quyết định theo linh cảm và sự phán đoán của mình. May mắn mua chiếc tivi còn tận dụng được gần hết linh kiện thì lãi khoảng 40.000 đồng/chiếc. Còn không chỉ lãi khoảng 15.000-20.000 đồng.