Kết thúc một năm, không ít người thường sẽ có suy ngẫm về những gì đã diễn ra trong suốt một năm vừa qua. Ngay cả trong lĩnh vực sức khỏe và thể chất cũng vậy, trong một năm có rất nhiều các nghiên cứu đã cho ra các kết quả "gây sốc" và những khám phá dinh dưỡng đáng ngạc nhiên. Điều này sẽ có thể tác động trực tiếp đến cách chúng ta tiếp cận về vấn đề thực phẩm và dinh dưỡng. Dưới đây là 6 phát hiện liên quan đến dinh dưỡng trong năm vừa qua có thể khiến bạn vô cùng ngạc nhiên.
1. Bổ sung omega-3 có thể giúp làm giảm 49% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Axit béo omega-3 vốn luôn được mọi người biết đến với tác dụng giúp tăng cường nhận thức, nhất là giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hoặc chứng mất trí nhớ. Omega-3 xuất hiện nhiều trong các loại thực phẩm như cá béo hoặc các loại hạt hoặc cũng có thể được dùng ở dạng thực phẩm bổ sung. Tuy mọi người biết rằng omega-3 có thể giúp ích cho sức khỏe nhận thức, nhưng lại không có mấy ai có thể biết được rằng nó đem lại lợi ích đến mức nào.
Theo một nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Nutrients vào tháng 5/2022 đã chỉ ra rằng, những người có lượng omega-3 cao thường sẽ có khả năng mắc bệnh Alzheimer thấp hơn tới 49% so với những người không bổ sung omega-3. Vì vậy, bạn hãy chú ý hơn trong việc bổ sung omega-3 trong thực đơn hàng ngày của bản thân và gia đình nhé!
2. Beta-carotene có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Beta-carotene là một sắc tố màu cam sáng thường xuất hiện trong các loại thực phẩm như bí, dưa đỏ hay cà rốt và thường được biết đến như một chất giúp bổ sung cho sức khỏe mắt, hệ miễn dịch cũng như làn da. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí American College of Cardiology đã cho thấy một sự thật gây sốc về sắc tố này.
Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu xem xét tác dụng của các chất bổ sung phổ biến như omega-3, magiê và beta carotene. Và thật bất ngờ khi họ đã phát hiện ra rằng các chất bổ sung từ beta-carotene thực sự có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Tuy các lý do cụ thể đằng sau vẫn chưa được công bố nhưng các chuyên gia vẫn khuyên bạn nên tránh lạm dụng những thứ có chất này, nhất là những người có các bệnh về tim mạch.
3. Protein từ các sản phẩm thịt từ thực vật là loại có chất lượng thấp nhất
Đây có thể là một thông tin gây sốc cho những người luôn tuân theo một chế độ ăn dựa trên thực vật khi biết rằng nhiều loại thịt thay thế thịt dựa trên thực vật được coi là có protein chất lượng thấp nhất. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện so sánh thịt gà thông thường với thịt gà thực vật làm từ đậu nành.
Và kết quả cho thấy mặc dù thịt gà giả được tạo thành từ 24% protein, nhưng các tế bào của con người không hấp thụ protein đó tốt như ở thịt gà thông thường. Những phát hiện này rất có ý nghĩa đối với những người không ăn thịt, bởi vì điều đó có nghĩa là họ có thể cần phải nỗ lực nhiều hơn để có được protein chất lượng cao trong ăn uống so với những người ăn thịt.
4. Một chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo cho dù bạn có tập thể dục đi chăng nữa.
Không ít người cho rằng, nếu không tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh thì có thể bù đắp bằng cách tập thể dục. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, ngay cả khi chúng ta thường xuyên tập thể dục nhưng có chế độ ăn uống không lành mạnh thì vẫn có thể làm tăng nguy cơ tử vong do các loại bệnh hiểm nghèo. Điều này rất có ý nghĩa đối với những người cho rằng họ chỉ cần tập trung vào một khía cạnh sức khỏe như ăn uống lành mạnh hoặc tập thể dục là đủ.