3 thói quen ăn cơm tưởng vô hại nhưng lại gây béo phì, tổn thương dạ dày

( PHUNUTODAY ) - Mặc dù cơm là lương thực chính trong bữa ăn của người Việt nhưng không phải ai cũng ăn cơm đúng cách. Đây là những thói quen ăn cơm gây hại dạ dày mà nhiều người mắc phải.

Ăn cơm chan canh

Ăn cơm chan canh ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn, dễ làm tổn thương dạ dày và ruột. Quá trình tiêu hóa bắt đầu bằng việc nhai thức ăn bằng răng. Thức ăn ban đầu được phân hủy và tiêu hóa trong miệng, răng cắt và nghiền những mẩu thức ăn lớn thành nhỏ và mịn hơn, thuận tiện cho việc nuốt và tiếp tục tiêu hóa, hấp thụ ở bước tiếp theo.

Quan trọng hơn, trong quá trình nhai, nước bọt chứa nhiều loại men tiêu hóa sẽ hòa trộn với thức ăn trong miệng, giúp tiêu hóa chất dinh dưỡng. Sau khi thức ăn được phân hủy và tiêu hóa trong khoang miệng, gánh nặng tiêu hóa, hấp thụ ở dạ dày và đường ruột sẽ giảm đi. Từ đó giúp bảo vệ sức khỏe của dạ dày và đường ruột.

Nếu ăn cơm chan canh, thức ăn ở trạng thái lỏng nên nhanh chóng được nuốt xuống thực quản, làm giảm thời gian thức ăn lưu lại trong miệng. Do đó khi đi vào dạ dày thường trong tình trạng chưa được nghiền đủ, mới chỉ tiêu hóa sơ bộ nên dễ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, dinh dưỡng cũng khó được hấp thu và sử dụng hoàn toàn.

Bên cạnh đó, ăn cơm chan canh làm giảm khả năng nhai của miệng, ảnh hưởng đến việc tiết dịch tiêu hóa. Đồng thời, trong canh có nhiều chất lỏng làm loãng dịch vị, tăng gánh nặng cho dạ dày hơn. Lâu dần có thể làm hỏng chức năng đường tiêu hóa và gây ra các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa.

Nếu thỉnh thưởng ăn cơm chan canh thì không thành vấn đề nhưng thường xuyên ăn như vậy rất nguy hiểm. Với trẻ nhỏ, không ít cha mẹ cho con ăn cơm với canh để dễ tiêu hơn. Thực tế chức năng nuốt của trẻ còn chưa mạnh, nếu ăn canh và cơm trong thời gian dài, do tốc độ nuốt quá nhanh, dễ khiến hạt cơm bị sặc vào khí quản, gây nguy hiểm.

Vậy nên, tốt nhất là không nên cho trẻ ăn cơm chan canh thường xuyên. Ngay cả người lớn cũng vậy.

Ăn cơm quá nhanh

Thói quen ăn quá nhanh cũng gây bất lợi cho dạ dày và các vấn đề sức khỏe khác. Nếu bạn ăn quá nhanh, bạn sẽ có xu hướng ăn quá nhiều và thức ăn bạn ngấu nghiến thường không được nhai kỹ sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày.

Zhang Liqun, bác sĩ trưởng Khoa Nội tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết việc đột ngột ăn quá nhiều thức ăn trong thời gian ngắn sẽ làm tăng áp suất insulin, đồng thời mạch máu cũng dễ bị viêm do lượng đường trong máu dao động mạnh, không tốt cho việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Ngoài các vấn đề về lượng đường trong máu và insulin, bác sĩ Zhang Liqun cũng cho biết thêm nếu bạn ăn quá nhanh và thức ăn không được nhai kỹ, nó sẽ đi vào dạ dày dưới dạng các phân tử lớn, khiến dạ dày cần. tiết nhiều axit dịch vị để tiêu hóa thức ăn làm tăng gánh nặng cho dạ dày.

Ngoài ra, ăn quá nhanh cũng có thể khiến chứng trào ngược dạ dày thực quản gia tăng. Bác sĩ Kang Benchu, Khoa Tiêu hóa và Gan mật của Phòng khám Shutian lý giải ăn quá nhanh sẽ khiến tim giãn ra và thực quản mở rộng, là một trong những thói quen xấu gây trào ngược dạ dày.

Lin Yucheng, bác sĩ trưởng khoa Tiêu hóa Nhi của Bệnh viện Yadong, từng chỉ ra rằng ăn xong trong vòng chưa đầy 5 phút về lâu dài sẽ làm căng dạ dày, ngoài việc béo lên còn dẫn đến suy nhược cơ thể. Những thói quen xấu như vậy nếu diễn ra lâu dài có thể dẫn đến loét dạ dày, thủng dạ dày và thậm chí là ung thư dạ dày.

Không chỉ tổn hại tới dạ dày, ăn nhanh còn có thể tác động tới trái tim. Theo một nghiên cứu của Nhật Bản đã chỉ ra rằng ăn nhanh sẽ làm tăng nguy cơ béo phì và bệnh tim. Takayuki Yamaji, bác sĩ tim mạch tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) giải thích rằng khi mọi người ăn quá nhanh, họ sẽ ít có cảm giác no và dễ ăn quá nhiều. Béo phì là yếu tố nguy cơ dễ dẫn tới bệnh tim mạch.

Ăn cơm nhiều ăn rau ít

Gạo không gây hại gì lớn tới sức khỏe, có dinh dưỡng đơn giản nhưng không nên chỉ tập trung ăn cơm gạo mà quên mất những thực phẩm khác. Nếu bạn luôn ăn một lượng lớn cơm và ăn rất nhanh, bạn sẽ hấp thụ nhiều đường hơn, theo thời gian lượng carbohydrate tích tụ sẽ ngày càng tăng, dẫn tới nguy cơ béo phì.

Cơ thể con người dễ tiêu hóa gạo hơn so với các loại lương thực chính khác, do đó lượng đường trong máu tăng nhanh sau bữa ăn. Nếu không có các biện pháp như tập thể dục để chuyển hóa (tiêu hao) lượng đường trong máu này, cơ thể bạn sẽ luôn ở trạng thái lượng đường trong máu cao, theo thời gian sẽ tự nhiên tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Đặc biệt với những người ăn nhiều cơm nhưng lại ăn ít thức ăn, đặc biệt là rau xanh sẽ càng không có lợi. Tốt nhất khi ăn cơm nên ăn kèm với rau. Nó không chỉ giàu chất xơ mà còn có thể trì hoãn tốc độ ăn, giúp bạn có cảm giác no và giảm cân, kiểm soát lượng đường.

Theo:  xevathethao.vn copy link