5 bộ phận của con lợn không nên ăn nhiều kẻo ảnh hưởng đến sức khoẻ

11:22, Chủ nhật 14/01/2024

( PHUNUTODAY ) - Trong các bữa ăn của gia đình Việt dễ thấy những món ăn được chế biến từ thịt lợn. Tuy nhiên, để tốt cho sức khoẻ thì có 5 bộ phận của con lợn không nên ăn nhiều.

Thịt cổ lợn

Hàm lượng chất béo trong cổ lợn rất lớn, nếu ăn quá nhiều thì không chỉ khiến tăng cân đột ngột mà còn gây ra nhiều vấn đề về tim và mạch máu não.

Bên cạnh đó, cổ lợn cũng có các hạch bạch huyết, một hệ thống của cơ thể có chức năng lọc và bẫy giữ các vi sinh vật lạ, tế bào viêm, độc chất. Nếu ăn thường xuyên thì có thể gây ra nhiều chứng bệnh.

Hệ thống hạch này rất phức tạp và khó có thể loại bỏ hết hoàn toàn khi chế biến, cơ thể người sẽ tiếp nạp một lượng lớn vi khuẩn và chất độc khi ăn, có thể dẫn đến ngộ độc hoặc nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm.

Óc lợn

Óc lợn có chứa nhiều niacin, phosphorus, B12 và vitamin C. Tuy nhiên theo thống kê thì cứ 100g óc lợn có tới 2500mg cholesterol tức là gấp 8 lần nhu cầu cholesterol của một người một ngày.

Nhiều người cho rằng ăn óc lợn thông minh nhưng thực tế không phải như vậy. Nhiều nhiều óc lợn dễ gây béo phì, nhất là trẻ nhỏ, người rối loạn mỡ máu, tim mạch.

Chất đạm trong óc lợn chỉ có 9g/100g, thấp hơn rất nhiều so với các phần thịt khác như thịt nạc.

Gan lợn

Gan lợn vẫn được biết đến là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng như axit folid, nicotilic, vitamin A, B, D, đạm. Nhất là vitamin A có trong gan lợn cao gấp nhiều lần so với thịt, cá, trứng, sữa.

Vậy nên nhiều người ưa chế biến gan cho trẻ nhỏ, người già, người ốm. Thế nhưng cần biết rằng gan là bộ phận chuyển hoá và đào thải chất độc trong cơ thể lợn nên cũng tập trung nhiều chất cặn bã, mầm bệnh cùng một hàm lượng độc tố nhất định.

Vì gan có nhiều ký sinh trùng như sán, virus gây bệnh nên khi mua gan bạn nên chú ý lựa chọn gan có màu sắc tươi đặc trưng, không đốm trắng, đỏ hay màu sắc bất thường.

Trước khi chế biến bạn nên ngâm gan trong sữa tươi 30 phút để giúp tẩy mùi hôi và độc tố bên trong.

Tiết lợn

Tiết lợn đứng đầu danh sách lựa chọn thực phẩm bổ sung sắt. Chỉ cần đó là tiết của con lợn khoẻ mạnh, các sản phẩm làm từ tiết của nó là có thể sử dụng được.

Còn nếu bạn không cẩn thận mua tiết lợn chết, lợn ốm hoặc tiết không còn tươi thì đó là một vấn đề khác.

Nếu được nấu chín, tiết lợn có thể mang lại lợi ích nhất định. Tuy nhiên nhiều người lại có sở thích ăn tiết canh. Nếu như lợn nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis) (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh), trong máu lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Khi ăn tiết canh lợn chưa được nấu chín thì liên cầu khuẩn từ thức ăn sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.

Lòng lợn

Lòng lợn là món ăn ưa thích của nhiều người nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ.

Bộ phận này chứa nhiều chất béo xấu – cholesterol không tốt cho những người bị bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, viêm tuỵ.

Với người bị bệnh gout, bệnh suy thận thì tuyệt đối không nên ăn lòng lợn bởi thành phần đạm bên trong sẽ làm nặng hơn tình trạng bệnh.

Lòng lợn nếu không rõ nguồn gốc, không được chế biến sạch sẽ và nấu chín thì sẽ mang theo nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm như vi khuẩn E.Coli, liên cầu khuẩn Streptococcus suis gây viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy