Ngày 21/2, Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết vừa khám phá, bắt giữ 5 người liên quan nằm trong đường dây này, gồm: Hoàng Thành Trung (35 tuổi, ngụ Q.11), Trần Thị Hồng Phụng (24 tuổi, quê Tiền Giang), Nguyễn Tấn Phúc (26 tuổi, quê Tiền Giang), Lê Thị Tố Chi (19 tuổi, quê Đồng Nai) và Trương Văn Giàu (24 tuổi, quê Tiền Giang).
Ngày 14/2, ông N.V.P (54 tuổi, ngụ P.4, Q.Tân Bình) đến Công an Q.Tân Bình trình báo về việc vừa bị nhóm người lừa lấy gần 445 triệu đồng. Theo trình báo của ông P., trưa cùng ngày ông nhận được điện thoại của một người phụ nữ tự xưng là nhân viên của VNPT thông báo ông đứng tên một thuê bao tại Hà Nội còn nợ cước gần 9 triệu đồng và đã chuyển cho cơ quan công an điều tra. Khoảng 3 phút sau, một người đàn ông xưng tên Toàn là Công an TP.Hà Nội gọi tới và nói với ông Phúc ngoài nợ cước còn dính vào đường dây rửa tiền và buôn bán ma túy.
Các nghi phạm liên quan đến băng nhóm lừa đảo qua điện thoại bị bắt giữ. |
Ngay sau đó, Toàn nối máy cho ông Phúc gặp người tên Hiếu, xưng là Phó trưởng Công an TP.Hà Nội, để nói chuyện. Hiếu nói ông Phúc chuyển hết tiền trong tài khoản của mình vào tài khoản khác để điều tra, nếu không liên quan sẽ hoàn trả lại. Nghe lời, ông Phúc tới ngân hàng chuyển gần 445 triệu đồng vào hai tài khoản khác nhau.
Cùng ngày, Công an Tân Bình nhận được đơn trình báo của bà B.T.H (48 tuổi, ngụ P.12, Q.Tân Bình) về việc bà bị lừa 400 triệu đồng với chiêu thức như trên.
Sau khi bị bắt, Trung khai năm 2013 chạy xe ôm và quen với một người tên Cường khoảng 36 tuổi. Cường bảo Trung tìm mua CMND rồi nhờ người chụp ảnh dán vào làm CMND giả. Sau đó, dùng các CMND giả tới các ngân hàng mở tài khoản.
Từ tháng 11/2013 đến 19/2/2014, Trung bán cho Cường 40 tài khoản ngân hàng với giá 1,2 triệu đồng/tài khoản. Ngoài ra, Trung lôi kéo Phụng, Phúc, Chi và Giàu đi tìm mua CMND về làm giả rồi lập tài khoản bán kiếm lời.
Trong đó, Phụng giao Trung 15 tài khoản, Phúc giao 21 tài khoản, Chi giao 4 tài khoản, Giàu giao 2 tài khoản. Theo điều tra công an, Trung biết Cường mua tài khoản với mục đích lừa đảo nhưng vẫn bất chấp. Công an tiếp tục mở rộng vụ án, truy bắt những người liên quan.
Trong một diễn biến khác, liên quan đến băng nhóm lừa đảo cũng với thủ đoạn tương tự bị Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP.HCM triệt phá, hôm qua đã có thêm 2 nghi phạm bị bắt khẩn cấp là Nguyễn Vĩ Nam (24 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) và Lưu Tuấn Kiệt (25 tuổi, ngụ Q.5).
Theo thông tin ban đầu, Nam và Kiệt chính là người đứng ra cung cấp thẻ thanh toán quốc tế cho tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia để thực hiện hành lừa đảo nhiều người dân tại TP.HCM chiếm đoạt nhiều tỉ đồng. Bên cạnh đó, Nam và Kiệt đứng tên làm CMND giả để giao cho Trần Văn Huy (21tuổi), Trần Văn Tèo (25 tuổi, cùng ngụ TP Cần Thơ) (2 nghi phạm bị bắt trước đó) để đi đăng ký thẻ thanh toán quốc tế, tiếp tay cho những kẻ lừa đảo.
Trước đó, tháng 11/2013, theo ghi nhận của Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho thấy trong khoảng nửa tháng gần đó có ít nhất năm vụ việc được trình báo đến cơ quan công an với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mạng viễn thông.
Đại diện VNPT TP.HCM cho biết qua kiểm tra đã phát hiện đa số cuộc gọi lừa đảo liên quan đến nợ cước điện thoại đều xuất phát từ nước ngoài, kết nối VoIP (gọi điện qua giao thức Internet) hoặc từ sim rác nhằm lừa khách hàng gọi lại vào đầu số 1900xxxxxx để trục lợi: “Đây là hành động lừa đảo của kẻ gian, gây tâm lý bất an cho người sử dụng dịch vụ viễn thông và kiếm tiền bất chính từ khách hàng, đồng thời làm giảm uy tín thương hiệu VNPT. Hiện VNPT TP.HCM đang phối hợp cùng cơ quan an ninh tìm biện pháp ngăn chặn và xử lý các trường hợp mạo danh trên”.
VNPT TP.HCM còn khuyến cáo người dùng đang sử dụng dịch vụ viễn thông của VNPT TP.HCM nếu nhận được cuộc gọi tương tự nội dung trên có thể báo ngay đến tổng đài chăm sóc khách hàng (08)800126 để VNPT TP.HCM có biện pháp kịp thời ngăn chặn các thiệt hại.