1. Xe máy không có gương chiếu hậu bên phải
Có đủ gương chiếu hậu là một trong những điều kiện đảm bảo cho ô tô, xe máy được phép tham gia giao thông (theo điểm e khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008).
Nếu vi phạm quy định này, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Trong khi ô tô chỉ cần không có đủ gương chiếu hậu là sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng (theo điểm a khoản 2 Điều 16). Nhưng với xe máy vi phạm, người điều khiển phương tiện chỉ bị phạt khi điều khiển xe mà không có gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng.
Cụ thể điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;
Điều này đồng nghĩa rằng, người điểu khiển xe máy không có gương chiếu hậu bên phải sẽ không bị xử phạt.
Với lỗi xe máy không có gương, người vi phạm được nộp phạt trực tiếp mà không phải ra Kho bạc, người xử phạt không phải lập biên bản nhưng phải xé biên lai trao cho người vi phạm.
Nhưng người điều khiển ô tô phạm lỗi này sẽ bị lập biên bản và phải nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước.
Có đủ gương, xe máy vẫn có thể bị phạt
Đó là trường hợp xe máy có đầy đủ gương nhưng gương không có tác dụng.
Ở góc độ thông thường, có thể hiểu gương xe máy không có tác dụng là gương không giúp lái xe quan sát được phía sau.
Dưới góc độ pháp lý, gương xe máy không có tác dụng là gương không đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, kích thước, hệ số phản xạ, bề mặt phản xạ, độ bền va chạm… được quy định tại QCVN 28:2010/BGTVT.
Để xác định được gương có tác dụng hay không, ngoài việc kiểm tra kỹ thuật theo quy chuẩn, trước hết có thể quan sát bằng mắt thường. Gương phải có tác dụng phản xạ và phải điều chỉnh được vùng quan sát. Diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69 cm2. Trong trường hợp gương cầu, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm. Bề mặt phản xạ của gương phải có dạng hình cầu lồi.…
Cách tốt nhất để không bị xử phạt lỗi gương xe máy không có tác dụng là giữ gương nguyên bản theo xe như lúc mới mua hoặc khi có hỏng hóc cần thay gương giống như cũ.
Việc sử dụng gương chiếu hậu đúng chuẩn giúp lái xe quan sát được phía sau, nhanh chóng phản xạ khi có các tình huống bất ngờ xảy ra, tránh va chạm giao thông, bảo vệ bản thân và các phương tiện giao thông khác.
2. Đi xe máy bằng một tay
Khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy thực hiện hành vi buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh.
Việc buông cả 02 tay khi lái xe máy là hành vi vô cùng nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì vậy, người vi phạm bị xử phạt rất nặng theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
8. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
Như vậy, nếu buông cả 02 tay khi điều khiển xe máy, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 06 - 08 triệu đồng, đồng thời còn bị tước Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng theo điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100.
Trong khi đó, hành vi đi xe máy bằng một tay cũng rất nguy hiểm nhưng lại không có điều khoản nào đặt ra mức phạt. Do vậy, việc đi xe máy bằng 01 tay sẽ không bị xử phạt. Tuy nhiên, tài xế cũng không nên thực hiện hành vi này trừ trường hợp không còn sự lựa chọn nào khác.
3. Đi xe đạp, xe máy dàn hàng hai
Khoản 3 Điều 30 và khoản 1 Điều 31 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đều nghiêm cấm người điều khiển xe máy, xe đạp đi xe dàn hàng ngang. Nếu vi phạm, người điều khiển xe máy, xe đạp sẽ bị xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP lại chỉ quy định về mức phạt đối với xe đạp, xe máy đi dàn hàng ba trở lên. Cụ thể:
- Đi xe máy dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên: Phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.
- Đi xe đạp dàn hàng ngang 03 xe trở lên: Phạt từ 80.000 - 100.000 đồng.
Quy định hiện hành chưa có mức phạt cụ thể dành cho hành vi đi xe dàn hàng hai. Điều này đồng nghĩa rằng hành vi đi xe đạp, xe máy dàn hàng hai sẽ không bị xử phạt vi phạm giao thông.
4. Buông cả hai tay khi lái ô tô
Khoản 23 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ nhưng chưa có quy định giải thích hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ là gì.
Thêm vào đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP chỉ có quy định xử phạt với người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe trên đường chứ chưa có chế tài xử phạt người buông cả hai tay khi lái ô tô.
Việc buông cả 02 tay khi lái ô tô là hành vi rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tai nạn bất cứ lúc nào nhưng chưa có quy định xử phạt nên CSGT cũng không thể xử phạt người điều khiển phương tiện.
5. Đeo tai nghe khi điều khiển ô tô
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ yêu cầu người điều khiển xe mô tô, xe máy không sử dụng thiết bị âm thanh khi tham gia giao thông mà không yêu cầu người điều khiển ô tô thực hiện.Mặt khác, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP cũng không quy định về mức phạt đối với hành vi điều khiển ô tô mà sử dụng tai nghe khi tham gia giao thông.
Do đó, việc sử dụng tai nghe khi tham gia giao thông bằng ô tô không bị coi là hành vi vi phạm hành chính nên sẽ không bị xử phạt vi phạm.
6. Không xi nhan khi đi vào đường cong
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển ô tô, xe máy bắt buộc phải bật xi nhan khi chuyển làn; chuyển hướng xe; khi ô tô lùi xe, dừng xe, đỗ xe. Nếu không bật xi nhan trong các trường hợp này, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm.
Ngoài ra, các lái xe cũng được khuyến nghị nên xi nhan khi đi qua vòng xuyến, đi theo đường cong, đi qua ngã 3 chữ Y… để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên đây chỉ là khuyến nghị chứ không phải yêu cầu bắt buộc.
Cùng với đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng không quy định nào bắt buộc phải bật xi nhan nếu đi vào đường cong.
Do đó, khi đi theo đường cong, người điều khiển phương tiện giao thông cua theo đường cong (không phải ngã rẽ, không chuyển hướng, không chuyển làn) mà không bật xi nhan cũng sẽ không bị phạt.
*Thông tin mang tính tham khảo, quy định có thể thay đổi tại thời điểm đọc.