6 loại thực phẩm quen thuộc nhưng lại là tác nhân gây dị ứng phổ biến ở trẻ

( PHUNUTODAY ) - Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến dị ứng ở trẻ chẳng hạn như tiền sử gia đình, giới tính, tiếp xúc với chất gây dị ứng. Trong đó, 6 thực phẩm quen thuộc này rất dễ gây dị ứng cho trẻ.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết, có khoảng sáu loại thực phẩm khác nhau gây ra 90% trường hợp dị ứng ở trẻ em. Bác sĩ dị ứng cho biết dị ứng với sáu loại thực phẩm này có xu hướng xảy ra sớm trong cuộc đời, thường là khi trẻ trước 24 tháng tuổi.

Sữa bò

Số trẻ nhỏ bị dị ứng với sữa bò khá phổ biến, một phần là do hầu hết trẻ nhỏ được tiếp xúc với sữa ngay từ khi còn nhỏ.

APP cho biết khoảng 2 hoặc 3 trong số 100 trẻ dưới 3 tuổi bị dị ứng sữa. Biểu hiện của dị ứng sữa bò ban đầu giống như rối loạn tiêu hóa ở trẻ đang uống sữa công thức làm từ bò sữa hoặc trẻ tiếp xúc với protein sữa bò qua sữa mẹ.

Trẻ có thể bị nôn sau khi bú và có thể có các triệu chứng đầy hơi hoặc đau bụng. Một số trẻ cũng có thể bị ngứa da hoặc các triệu chứng chàm, nổi mề đay hoặc các vấn đề về hô hấp.

Trứng

Phần lớn những người dị ứng với trứng, dị ứng với lòng trắng hơn là lòng đỏ. Tuy nhiên, vì hầu như không thể ăn lòng đỏ trứng không bị nhiễm lòng trắng trứng nên các chuyên gia khuyên nên tránh xa trứng hoàn toàn nếu trẻ bị dị ứng.

Trẻ bị dị ứng với trứng sẽ có biểu hiện như phát ban, sưng da, nôn mửa, tiêu chảy. Một số trẻ có thể mắc triệu chứng khẩn cấp như khó thở, thắt cổ họng. Trường hợp này trẻ cần được đến ngay phòng cấp cứu.

thuc-pham-de-gay-di-ung-cho-tre-2

Đậu nành

Số trẻ bị dị ứng với đậu nành không phổ biến như trẻ bị dị ứng sữa bò. Tuy nhiên, triệu chứng cũng tương tự, bao gồm đau bụng, quấy khóc, rối loạn tiêu hóa. Một số trẻ còn xuất hiện máu trong phân.

Lúa mì

Dị ứng lúa mì có thể xảy ra khi lần đầu tiên sử dụng lúa mì cho trẻ sơ sinh. Thường là ở dạng ngũ cốc dành cho trẻ em làm từ lúa mì.

Một số loại thực phẩm chứa lúa mì trẻ thường ăn như bánh mì, mì ống. Triệu chứng thường gặp là phát ban, ngứa da, hắt hơi, nghẹt mũi và các triệu chứng giống như hen suyễn. Ngoài ra, phản ứng phản vệ cũng có thể xảy ra.

Một số trẻ có thể bị dị ứng cụ thể với thành phần gluten của các sản phẩm lúa mì. Đây được gọi là bệnh celiac, trong trường hợp tiếp xúc liên tục với gluten có thể gây tổn thương hệ tiêu hóa và cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng.

Đậu phộng

Có khoảng 2,5% trẻ bị dị ứng đậu phộng. Triệu chứng thường gặp là ngứa da, phát ban và các vấn đề tiêu hóa. Tuy nhiên, dị ứng đậu phộng và hạt cây có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất ở trẻ em. Đặc biệt, đậu phộng dễ gây phản ứng phản vệ ở trẻ em hơn các chất gây dị ứng thông thường khác.

Các loại hạt

Các loại hạt như quả óc chó, quả hồ đào, hạt điều, quả hạch, hạnh nhân,… cũng có thể gây dị ứng cho trẻ. Trẻ bị dị ứng với loại hạt nào thì tốt nhất mẹ nên cho trẻ tránh xa loại hạt đó.

Triệu chứng ở trẻ dị ứng hạt thường gặp là đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, nghẹt mũi, ngứa cổ họng và khó thở. Giống như đậu phộng, hạt cây có thể gây ra một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất ở trẻ em. Trẻ có thể bị sốc phản vệ, đe dọa tính mạng hơn các chứng dị ứng thông thường khác.

Biện pháp điều trị hiệu quả nhất là tránh các tác nhân gây dị ứng càng nhiều càng tốt, không cho trẻ ăn những thực phẩm đã từng gây dị ứng. Nếu trẻ bị dị ứng với mạt bụi, bạn nên đặt một tấm phủ nệm bằng vải chống dị ứng lên nệm của con. Đối với trẻ bị dị ứng theo mùa thì nên đóng cửa sổ nhà khi lượng phấn hoa cao. Trẻ nên được rửa mũi để làm sạch chất gây dị ứng, chất kích thích và chất nhầy trong mũi.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link