7 kiểu khẩu nghiệp cần tránh
1. Chuyện không nói có, chuyện có nói không
Phàm ở đời, những người đặt điều dựng chuyện, nói lời gian dối thường được xem là hiện thân của ma quỷ, khi chết sẽ phải xuống địa ngục. Những người này đồng thời cũng là căn nguyên của mâu thuẫn, thị phi.
Bởi vậy mới có câu: “sự thông minh sáng suốt nhất đó chính là sự thật”. Dù bạn có cho rằng lời nói dối vô thưởng vô phạt của mình cũng không hề làm hại đến ai thì sự thật vẫn chỉ có một, chỉ có bạn mới hiểu được rằng bản thân mình vừa nói/làm một điều sai trái với lẽ tự nhiên.
2. Nói lời hung ác
Lời ác khẩu xuất phát từ những tâm hồn bị tổn thương, thiếu thốn tình cảm. Bất cứ lời nào nói ra dù là để tự vệ hay tấn công mà làm tổn hại đến danh dự, nhân cách của người khác cũng đồng nghĩa với việc bạn đã tự tích thêm nghiệp quả cho mình.
Vì vậy, hãy cẩn trọng hơn nữa trong lời ăn tiếng nói hàng ngày bởi “giết chết một con người bằng đao kiếm cũng không đáng sợ bằng việc giết chết một tâm hồn bằng lời nói”.
3. Ăn nói hai lời
Một người không có chính kiến, ăn nói hai lời, gió chiều nào che chiều ấy sẽ là kẻ gây mâu thuẫn trong nội bộ, chỉ biết vun vén hưởng lợi riêng về mình. Nếu gặp những loại người này bạn nên tránh xa.
Đồng thời, chúng ta cũng cần tự rèn luyện ý chí và khả năng quyết đoán của bản thân. Nếu đã lựa chọn phải biết chịu trách nhiệm cho những lựa chọn ấy, đừng để tâm lý dao động kẻo sẽ rước họa vào thân.
4. Nói lời thêu dệt
Cổ nhân có câu “một nửa sự thật không phải là sự thật”. Bạn cho rằng mình vẫn nói đúng những gì đã có và chỉ “thêm thắt” một vài tình huống hài hước hay ly kỳ hơn để phiếm chuyện thì cũng đừng nên làm vậy.
Lời nói ra chỉ nên vừa đủ nghe, vừa đủ hiểu và vừa đủ chân thành, chỉ cần truyền đến người sau câu chuyện sẽ trở thành thứ khác. “Tam sao thất bản” cũng là một trong những lỗi lầm mà con người thường vô tình mắc phải.
5. Ăn uống cầu kỳ
Nghe có vẻ lạ nhưng thực ra chuyện ăn uống cầu kỳ cũng là một trong những “khẩu nghiệp” của đời sống hiện đại. Sự lãng phí thức ăn, tiêu tốn tiền bạc và hao tổn công sức là một trong những hệ lụy của thói quen ăn uống cầu kỳ.
Chưa kể, những cách chế biến và sử dụng nhiều loại động vật để tạo ra các món ăn xa hoa, phức tạp cũng là con đường ngắn nhất dẫn đến bệnh tật và những vận xui trong cuộc sống.
6. Phê bình, khen chê
Từ nhỏ đến lớn, chúng ta luôn sống trong môi trường bị đánh giá và đánh giá người khác. Trẻ con đi học thì bị đánh giá bằng điểm số, người lớn đi làm bị đánh giá bằng năng lực, mức lương, địa vị...
Vô hình chung những điều này sẽ sinh ra tâm lý so sánh, đố kỵ trong lòng, lâu dần sẽ tích tụ lại thành thói tham lam, tranh đoạt, khởi sinh cái ác mà chúng ta không hay. Muốn tránh được điều này, tốt nhất nên có tâm quan sát học hỏi và tự đúc rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình thay vì can thiệp vào những cuộc bình luận vô nghĩa.
7. Nói lời tứ chúng
“Tứ chúng” hay còn được hiểu đơn giản là việc đi rêu rao lỗi lầm của kẻ khác. Điều này là hệ quả của việc phê bình, khen chê được nêu trên. Bởi vậy khi nói chuyện với một nhóm người, cách tốt nhất là hãy chỉ nói những điều liên quan đến những người đang có mặt ngay trong cuộc nói chuyện và tránh nói đến người vắng mặt.
Quy luật tất yếu: “có khen ắt có chê”, lời nói đôi khi sẽ đi trước cả suy nghĩ khiến ta khó tránh được lời không hay, chỉ trích mà quên đi rằng đó cũng là một dạng khẩu nghiệp cần tránh.