Nem nắm Giao Thủy
Khi đến với vùng đất Nam Định, bạn nhất định phải thử món nem Giao Thủy. Nguyên liệu để làm món ăn này được lựa chọn kỹ lưỡng, thịt lợn tươi mới mổ, vẫn còn dẻo đem thái mỏng; bì lợn được làm sạch sẽ, thái mỏng và trộn đều cùng với nem thính, tỏi, ớt, gia vị vào gói trong lá chuối để ủ cho lên men. Khi ăn, nem sẽ được cuốn trong lá sung, thêm chút rau thơm, lá đinh lăng chấm nước mắm hoặc tương ớt.
Nem có vị béo ngậy, miếng bì giòn sần sật kết hợp với mùi vị thơm bùi của thính, một chút chát chát của lá sung, các loại rau thơm tạo ra hương vị hài hòa, ăn hoài không chán.
Bánh xíu páo
Xíu páo là một đặc sản mà bạn nhất định không thể bỏ qua khi đné thăm vùng đất Thành Nam. Đây là một món ăn gốc Hoa đã xuất hiện từ rất lâu ở Nam Định. Bánh có lớp vỏ vàng ươm, bên trong nhân thịt dậy mùi thơm. Thoạt nhìn bạn sẽ thấy chiếc bánh này trông giống bánh bao chiên hoặc nướng. Tuy nhiên, vỏ của bánh xíu páo lại là loại vỏ có nhiều lớp gần giống bánh pía. Bên trong nhân sẽ có thịt băm, trứng, mộc nhĩ và một số gia vị đặc trưng.
Bánh gai
Bánh gai là một đặc sản dân dã của Nam Định mà bạn nhất định phải thử. Bánh được làm từ bột nếp, trộn với lá gai, phần nhân bên trong có đỗ xanh, lạc, sen dừa và một ít thịt mỡ. Bánh được gói trong lá chuối khô. Tất cả các nguyên liệu kết hợp với nhau tạo nên hương vị hài hòa, bột gạo dẻo thơm, kết hợp với vị béo bùi của đậu xanh, hạt sen và dừa tạo thành một loại bánh mộc mạc nhưng hấp dẫn.
Bánh nhãn
Bánh nhãn Hải Hậu là đặc sản của huyện Hải Hậu, Nam Định. Mặc dù tên là bánh nhãn nhưng loại bánh này không hề làm từ nhãn hay có mùi hương của nhãn. Bánh được đặt tên như vậy bởi nó có hình dạng và màu sắc giống quả nhãn. Bánh được làm từ bột gạo nếp cái hoa vàng, trứng gà, đường kính, dầu ăn.
Những viên bánh tròn xoe được áo đều trong lớp đường, cắn vào thấy giòn rụm, dậy vị thơm của trứng, vị ngọt thanh cảu đường tạo ra một món ăn vặt thơm ngon, hấp dẫn.
Kẹo sìu châu - kẹo dồi
Đây là một loại kẹo dân dã khác mà bạn phải thử khi đến Nam Định. Kẹo được làm từ đường, lạc và vừng. Kẹo có vị ngọt thanh, giòn giòn kết hợp với vị bùi béo của lạc và vừng. Khi ăn, bạn nên thưởng thức kẹo cùng với trà xanh. Trà có vị chát nhẹ giúp trung hòa vị ngọt của kẹo, tạo ra hương vị đặc sắc hơn cho món quà quê.
Ngoài kẹo sìu châu, kẹo dồi cũng là một món que dân dã của vùng đất Nam Định. Thành phần của kẹo này cũng đơn giản, chỉ có đường, mạch nha, lạc và vani. Công đoạn làm kẹo dồi không đơn giản. Người làm kẹo phải khéo léo, tỉ mỉ và có sức khỏe tốt mới tạo ra được những viên kẹo có lớp vỏ trắng giòn bên trong là nhân lạc rang thơm lừng.
Cá nướng úp chậu
Cá nướng úp chậu là một món ăn khá phổ biến ở Nam Định. Người ta thường chọn các loại cá tự nhiên để nướng. Cá được cắt làm đôi hoặc làm ba rồi đem rửa sạch. Người ta sẽ cho cá vào một chiếc chậu nhỏ, ướp với bột canh, sả, gừng, lá mắc mật trong khoảng 30 phút. Sau đó, cá sẽ được đem đi nướng.
Để nướng cá, người ta sẽ lót một lớp rơm khô dày khoảng 2-3cm xuống phía dưới, tiếp đến là một lớp lá chuối khô. Cá sẽ được đặt lên trên lá chuối và lại phủ một lớp lá chuối khác lên mặt cá. Sau đó, một chiếc chậu nhôm sẽ được úp lên trên để đậy kín toàn bộ chỗ cá.
Tiếp đến, rơm khô sẽ được phủ kín toàn bộ chậu cá và bắt đầu chăm lửa để nướng. Thời gian nướng khoảng 30 phút.
Ngoài ra, người ta sẽ phủ một lớp trấu dày lên trên rồi tiếp tục ủ 4-5 tiếng.
Cá nướng úp chậu có phần da giòn dai, vàng óng, thịt chắc, ngấm gia vị. Cá nướng được ăn kèm với lá sung, lá mơ, rau mùi, một số loại rau thơm khác chấm cùng mắm gừng.
Bún đũa
Bũn đũa là món ăn khá đặc biệt của Nam Định. Đúng như tên gọi của món ăn, sợi bún dùng trong món này có dạng to tròn. Bún dược ăn dùng với nước dùng thơm béo dậy mùi mỡ hành, gạc cua, thêm một chút rau sống, giá tươi mát.
Mới nhìn qua bạn sẽ thấy món bún đũa này tương đối giống với bánh canh miền Nam.