8 câu nói tưởng chừng vô hại của cha mẹ nhưng lại hủy hoại tương lai của con

( PHUNUTODAY ) - Nhiều khi cha mẹ cứ vô tình nã vào con những ngôn từ gây đầy tổn thương mà không nhận ra.

Nếu bạn thường xuyên nói với con những câu dưới đây hãy bỏ ngay nhé vì chugns sẽ gây tổn thương cho con và ảnh hưởng tới cả tương lai về sau. Những câu nói này khiến trẻ trở nên tự ti.

Nếu con không nghe lời, người xấu sẽ đến bắt con đi

Nhiều cha mẹ "dọa" để con nghe theo lời mình. Những cụm từ như "kẻ xấu đến bắt đi" hay tương tự khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và nhút nhát hơn. Điều đó có thể khiến trẻ sống trong lo lắng. Trẻ nhỏ có thể tưởng tượng ra nhiều thứ.  Lâu dần, lời đe dọa này có thể khiến trẻ đầy sợ hãi, sợ ở trong phòng một mình, bóng tối… Khi tiếp xúc với những điều hoặc học kỹ năng mới, trẻ có thể ngại thử vì sợ. Lời nói ấy thậm chí có thể khiến trẻ bị ám ảnh.

Việc này dễ thế mà cũng không làm được à

Một việc bố mẹ cho là quá đơn giản nhưng cũng khiến các con vật lộn hàng giờ. Khi ấy nhiều người thường nói: "Quá đơn giản, con có thể làm được mà". Nhiều cha mẹ dùng cách khích bác để khích lệ con nhưng đôi khi trẻ nhạy cảm sẽ thấy tự ti và tủi thân rồi nhụt chí dần đi. Nhiều trẻ nghe cha mẹ nói thế sẽ chán nảy và bỏ cuộc. 

8-dieu-cha-me-khien-con-tu-ti

Thay vào đó, hãy nói với con rằng: "Việc này khá khó đấy". Và khi bé hoàn thành công việc, bố mẹ hãy khích lệ rằng: "Con đã làm việc rất chăm chỉ và nỗ lực". Dù chưa thể hình dung được vấn đề nhưng ít nhất trẻ biết rằng mình vừa làm được một việc khá khó. Cách tiếp cận này sẽ giúp khích lệ và làm con tự tin hơn.

Con lại mắc sai lầm

Cha mẹ nào cũng muốn con mình tài giỏi nhưng không ai không từng mắc lỗi. Khi con chưa sửa được, cha mẹ hay nói "Con lại mắc sai lầm" là câu cằn nhằn quen thuộc của phụ huynh nhưng nó ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.

Khi nghe như thế trẻ sẽ thấy mắc sai lầm là chuyện đáng xấu hổ, đáng bị ghét bỏ. Từ đó, các em không dám thể hiện ý kiến hoặc hành động của mình vì sợ làm sai, bị trách phạt trong khi ngược lại sai lầm là cách giúp trẻ học hỏi và thành công.

Khi con mắc sai lầm, bố mẹ nên chỉ ra điểm sai, khuyến khích con thử lại hoặc cùng con thảo luận về biện pháp giải quyết. Nếu con lặp lại sai lầm, bạn có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật cứng rắn.

Sao con làm lại hỏng vậy, để đấy cha/mẹ làm cho mà xem

Cách nói này đã triệt tiêu sự cố gắng của con. Hành động bạn làm thay con sẽ khiến con không còn muốn cố gắng nữa và thậm chí không còn cơ hội cố gắng nên ngày càng kém cỏi. Hãy chỉ cho con cách để thực hiện rồi cho con tự làm, kiên nhẫn chờ đợi sự chậm chạp và làm hỏng việc của con, nhưng đó mới là cách để con phát triển kỹ năng. Cha mẹ hay nói như vậy sẽ khiến con in vào đầu về bản thân mình là vô dụng.

Sao không học hỏi con nhà người ta

Sự so sánh là một cách gây cho trẻ nỗi tổn thương lớn. Thay vì thế bạn nên cho con hiểu mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Đôi khi, để thúc đẩy trẻ thay đổi khuyết điểm và trở nên tốt hơn, cha mẹ vô thức so sánh con mình với "con nhà người ta". Cách so sánh này khiến trẻ cảm thấy cha mẹ không yêu thương mình và con sẽ cảm thấy tự ti, mặc cảm với người khác và trở nên rụt rè. Tốt hơn hết, cha mẹ nên hạn chế so sánh con mình với con người khác.

Con không làm gì nên hồn

Phủ nhận khả năng của trẻ là hành động đồng nghĩa với việc khuyến khích trẻ bỏ cuộc trước khi bắt đầu. Những đứa trẻ bị cha mẹ nói như vậy thường suy nghĩ rằng "không việc gì phải cố gắng vì có cố cũng không thể làm nên trò trống gì". Cách tư duy này bào mòn sự tự tin của trẻ, biến các em thành người lười biếng, nhút nhát.

Vì thế cha mẹ cần khuyến khích để con tiếp tục chứ không phải để con ấn vào đầu mình sự thất bại và rồi bỏ cuộc. Nếu các bé quá áp lực trước mục đích thành công, bạn đừng ép buộc con tiếp tục, hãy phân tán sự chú ý của con sang các hoạt động khác để trẻ thư giãn. Cuối cùng, hãy luôn nhắc trẻ nhớ rằng trẻ có tiềm năng vô hạn để vượt qua khó khăn, chỉ cần tin vào bản thân.

Có mỗi việc học mà cũng không xong thì làm được gì

Nhiều trẻ nhỏ không thích học và không thực sự nạp được thông tin trên lớp nhưng lại vẫn rất nhanh nhẹn trong lĩnh vực đời sống xã hội. Thế nên không phải cứ học kém là không làm được gì, chỉ là cha mẹ có nhìn ra giúp con mình điều gì hợp nhất với con không. Con có thể không học giỏi các môn tự nhiên, nhưng ở trường, con luôn được mọi người "trầm trồ" khen ngợi giọng hát. Con có thể không xếp trong top 5 hay top 10 của lớp, nhưng con hăng hái tham gia các hoạt động ngoại khóa ngoài kia, biết cách tổ chức một sự kiện nho nhỏ.

Vì thế thay vì mắng con hãy chấp nhận con mình yếu điểm học tập nhưng hãy khuyến khích mặt mạnh khác ở con. Và cũng đừng la mắng ép con phải học bằng được vì càng không có kết quả gì. Nếu con học với tâm trạng không thoải mái, và cũng chẳng thiết tham gia bất cứ hoạt động nào. Lúc ấy, con thực sự trở thành một người "không làm được trò trống gì".

Sao nói mãi rồi mà không khôn lên được? Con có biết suy nghĩ không?

Con biết, cha mẹ phải nhắc con rất nhiều lần, nhắc đi nhắc lại những việc mà con mãi vẫn chưa chịu thay đổi. Nhưng con nghĩ để hình thành một thói quen thì cần nhiều hơn là những lời mắng mỏ hay trách móc. Đó đâu phải câu chuyện cứ "khôn" là làm được, cứ "biết suy nghĩ" là sẽ xong.

Khi con càng lớn thì càng nhạy cảm với những câu nói trên của cha mẹ. Khi cha mẹ nói thế không giúp con khá lên mà còn khiến con cảm thấy tức giạn, trẻ thấy không được tôn trọng.  Con đã lớn, con có những suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình. Khi cảm thấy không hài lòng về một điều gì đó, cha mẹ hãy gọi con ra, nói chuyện, phân tích cho con hiểu và cùng con tìm cách giải quyết. Những lời trách móc "vô thưởng vô phạt" chẳng khác nào những "cái tát" vô hình, chúng làm tổn thương con nhiều.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link