Ở Việt Nam cà chua được bán khá rẻ và là một loại quả thường xuyên được dùng để chế biến món ăn. Cà chua giàu vitamin, khoáng chất và các loại dưỡng chất quan trọng bao gồm vitamin A, vitamin C, vitamin K, vitamin B6, folate và thiamin. Cà chua còn giàu kali, mangan, magiê, can xi, phốt pho và đồng, chất xơ và protein. Cà chua còn có một số chất chống oxy hóa như lycopene, quercetin, kaempferol, lutein, zeaxanthin, carotenoid, bioflavonoid, axit coumaric, axit chlorogenic, rất tốt cho sức khoẻ, trong đó lycopen được xem là chất chống oxy hóa mạnh nhất trong tất cả các carotenoid.
Cà chua là một phần quan trọng trong chế độ ăn Địa Trung Hải nổi tiếng lành mạnh. Một số nghiên cứu gần đây, trong đó có nghiên cứu của Trường Y Đại học Athens, phát hiện những người tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn Địa Trung Hải có tỷ lệ tử vong do bệnh tim và ung thư thấp hơn.
Thường xuyên ăn cà chua mang lại lợi ích to lớn sau:
Phòng ngừa ung thư
Cà chua giàu vitamin C giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, miệng, dây thanh âm, họng, đại tràng trực tràng, dạ dày và thực quản. Các loại trái cây như cà chua, cam, lựu rất giàu vitamin C do đó có khả năng phòng loại bệnh này.
Giảm cholesterol
Cà chua không chứa cholesterol và là nguồn thực phẩm tốt cho chế độ ăn kiêng. Một cốc nước cà chua cung cấp 9% chất xơ giúp giảm mức cholesterol cao. Cà chua cũng chứa niacin (vitamin B3), được sử dụng như một cách an toàn để giảm mức cholesterol.
Hạ huyết áp và phòng ngừa bệnh tim mạch
Trong cà chua có hàm lượng kali cao nên giúp điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Cà chua cũng giàu Vitamin B6 và folate giúp chuyển hóa homocysteine thành các phân tử lành tính khác. Mức homocysteine cao có thể trực tiếp làm tổn thương thành mạch máu và có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Chống nhiễm toan
Nhiễm toan là nguyên nhân chính gây mất canxi, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, đau cơ, mụn trứng cá, chàm, xơ cứng động mạch, rối loạn chức năng tình dục, mất cân bằng hormone, trầm cảm và thoái hóa.
Cơ thể chúng ta được thiết kế để duy trì sự cân bằng kiềm ở độ pH 7,365. Bằng cách bổ sung nhiều khoáng chất có tính kiềm vào chế độ ăn uống - canxi, magie, kali và natri - chúng ta giúp cơ thể duy trì cân bằng kiềm một cách tự nhiên. Cà chua là nguồn tuyệt vời của canxi, magie, kali và có thể hỗ trợ ngăn ngừa nhiễm toan.
Tăng cường miễn dịch
Thường xuyên ăn cà chua có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị cảm cúm, cảm lạnh, đặc biệt là đối với nam giới. Những căn bệnh phổ biến này được cho là bắt nguồn từ sự thiếu hụt carotenoid, bao gồm lượng lycopene và beta carotene thấp trong cơ thể chúng ta. Uống nước ép cà chua giúp xây dựng hệ thống phòng thủ chống lại cảm lạnh và cúm.
Cải thiện sức khỏe xương khớp
Cà chua rất giàu vitamin K, một thành phần giúp nâng cao sức khỏe xương. Vitamin K kích hoạt Osteocalcin, loại protein không phải collagen chính trong xương. Osteocalcin khoáng hóa các phân tử canxi bên trong xương.
Điều trị giãn mạch
Vitamin C có tác dụng làm giãn mạch máu một cách hiệu quả trong các trường hợp xơ vữa động mạch, suy tim sung huyết, cholesterol cao, đau thắt ngực và huyết áp cao. Người ta phát hiện ra việc bổ sung vitamin C giúp cải thiện sự giãn nở mạch máu.
Cải thiện thị lực
Nhiều thông tin y khoa cho hay giảm vitmain C là nguyên nhân gây đục thủy tinh thể. Việc tăng lượng vitamin C trong cà chua làm tăng lượng máu cung cấp đến vùng thị giác của cơ thể và giúp chữa chứng rối loạn mắt này.
Lưu ý khi dùng cà chua
Tuyệt đối không nên ăn cà chua xanh chưa chín bởi trong cà chua xanh có chất độc tự nhiê solanine không tốt cho sức khỏe.
Hàm lượng vừa phải axit oxalic trong cà chua (5,3 mg/100 g), chất tạo thành muối canxi (canxi oxalate) không hòa tan, có thể kết tủa dưới dạng sỏi thận. Ngoài ra, do tính axit của nó nên tiêu thụ vừa phải và trong trường hợp mắc các bệnh về dạ dày tá tràng nên hạn chế ăn cà chua.
Cà chua dùng chín và ăn sống có lợi ích không hoàn toàn giống nhau. Bởi thế bạn nên kết hợp cả việc dùng cà chua sống lẫn nấu chín cà chua.