Miền Bắc đang bước vào những ngày đầu đông, thời tiết se lạnh thật hợp lí để chúng ta rủ nhau đi ăn lẩu, ngồi lai rai chuyện trò. Nếu ăn lẩu một cách khoa học thì sẽ rất tốt, nhất là về mặt dinh dưỡng. Ngoài ra, gia đình quây quần bên nhau, không khí ấm cúng, tạo ra được nhiều giá trị tinh thần. Tuy nhiên, việc ăn lẩu cũng cần có những lưu ý nhất định, nếu không sẽ gây hại với cơ thể, không tận dụng được chất dinh dưỡng có trong thực phẩm, ảnh hưởng cả đến hệ tiêu hóa.
Hạn chế ăn nước lẩu
Theo chuyên gia dinh dưỡng, nước lẩu thực sự có một lượng muối natri cao quá mức, không tốt cho cơ thể. Không phải tất cả các loại nước lẩu đều được tạo ra như nhau, dưới đây là danh sách 7 loại nước lẩu phổ biến có hàm lượng muối cao trong đó phải kể đến là lẩu cay, lẩu cà chua, lẩu nấm, lẩu Tứ Xuyên, lẩu Hải sản, lẩu gà, và cao nhất là lẩu BahKu Teh là loại lẩu nổi tiếng ở Singapo. Loại lẩu này chứa đến 12.778mg/100g nước lẩu, trong khi mức tiêu thụ khuyến nghị mỗi người, mỗi ngày chỉ là 2.000 mg tương đương 1 thìa cà phê muối.
Không nên ngồi quá lâu và cho quá nhiều thực phẩm vào nồi lẩu cùng một lúc
Ngoài ra, các chuyên gia khuyên không ngồi ăn quá lâu và cho quá nhiều thực phẩm vào nồi lẩu cùng một lúc. Ăn lẩu dù đa dạng về thực phẩm, nhưng nếu không biết cách chế biến sẽ làm mất đi toàn bộ giá trị dinh dưỡng. Có nhiều gia đình khi ăn lẩu ngay từ đầu đã cho nhiều thực phẩm vào cùng một lúc, với mục đích để nước lẩu ngon ngọt hơn. Đây là thói quen cần phải loại bỏ ngay, thực phẩm khi bị nấu sôi quá lâu, giá trị dinh dưỡng bị hao hụt và không còn nhiều khi đưa vào cơ thể, đặc biệt là các loại rau, cá…Khi bị đun sôi trong thời gian lâu, lượng vitamin trong rau sẽ giảm đi rất nhanh, khi đó rau chỉ còn chất xơ không có các vitamin và khoáng chất. Hay như các loại thịt cá, nếu đun trong nồi lẩu quá lâu, các protein bị chia cắt nhỏ. Khi ăn những thực phẩm này, cơ thể hấp thu được rất ít dinh dưỡng.
Khi ăn lẩu cũng chỉ nên ngồi trong vòng khoảng trên dưới 1 tiếng. Thời gian kéo dài, chất lượng bữa ăn không ngon vì không có nồi nước lẩu nào đun 2 tiếng mà vẫn đầy, tươi ngon, các thực phẩm không ăn kịp sẽ bị nhũn. Đáng lưu ý hơn việc ngồi lâu sẽ gây áp lực lên hệ tiêu hóa rất lớn. Thông thường bữa ăn hàng ngày chỉ kéo dài khoảng 30 phút, hệ tiêu hóa đã quen với nhịp sinh học đó. Nếu ngồi ăn lẩu kéo dài đến vài tiếng sẽ khiến hệ tiêu hóa hoạt động nhiều, có thể gây quá tải, rối loạn tiêu hóa.
Thay nước lẩu nếu ăn lâu
Khi nước lẩu đun quá lâu sẽ khiến hàm lượng nitric tăng cao, vitamin bị phân hủy, chất béo khi đó là bão hòa, gây hại cho cơ thể nhất là tim mạch, huyết áp. Do đó, nên thay nước lẩu sau 60 phút là tốt nhất.
Ăn nhiều rau, củ, quả giải nhiệt
Trong lẩu luôn chứa rất nhiều gia vị, đặc biệt là chất cay nóng trong hành, tỏi, sa tế, ớt... Vì vậy, bạn cần ăn nhiều loại rau củ, quả để giúp cơ thể giải nhiệt, điều hòa cơ thể, tránh hại gan và dạ dày. Các loại rau ăn lẩu phổ biến và có lợi như: rau muống, cải ngọt, cải thảo, cải xoong, mướp đắng, ngó sen, đậu phụ, nấm, khoai tây, cà rốt vừa tốt cho dạ dày lại giúp điều hòa thân nhiệt cực tốt.
Không nên ăn lẩu quá nóng, quá cay
Bất cứ thức ăn gì đặc biệt là lẩu nếu ăn khi còn quá nóng sẽ làm tổn thương khoang miệng và thực quản.Nhiều thực phẩm quá tê và cay sẽ có hại cho niêm mạc miệng, thực quản, đường tiêu hóa, thậm chí còn dẫn đến hiện tượng sung huyết, sưng phồng từ đó gây ra nhiều bệnh tật khác. Lưu ý với những người bị viêm khoang miệng, có tiền sử viêm tuyến tụy hay đã từng phẫu thuật những bộ phận trên tốt nhất không ăn lẩu.
Vậy, khi ăn lẩu tốt nhất nên khống chế thời gian khoảng một tiếng, nên ăn đồ đã được nấu chín, hạn chế đồ cay nóng, nhất là không nên uống rượu bia khi ăn lẩu.