Các bộ phận nội tạng của động vật không an toàn cho người sử dụng vì dễ bị nhiểm bẩn, là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển trong quá trình giết mổ, vận chuyển. Nội tạng động vật ăn nhiều còn gây ra nhiều bệnh không tốt cho sức khỏe.
Nguy cơ nhiễm khuẩn lớn
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, hiện nay người dân không chỉ ăn tiết canh những loại động vật, gia cầm phổ biến như lợn, vịt, dê mà còn lan sang cả động vật hoang dã như trũi, nhím...
“Nhiều người có quan điểm ăn tiết canh có giá trị dinh dưỡng cao và có thể chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế tiết canh không có nhiều dinh dưỡng như nhiều người tưởng, thậm chí rất nguy hại”, PGS.TS Thịnh khẳng định.
Thứ nhất, ăn tiết canh bản chất là ăn máu sống cùng với các loại thịt, xương nên hoàn toàn không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng có trong con vật.
"Tiết canh mang rất nhiều mầm bệnh, nhất là máu của các con lợn, gà, vịt... đang bị nhiễm bệnh. Ví dụ, nếu ăn phải tiết canh của lợn đang mắc bệnh thì nguồn máu của nó sẽ chứa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, người dùng tiết canh từ con vật này sẽ có nguy cơ nhiễm các bệnh như liên cầu lợn, nhiễm giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, trường hợp nặng có thể gây tử vong”, ông Thịnh nói thêm.
Theo vị chuyên gia, nguy cơ nhiễm bệnh từ tiết canh rất lớn, nhất là trong hoàn cảnh bùng phát nhiều dịch bệnh như cúm A/H5N1, H1N1.
Thứ hai, nguy cơ nhiễm chất độc từ máu các động vật rất cao. Trong quá trình cắt tiết con vật, có cả máu đen, máu đỏ mà người làm ít phân biệt được. Ông Thịnh cho biết, máu đen là chất thải độc của con vật, hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra, ông khẳng định, ăn tiết canh không phải là văn hóa tốt đẹp của người Việt vì xuất phát từ văn hóa của cư dân săn bắt xưa là uống máu tươi của con vật bị bắn. Vì thế không nên ăn tiết canh.
Tăng mỡ máu
Nội tạng động vật có chứa lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt và nếu tiêu thụ nhiều sẽ làm tăng mỡ máu có hại cho tim mạch, đặc biệt đối với người cao tuổi, người béo phì và người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa: tiểu đường, huyết áp cao, gút.
Nhiễm độc do các hóa chất bảo quản
Hiện nay, nội tạng động vật kém chất lượng, để lâu đến biến đổi màu, ôi thiu,… vẫn được bày bán rộng rãi. Để làm cho nội tạng có màu trắng đẹp mắt và át đi mùi hôi thối, nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa cực độc để “ngụy trang” cho nội tạng động vật, đồng thời làm món ăn đậm đà, dai và giòn hệt như nội tạng tươi.Những loại thực phẩm ôi thiu này khi ăn vào không chỉ tấn công hệ tiêu hóa, mà còn tăng nguy cơ tích tụ hóa chất trong cơ thể.