Ảo tưởng vào con và hào quang GS Ngô Bảo Châu

15:32, Thứ ba 15/05/2012

( PHUNUTODAY ) - "Trường có tốt thì mới được người quan tâm và mong muốn cho con họ vào học. Đây cũng là một lí do rất chính đáng vì cha mẹ nào chẳng muốn những điều tốt đẹp nhất cho con của mình".

Một phần vì GS Ngô Bảo Châu từng học ở trường Thực Nghiệm Hà Nội nên trong hai ngày cuối tuần vừa qua, hàng trăm phụ huynh chầu chực, đạp xô cổng trường với mong muốn mua một lá đơn đăng ký vào học. Trước thực trạng này, mẹ của GS Ngô Bảo Châu là PGS. TS Lưu Vân Hiền đã có những chia sẻ và lý giải về hiện tượng này.
[links()]

Trường Thực Ngiệm được quan tâm hơn vì GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields?

Nhận xét về hiện tượng chen lấn xô đẩy để mua hồ sơ cho con vào học ở trường Thực Nghiệm Hà Nội vì đây là trường mà GS Ngô Bảo Châu từng học, PGS. TS Lưu Vân Hiền cho rằng người dân không đến nỗi ảo tưởng vì sức hút của GS Ngô Bảo Châu.

"Song bản thân tôi cũng không thể phủ nhận rằng có lẽ sự quan tâm của phụ huynh đến trường cũng tăng lên sau sự kiện anh Châu đạt giải thưởng Fields".

PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền cùng gia đình của GS. Ngô Bảo Châu (Ảnh GDVN)
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền cùng gia đình của GS. Ngô Bảo Châu (Ảnh GDVN)

Còn việc nhiều phụ huynh tìm đến ngôi trường này theo bà là bởi "Trường có tốt thì mới được người quan tâm và mong muốn cho con họ vào học.

Đây cũng là một lí do rất chính đáng vì cha mẹ nào chẳng muốn những điều tốt đẹp nhất cho con của mình".

Việc tìm cho con những trường tốt để yên tâm là điều không có gì đáng trách cả. Không phải lỗi của học sinh, cha mẹ học sinh".

Nhận xét về ngôi trường mà GS Ngô Bảo Châu từng học những khóa đầu tiên, PGS.TS Vân Hiền nhận thấy sự khác biệt giữa những đứa trẻ khác không được học ở trường Thực nghiệm chính là sự thích đi học của trẻ. Cách giáo dục ở trường Thực nghiệm làm cho trẻ con đi học thấy vui, được hưởng cuộc sống đúng như một đứa trẻ.

"Những đứa trẻ học ở trường Thực nghiệm chúng có một niềm đam mê, thích thú đặc biệt với việc học tập. Dường như Châu và các bạn thời đó đều tìm được niềm vui nơi trường lớp. Nên hình phạt lớn nhất và làm Châu sợ nhất là khi bị dọa không cho đi học nữa" - Mẹ GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Phụ huynh chọn trường cho con theo tâm lý đám đông

Tuy nhiên, đánh giá về thành công của con trai, PGS.TS Vân Hiền cũng nói thêm "Sự thành công của anh Châu cũng có rất nhiều yếu tố. Anh Châu chỉ học ở trường Thực nghiệm đến năm lớp 5, lớp 6 bắt đầu ra Trưng Vương rồi.

Nhưng cái mà Châu thu được tôi nghĩ chính là cách tư duy bởi khi học ở trường Thực nghiệm các bạn trẻ không bị cứng nhắc trong suy nghĩ, có thể nghĩ ra nhiều cách giải toán khác nhau. Có thể kết quả chưa đúng nhưng cách làm đúng thì chắc chắn rồi các em cũng sẽ tìm ra được kết quả đúng".

Phụ huynh đạp đổ cổng trường Thực Nghiệm xin học cho con vào lớp 1.
Phụ huynh đạp đổ cổng trường Thực Nghiệm xin học cho con vào lớp 1.

Sự kiện giáo dục phụ huynh “đạp cổng, xông vào mua đơn” ở Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội vừa qua theo đánh giá của ông Lê Tiến Thành (vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT): “Cần nhìn nhận chuyện xếp hàng mua đơn tại Trường Thực nghiệm ở khía cạnh tâm lý xã hội.

Hiện tượng một bộ phận học sinh đổ xô vào các trường điểm, có tên tuổi như hiện nay là do tâm lý chọn trường theo trào lưu của số đông phụ huynh các quận nội thành của Hà Nội. Nhiều người nghĩ “vào trường tốt, tất con mình sẽ tốt”. Nhưng thế nào là tốt thì nhiều khi lại không phân biệt rõ ràng - ông Lê Tiến Thành lý giải.

Chính điều đó đang khiến cho một số trường được coi là “điểm” tại Hà Nội đều đang bị quá tải về sĩ số lớp.

Vì vậy, cha mẹ học sinh nên để con được bước vào hành trình học tập ở những trường học có điều kiện bình thường. Không phải cứ nỗ lực cho con vào trường được xem là tốt thì đã tốt cho con mình.

Bởi với tình trạng “chạy trường”, bên cạnh việc gây phức tạp cho xã hội, các bậc cha mẹ đã và đang tạo nên áp lực không cần có cho con trẻ ngay từ buổi đầu tiên đến trường.

>>> Hình ảnh cha mẹ phá đường, đạp tường cầu đạo học cho con
  • Minh Đức (Tổng hợp TTO, GDVN)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc