Theo bảng xếp hạng tổng thể mà nhóm chuyên gia này công bố, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất với điểm tổng thể vượt xa đại học khác. Bốn vị trí tiếp theo lần lượt là Đại học Tôn Đức Thắng, Học viện Nông nghiệp, Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia TP HCM.
Đáng chú ý, nhiều trường trẻ đứng ở thứ hạng cao, như Tôn Đức Thắng thứ hai, Duy Tân thứ chín, trong khi nhiều đại học lâu đời, điểm chuẩn đầu vào cao, lại đứng giữa hoặc cuối bảng. Cụ thể, Y Hà Nội xếp thứ 20, Ngoại thương thứ 23, Kinh tế Quốc dân thứ 30, Học viện Tài chính thứ 40, Học viện Ngân hàng ở vị trí 47...
Nguyên tắc xếp hạng được nhóm chuyên gia áp dụng gồm phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế. Trong đó, ba tiêu chí xếp hạng là nghiên cứu khoa học (40%), giáo dục đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%).
TS. Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu tại Melbourne, Australia, chủ biên của Báo cáo xếp hạng cho biết, nhóm thực hiện đề án vì đánh giá và xếp hạng đang là xu hướng trên thế giới nhưng không có bảng xếp hạng nào phù hợp với Việt Nam.
Trong khi đó, các đại học của Việt Nam lại đang thiếu động lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng, thiếu động lực minh bạch thông tin cũng như thiếu động lực đẩy nhanh hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng thừa nhận việc xây dựng một bảng xếp hạng cho Việt Nam gặp vô số khó khăn, từ mô hình đại học không thống nhất, thiếu số liệu và đặc biệt là số liệu không thống nhất, tin cậy và cập nhật.
Vì thế dù nghiên cứu hơn 100 đại học, nhóm chỉ đưa ra kết quả xếp hạng 49 trường được thu thập đầy đủ thông tin, với mong muốn đem lại tiếng nói độc lập, trung thực về bức tranh tổng thể của đại học Việt Nam hiện nay.