Sợ ngộ độc
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết, hiện nay nhiều gia đình đã trang bị bình oxy hoặc máy tạo oxy tại nhà nhưng vì nghe thông tin không đúng nên không dám dùng khi SpO2 đã thụt. Theo bác sĩ, 80% F0 mắc thể nhẹ nhưng có 20% có thể trở nặng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 trở đi. Vì vậy, khi có dấu hiệu trở nặng, cảm thấy khó thở, SpO2 tụt, nhịp tim nhanh, người bệnh cần bình tĩnh, tập hít thở sâu, thở đều và báo với y tế hỗ trợ.
Trong lúc chờ sự hỗ trợ từ nhân viên y tế, nếu trong nhà có sẵn nguồn oxy hoặc có người mang bình oxy, máy tạo oxy đến, người bệnh đừng ngại sử dụng. Bác sĩ Khanh chia sẻ, để sử dụng oxy an toàn, F0 có thể gọi theo tổng đài 1022, tổng đài của các trường đại học, số điện thoại của các bác sĩ tư vấn miễn phí online... để được hỗ trợ.
Bác sĩ khuyến cáo mỗi người bệnh hoặc gia đình F0 nên tìm một bác sĩ tư vấn online để được trợ giúp khi cần thiết. Người này sẽ hướng dẫn chi tiết cách điều chỉnh máy, bao nhiêu lít/phút, cách theo dõi song song giữa đồng hồ oxy và chỉ số SpO2. Nếu không có hướng dẫn từ bác sĩ, người dùng tự điều chỉnh không đúng thì có thể không giúp nồng độ SpO2 của người bệnh tăng lên.
Bác sĩ Khanh cho biết thở oxy không gây ngộ độc. Trường hợp quá liều xảy ra ở người khỏe mạnh thở oxy và hầu như chỉ lo quá liều oxy với đối tượng là trẻ sơ sinh.
Lệ thuộc oxy
Bác sĩ Khanh cho biết, không nên chỉ dùng máy oxy mà không tập thở, nghĩ rằng thở oxy là ổn. Dù có máy oxy tại nhà, người bệnh vận phải tự cố gắng tập thở và kết hợp với các tư thế nằm sấp để cải thiện oxy phổi giúp tăng chỉ số SpO2. Tại các cơ sở y tế, bác sĩ cũng yêu cầu người bệnh phải vận động, tập thở, trở mình theo các tư thế khác nhau để tăng nồng độ oxy.
Các dấu hiệu F0 hiếu oxy: Môi và dầu ngón tay xanh tím, co kéo vị trí cơ trên vùng cổ và hai bên sườn, chóng mặt, mạch trên 100 lần/phút, khó thở, thở nhanh >24 lần/phút, nồng độ oxy đo bằng máy SpO2 (nếu có) dưới 94%.
Hướng dẫn các tư thế cải thiện mức oxy tại nhà
Cần chuẩn bị: 3-4 cái gối, một mặt phẳng đảm bảo không có độ lún.
Cách thực hiện
- Tư thế 1: Người bệnh nằm sấp trên giường phẳng, mặt xoay nghiêng tựa lên gối và giữ tư thế trong 30 phút đến 2 giờ. Sử dụng 1 gối kê ở dưới cổ; 1-2 gối giữa ngực và đùi trên; 2 gối đặt ở cổ chân.
- Tư thế 2: Người bệnh chuyển sang tư thế nằm nghiêng bên phải trong 30 phút. Ở tư thế này, người bệnh không cần sử dụng gối.
- Tư thế 3: Người bệnh chuyển sang tư thế nửa nằm, nửa ngồi, nâng người khoảng 60 độ, kê gối trên đầu. Giữ tư thế này trong 30 phút.
- Tư thế 4: Chuyển sang tư thế nằm nghiêng bên trái trong 30 phút và không cần ghê gối.
- Tư thế 5: Người bệnh chuyển sang tư thế nằm sấp và co một chân. Xoay mặt sang một bên, một tay đặt lên gối, một chân kê lên gối. Giữ tư thế trong 30 phút.
- Tư thế 6: Người bệnh quay lại tư thế nằm sấp như ban đầu trong 30 phút.