Cách giúp con tập đi đúng, chuẩn nhất để tránh chân vòng kiêng và những tổn thương khác

( PHUNUTODAY ) - Theo thống kê của chính phủ Canada năm 2003, mỗi năm có khoảng 1.000 trẻ sơ sinh bị thương khi sử dụng xe tập đi. Xe tập đi có thể khiến con có nguy cơ bị gù lưng, chân vòng kiềng và nhiều biến chứng nặng nề khác...

Bạn có cho con ban đi xe tập đi? Hãy suy nghĩ lại

Nhiều mẹ Việt khi thấy con được khoảng 7 - 8 tháng tuổi, ngay lâp tức mua xe tập đi cho con với suy nghĩ, để con tự “bơi” trong xe, một thời gian ngắn con sẽ biết đi nhanh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đây là việc làm vô cùng nguy hại tới con mà mẹ không thể ngờ tới.

Quá nguy hiểm

Xe tập đi nguy hiểm hơn mẹ nghĩ bởi hầu hết các xe đều được thiết kế dưới dạng bánh tròn nhỏ, tự lăn khi con dùng lực chân đẩy. Chính điều này đã gây ra những tổn thương nặng nề khi trẻ bị ngã vì đẩy quá đà, không có vật chắn, ngã xuống bậc thang, dốc. Theo thống kê của chính phủ Canada năm 2003, mỗi năm có khoảng 1.000 trẻ sơ sinh bị thương khi sử dụng xe tập đi.

be-de-gap-tai-nan-khung-khiep-khi-ngoi-xe-tap-di

Đi xe tập đi là việc làm vô cùng nguy hại tới con mà mẹ không thể ngờ tới. 

Những di chứng để lại từ những lần ngã không hề nhỏ, nhẹ thì trẻ bị gẫy tay chân hoặc trầy xước, nặng có thể tổn thương não. Bởi tốc độ di chuyển của xe tập đi có thể lên tới 91cm/giây, trong khi đó, trẻ chưa thể nào kiểm soát được tốc độ của xe nên dễ xảy ra tai nạn ngoài ý muốn.

Chưa kể những trường hợp trẻ ngã vào các vật dụng trong nhà như ổ điện, bếp gas hoặc ngã xuống ao hồ có thể dẫn đến tử vong.

Giảm khả năng vận động và trí thông minh ở trẻ

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một đứa trẻ tự vận động và tập đi sẽ thông minh hơn đứa trẻ biết đi thụ động nhờ xe tập đi và khả năng vận động của chúng cũng sẽ nhanh nhẹn hơn nếu mẹ loại bỏ xe tập đi trong thời thơ ấu của con.

Thực tế, một đứa trẻ phát triển trí tuệ dựa trên việc phát triển xúc giác, vị giác, thính giác và khướu giác. Nếu đứa trẻ hàng ngày bị “giam giữ” trên xe tập đi, chúng sẽ bị gò bó không gian tiếp xúc và hạn chế sự phát triển của các giác quan. Ngoài ra, đứa trẻ đó cũng sẽ không thể cảm nhận được việc độc lập đi như thế nào, tất cả đều phải dựa vào chiếc xe tập đi mà thôi.

Trẻ có nguy cơ bị gù lưng và cong chân

Khi cho trẻ ngồi trên xe tập đi quá sớm, hệ xương của trẻ còn quá yếu và không thể nào nâng đỡ được phần trên cơ thể dẫn tới biến dạng xương và nguy cơ trẻ bị gù trong tương lai là rất cao.

Ngoài ra, chiếc xe được thiết kế với một đai lót ở phía dưới để đỡ khung chậu và toàn bộ cơ thể trẻ dẫn tới biến dạng xương phần đùi. Khi trưởng thành trẻ sẽ bị cong chân hay còn gọi là vòng kiềng.

Khi nào cho con tập đi?

Trên lý thuyết, bé 3 tháng đã biết lẫy, 7 tháng biết bò và 9 tháng biết đi. Nhưng thực tế, 3 tháng trẻ mới chỉ cứng cổ, 5 - 6 tháng mới biết lẫy thành thạo, đến tháng thứ 8 thì có thể ngồi được và 10 tháng mới lẫm chẫm biết đi. Như vậy, nếu cha mẹ thấy con 7 - 8 tháng chưa đi được như những đứa trẻ cùng trang lứa khác thì không cần lo lắng, vì theo quá trình phát triển sinh lý bình thường, 10 tháng tuổi trẻ mới dần đứng lên, đứng vững và tập đi. Và đúng thời điểm mẹ cho trẻ tập đi vừa an toàn cho con mà lại giúp con nhanh biết đi.

Những bước ba mẹ giúp con tập đi chuẩn nhất: 

- Khi con đến tuổi tập đứng, ba mẹ  cho con bám vào chân mẹ và tự đứng dậy, sau đó giúp con gập đầu gối để từ từ ngồi xuống nhằm tránh tổn thương phần mông và xương cột sống. Các mẹ lưu ý, khi tập đi trong nhà, hãy để cho con được đi chân đất để tự cảm nhận rõ hơn về từng bước đi và sự tự cân bằng của mình. Khi nào con đi ra ngoài sẫn, việc đi giày mới thực sự cần thiết. 

- Khi con bắt đầu bước  những bước đầu tiên, mẹ hãy dìu, nâng đỡ con đi từng bước một, nhưng nhớ tuyệt đối không nôn nóng thúc đẩy hay kéo bé đi theo mình để tránh gây trật cổ tay hay xương vai bé, đồng thời làm mất cảm giác tự cân bằng bản thân và khám phá từng bước đi của con. Để có cảm giác an toàn hơn, mẹ có thể nâng từ khuỷu tay hay vai bé hoặc quỳ gối trước mặt con và đỡ con bằng hai tay giúp bé di chuyển trong nhà. Việc này rất cần sự kiên trì của ba mẹ cho đến khi con có thể tự vững bước đi. 

- Các mẹ rất cần chú ý đến không gian tập đi cho bé phải thoáng, rộng, không vướng víu bất kỳ một đồ đạc gì có khả năng gây hại cho bé khi bé đang di chuyển tập đi. 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn