Cách làm sổ đỏ khi mua bán đất bằng giấy tờ viết tay

( PHUNUTODAY ) - Khi mua bán đất bằng giấy tờ viết tay, người dân có thể làm sổ đỏ theo các cách dưới đây.

Theo khoản 4, điều 2, Thông tư 14 năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trước ngày 1/7/2014 mà bên chuyển quyền đã được cấp giấy chứng nhận nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định, được chia làm 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Đối với trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho mà có hợp đồng, hoặc văn bản về chuyển quyền theo quy định, nhưng bên chuyển quyền không trao giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho bên nhận chuyển quyền, hồ sơ gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.

- Hợp đồng hoặc văn bản về chuyển quyền đã lập theo quy định.

lam-so-do-01

Trường hợp 2: Trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất nhưng không lập hợp đồng, văn bản chuyển quyền theo quy định, hồ sơ gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.

- Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp.

- Giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có đủ chữ ký của bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền.

Nếu thuộc trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy viết tay, không lập hợp đồng, văn bản chuyển quyền theo đúng quy định của pháp luật (như không qua công chứng, chứng thực…), để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người dân cần phải yêu cầu bên bán bàn giao bản gốc để nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nếu địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì người dân nộp hồ sơ tại Chi nhánh quận/huyện. Nếu địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của UBND cấp quận/huyện.

Nếu người bán không giao bản gốc giấy chứng nhận đã cấp thì có thể khởi kiện họ ra tòa án để yêu cầu công nhận hiệu lực hợp đồng chuyển nhượng. Theo khoản 2, điều 129 bộ luật Dân sự, giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực, mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch, thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link