Những ngày gần đây, tình hình dịch nCoV ở Việt Nam diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết. Đặc biệt ở TP HCM, do số ca mắc tăng quá cao, hệ thống y tế quá tải nên TP.HCM đã chính thức triển khai khai thí điểm cách ly F0 và F1 tại nhà. Đây là cách giúp giảm tải cho lực lượng y tế khi mà số ca đang điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế thì với hững bệnh nhân đủ điều kiện tự theo dõi tại nhà không chủ quan trước tình trạng không triệu chứng, cần phát hiện sớm các dấu hiệu diễn biến nặng để thông báo cho nhân viên y tế sớm nhất nha!
Dấu hiệu diễn biến nặng ở bệnh nhân nCoV có thể xuất hiện trong thời điểm ngày thứ 7-8
Đây là cảnh báo của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi đề cập đến việc điều trị cho các ca F0.
Theo bác sĩ Cấp thì trong quá trình điều trị, nhiều bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 ban đầu không có triệu chứng đáng kể. Thế nhưng chỉ sau khoảng 7-8 ngày, họ có thể diễn biến nặng, thậm chí qua đời.
Chính vì vậy, chuyên gia này cho rằng thực tế này đòi hỏi các bác sĩ tại cơ sở điều trị sẽ phải theo dõi sát các bệnh nhân nCoV trong thời điểm ngày thứ 7-8, để sớm phát hiện các dấu hiệu diễn biến nặng nếu có.
TS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), khẳng định trong việc theo dõi bệnh nhân nCoV, yếu tố quan trọng là phát hiện được các triệu chứng lâm sàng sớm nhất thay vì chú trọng vào các mốc thời gian.
“Thực tế điều trị cho thấy, sau khoảng ngày thứ 7 từ khi người bệnh xuất hiện triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ mới có thể xác định được nguy cơ diễn biến nặng, nguy kịch ở mỗi trường hợp. Thế nhưng, việc xác định mốc thời gian này là rất khó và mang tính chất tương đối”, TS Hùng cho biết.
Vì sao vậy?
Theo TS Hùng, nguyên nhân thứ nhất là trước thời điểm virus SARS-CoV-2 khởi phát và gây ra triệu chứng lâm sàng khoảng 5 ngày, người bệnh có thể đã nhiễm nCoV. Thời điểm này, người nhiễm trong thời gian ủ bệnh và hoàn toàn có thể cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus, cho dù không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Nguyên nhân thứ 2 là: Có tới 80% ca nhiễm nCoV ở Việt Nam hiện nay không có triệu chứng lâm sàng. Với thống kê này cho thấy chúng ta sẽ rất khó xác định được mốc thời gian khi mắc bệnh để đánh giá nguy cơ diễn biến nặng.
“Do đó, yếu tố quan trọng nhất là chúng ta cung cấp cho người bệnh những dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng để họ tự theo dõi sát sao và chính xác, qua đó thông báo cho nhân viên y tế sớm nhất”, TS Hùng kết luận.
Theo TS Hùng, Bộ Y tế có thể xây dựng và công bố 1 bảng gồm thông tin chính thống về các triệu chứng lâm sàng của người bệnh cần theo dõi khi ở nhà. Trong đó, có các dấu hiệu và hướng dẫn tự theo dõi sẽ được phân chia thành nhiều nhóm theo độ tuổi, tiền sử bệnh lý nền với các mức độ khác nhau.
TS Hùng cũng cho biết, trong thời gian đầu theo dõi các trường hợp nhiễm nCoV, những yếu tố cơ bản để đánh giá dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, qua đó phát hiện triệu chứng lâm sàng bao gồm: mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp và nồng độ oxy trong máu.
Đây là những yếu tố người bệnh hoàn toàn có thể tự theo dõi thông qua quan sát hay một số trang thiết bị đơn giản.
“Với những biểu hiện dễ thấy như khó thở, nhịp thở tăng hay giảm, người bệnh có thể tự phát hiện trong quá trình theo dõi. Hay các yếu tố như nhiệt độ, nồng độ oxy trong máu, tôi nghĩ mọi người đều có thể mua và sử dụng nhiệt kế, kẹp SpO2 ngay tại nhà.
Khi xuất hiện những triệu chứng trên, người bệnh cần nhanh chóng báo với nhân viên y tế để được đánh giá chính xác hơn và có chỉ dẫn, thậm chí nhập viện ngay nếu cần thiết”, bác sĩ Hùng hướng dẫn.
Việc đảm bảo không để virus lây lan trong cộng đồng vẫn là yếu tố đặt lên hàng đầu
Đây là khuyến cáo của Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khi đề cập đến việc quản lý F0 tại nhà.
Cụ thể chuyên gia này khẳng định, việc để một số F0 ở TP.HCM tự theo dõi tại nhà lúc này là giải pháp hợp lý khi hệ thống y tế quá tải. Thế nhưng, việc đảm bảo không để virus lây lan trong cộng đồng vẫn là yếu tố cần đặt lên hàng đầu.
Theo bác sĩ Khanh, các F0 thuộc nhóm tự theo dõi tại nhà cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế, không tự ý ra khỏi nhà khi chưa có sự cho phép từ người quản lý.
“Những người này phải luôn giữ khoảng cách với thành viên trong gia đình, tuyệt đối không ăn, ngủ và sinh hoạt chung. Với người nhà khi tiếp tế đồ ăn cho F0 cũng phải phải giữ khoảng cách, 2 người đều đeo khẩu trang và tấm che giọt bắn”, bác sĩ Khanh chỉ dẫn.
Ngoài ra, người bệnh khi tự theo dõi tại nhà cũng cần chú ý vệ sinh sạch sẽ phòng cách ly, giữ không khí thông thoáng.
Bác sĩ Khanh cũng chia sẻ: “Thời gian gần đây, tôi quan sát được 1 vài trường hợp có hành động kỳ thị hàng xóm và lo lắng thái quá khi sống gần các gia đình có F0 tự theo dõi ở nhà. Thế nhưng, mọi người không cần quá lo lắng, vì nếu không tiếp xúc trực tiếp hay ở cùng phòng có điều hòa kín, chúng ta sẽ không có nguy cơ lây nhiễm nCoV".
Chuyên gia này cũng khuyến cáo, người dân sống xung quanh nhà có F0 tự cách ly nên mở cửa thông thoáng. Còn với bản thân F0 cần bình tĩnh, không nên quá lo lắng và tập trung thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế.