Cái chết bí ẩn của Alexander đại đế

18:45, Thứ tư 29/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Grieve kết luận rằng: "Cũng có thể Alexander Đại đế đã chết vì cùng một lúc phối hợp tất cả các nguyên nhân trên, vì quá đau khổ, vì say rượu, vì sốt cao và vì dùng thuốc xổ không đúng lúc...". Điều này cũng có nghĩa là tất cả vẫn chỉ là giả thuyết mà thôi! Và cái chết đột ngột của vị vua trẻ tuổi này vẫn là điều bí ẩn.

Trong những trang vàng của sử sách, ít có nhân vật nào được tôn sùng như Alexander Đại đế. Ở tuổi 20, ông kiêu hùng bước lên ngôi vua, cai trị đế quốc Macedonia. Trong vòng 10 năm, ông đã chinh phục thành công nhiều vùng đất, từ Hy Lạp, Ai Cập, đến Á châu tạo ra một đế quốc vĩ đại. Đáng tiếc, Alexander lại quá ngắn số khi đột ngột từ giã cõi đời ở tuổi 32. Các nhà khoa học ngày nay vẫn thắc mắc về cái chết đầy bí ẩn của vị vua nổi tiếng này.

Tạo hình Alexander đại đế trên phim.

Một sự nghiệp phi thường

Là nhà quân sự thiên tài, Alexander lên kế hoạch cho cuộc viễn chinh mới để chinh phục Bắc Phi, Sicily và Tây Ban Nha mở rộng đế chế.

Năm 334 TCN, ông dẫn ba vạn bộ binh và năm nghìn kỵ binh bắt đầu cuộc Đông chinh và đập tan quân đội Ba Tư.

Năm 333 TCN, 35.000 quân đội của Alexander đối đầu với Hoàng đế Ba Tư Darius III khoảng 600.000 người. Một trận quyết chiến ác liệt nổ ra. Đại quân của Macedonia giành phần thắng.

Năm 332 TCN, Alexander tiến vào Ai Cập. Các tư tế địa phương ở đây bày tỏ sự hoan nghênh coi ông là "Pharaon của Ai Cập" và con của thần Amon. Ông đã xây dựng một thành phố mang tên ông ở cửa sông Nile và được gọi là Alexandria. Đích thân ông vẽ bản đồ thiết kế thành phố này.

Năm 331 TCN, Alexander tiến quân xuống phía Đông gồm có 40.000 bộ binh, 7.000 kỵ binh. Đạo quân này sau khi vượt qua Palestine, Syria, đã tiến vào Mesopotamia. Đế quốc Ba Tư xem như đã hết. Alexander cho quân tiến xuống sâu Ba Tư lần lượt chiếm Babylon, Susa. Năm 330 TCN, quân đội Macedonia đã tiến tới thủ đô cũ của Ba Tư là Persepolis.

Năm 327 TCN, quân đội của Alexander tiến đánh vùng Tây Bắc Ấn Độ hết sức thuận lợi. Năm 326 TCN, cuộc Đông chinh của ông kết thúc.

Năm 323 TCN, Alexander dẫn quân trở về Babylon chính thức thành lập kinh đô của đế quốc tại đây.

Cuộc viễn chinh đầy gian truân đã làm cho sức khỏe của Alexander bị hao mòn đi rất nhiều. Ngày 13 tháng 6 năm 323 TCN, ông qua đời tại Babylon do bệnh sốt rét ác tính, khi đó ông mới 33 tuổi. Thi hài ông được đặt vào một cỗ quan tài làm bằng vàng và chở về thành phố Alexandria an táng.

Cái chết kỳ lạ

Các tài liệu cổ sử ghi chép lại, sau một đêm yến tiệc linh đình, ăn mừng chiến thắng vẻ vang chinh phục Ấn Độ, Alexander Đại đế trở về nhà trong tình trạng say mềm và bắt đầu lên cơn sốt cao. Ông mê man suốt 12 ngày rồi qua đời.

Sự ra đi đột ngột và ví ẩn ở tuổi 32 của một con người vĩ đại nhất trong lịch sử suốt hơn 2.300 năm qua đã truyền cảm hứng tìm tòi và nghiên cứu cho không chỉ các nhà sử học và khảo cổ học. Rất nhiều người thuộc đủ các ngành nghề trên thế giới cũng muốn đi đến tận cùng điều bí ẩn này theo cách riêng của họ. Trong số đó có một cựu giám đốc cảnh sát người Anh, tên là John Grieve. Từ lâu, ông đã dành thời gian và tâm huyết để thu thập những kết quả nghiên cứu, những thông tin liên quan đến cái chết của vị vua lừng danh này. Theo ông, 5 giả thuyết dưới đây là có tính thuyết phục nhất.

Alexander bị đầu độc

Liều lĩnh, khát máu, độc tài, khôn ngoan, nát rượu...Người có quyền lực và giàu có nhất thế giới này không tránh khỏi việc có nhiều kẻ thù. Rất có thể kẻ thù đã lợi dụng yến tiệc để bỏ độc vào thức ăn đồ uống ám hại ông. Trước đó, cha và chú của ông cũng đã bị mưu sát.

Trung tâm Nghiên cứu độc dược Tân Tây Lan cho rằng, cơn hấp hối của Alexander kéo dài tới 12 ngày với các triệu chứng điển hình là sốt, nhức đầu, mất tiếng nói, hôn mê. Nếu đúng ông bị đầu độc, có khoảng 20 loại độc dược đã gây ra các triệu chứng như thế. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của bác sĩ Robert Arnott, giám đốc trung tâm Lịch sử y dược Đại học Birmingham, Anh loại độc dược khả nghi nhất là rễ cây hellebore. Hellebore mọc nhiều ở miền Trung và Nam châu Âu. Từ rất sớm vào khoảng năm 1.100 trước Công nguyên, nó đã được người Macedonia cổ đại sử dụng rộng rãi như một loại thuốc xổ. Ở thế kỷ VI trước Công nguyên, người ta cũng từng sử dụng loại độc dược này để đầu độc nguồn nước của một thành phố thù địch đang bị bao vây. Nếu nhiễm độc nặng, nạn nhân sẽ sốt cao, hôn mê trong nhiều ngày rồi chết. Miêu tả này giống với những triệu chứng được ghi chép trong trường hợp của Alexander Đại đế.

Tuy nhiên, có nhà khoa học lý luận rằng, nếu người nào đó đầu độc Alexander bằng độc tố của cây hellebore, ông ta sẽ nhận ra nó ngay, bởi nó có vị đắng khi uống vào miệng và chắc chắn Alexander có biết loại cây này vì đã từng sử dụng nó như thuốc xổ.

Sai lầm y khoa

Một giả thuyết khác cho rằng, chính ngành y học thời cổ đại đã gây ra cái chết cho một con người thể xác kiệt quệ như Alexander. Thân thể ông mang rất nhiều thương tích do bị thương trên chiến trường. Những vết thương đó cộng với tật nát rượu đã làm ông suy kiệt. Khi ông lên cơn sốt cao, chắc chắn các ngự y đã tìm mọi cách để chữa trị. Có thể Alexander đã đòi hỏi một liệu trị liệu thật cao với mong muốn sẽ khỏi bệnh nhanh chóng. Thế nhưng ông lại quên mất rằng cơ thể mình đang trong tình trạng kiệt quệ và say rượu. Tương tác dược chất và rượu có thể đã mang đến cái chết sớm cho vị đại đế này.

Bệnh sốt rét

Một câu hỏi luôn được đặt lên hàng đầu là tại sao Alexander lại bị sốt cao?

Tiến sỹ John Marr, giám đốc Viện dịch tễ học thuộc tiểu bang Virginia, Mỹ, khẳng định vào thời kỳ đó chỉ có một dạng bệnh khiến cho người ta sốt cao và chết dễ dàng như vậy, đó là bệnh sốt rét. Giả thuyết Alexander chết vì sốt rét đã được nhiều sử gia ủng hộ. Nhưng không có ghi chép nào của những người thời ấy nói rằng Alexander có nước tiểu đen, triệu chứng đặc thù của sốt rét. Mặt khác, cơn sốt của ông ta dường như kéo dài triền miên, trong khi ở bệnh sốt rét, cứ 3 ngày lại có một cơn bộc phát cao. Ngoài ra, chỉ có Alexander bị bệnh, sốt rét thường lây nhiễm số đông. Vì thế Marr cho rằng khó thể quyết đoán Alexander bị sốt rét mà chết.

Virut West Nile

Người ta đã tìm thấy trong một nguồn tài liệu có ghi chép là khi Alexander Đại đế tiến vào Babylon, ông ta đã nhìn thấy những con quạ đang bay lượn trên bầu trời, nhưng bất thình lình chúng rơi xuống ngay dưới chân của Alexander và chết liền. Các nhà khoa học nhận định, những con quạ ấy rất có thể đã bị nhiễm virut West Nile.

Sốt cao, mất giọng rồi hôn mê...Theo nhà dịch tễ học John Marr, có lẽ Alexander đã bị nhiễm loại virut này vì các triệu chứng rất phù hợp. Nhưng có một điểm nghi ngờ là trong vùng đó lại không ghi nhận có những người nào khác bị chết đột ngột như vị vua này.

Tình trạng tuyệt vọng

Với cựu giám đốc cảnh sát Grieve, các giả thuyết trên đều ít nhiều có cơ sở tuy chưa đầy đủ. Riêng ông, ông lại nhìn vào nội tâm của Alexander để phân tích cái chết của vị vua này.

Theo Grieve, tám tháng trước đó, người bạn thân nhất và còn là người tình của Alexander là Hephaistion đã chết đột ngột khiến nhà vua trở nên buồn bã, uống rượu nhiều hơn và không còn chú ý đến bản thân. Sử gia Hy Lạp Arrien cũng đã chép Alexander không đụng đến thức ăn trong suốt 3 ngày và chỉ nằm trên giường, lúc thì ca thán, lúc lại câm lặng sầu não. Ông ra lệnh tổ chức tang lễ thật trọng thể và cho xây một ngôi đền để tưởng nhớ bạn tình. Sau đó, ông lao vào rượu chè, tính khí trở nên cáu gắt. Vị đại đế không còn chăm lo đến bản thân nữa, chẳng màng đến sự lành mạnh cho cuộc sống.

Grieve kết luận rằng: "Cũng có thể Alexander Đại đế đã chết vì cùng một lúc phối hợp tất cả các nguyên nhân trên, vì quá đau khổ, vì say rượu, vì sốt cao và vì dùng thuốc xổ không đúng lúc...". Điều này cũng có nghĩa là tất cả vẫn chỉ là giả thuyết mà thôi! Và cái chết đột ngột của vị vua trẻ tuổi này vẫn là điều bí ẩn.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: