Căn hộ số 69: Tính phạt nhưng Cục Điện ảnh... chưa hề xem phim

17:27, Thứ tư 25/06/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) – Căn hộ số 69 vi phạm Luật Điện ảnh về sản xuất và phổ biến – Cục Điện ảnh khẳng định và cho biết chưa hề xem nội dung của phim này.

Không cần xem Căn hộ số 69 vẫn xử lý được

Tại cuộc gặp gỡ với báo chí vào chiều 25/6, đại diện Cục Điện ảnh – Cục phó Đỗ Duy Anh – một lần nữa dẫn Luật Điện ảnh để khẳng định bộ phim sitcom Căn hộ số 69 đã phạm luật.

Như những căn cứ mà Cục Điện ảnh đã đưa, Căn hộ số 69 do một ê-kip sản xuất không có tư cách pháp nhân, không thông qua bất kỳ đơn vị có giấy phép sản xuất nào là trái với Luật. Bên cạnh đó, phim được phổ biến trên mạng internet mà không thông qua Hội đồng xét duyệt nào thẩm định nên không có giấy phép phổ biến cũng là trái Luật.

Dựa trên hai vi phạm này, Cục Điện ảnh sẽ đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với ê-kip sản xuất và phổ biến bộ phim.

Trước câu hỏi liệu có hay không việc Cục Điện ảnh mạnh tay với Căn hộ số 69 là vì yếu tố “18+” với các cảnh nóng, cảnh sex, Cục phó Đỗ Duy Anh cho hay: “Cục chưa hề xem nội dung nên không có chuyện đó”.

căn hộ số 69

Cục Điện ảnh chưa hề xem nội dung phim Căn hộ số 69

Trả lời báo Phunutoday về việc những bộ phim ngắn tốt nghiệp của sinh viên sân khấu-điện ảnh có nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh hay không, đại diện Cục Điện ảnh khẳng định là có.

Tuy nhiên, ông Đỗ Duy Anh cho hay Cục chưa biết đến những hành vi phổ biến trái phép của các bộ phim này trên Youtube.

Cục Điện ảnh quản lý về điện ảnh nói chung. Chứ chúng tôi không thể hằng ngày ngồi trên Youtube để xem phim nào vi phạm Luật. Rất mong báo chí kịp thời phát hiện và thông tin đến chúng tôi.”

Luật Điện ảnh đã lỗi thời?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn – cha đẻ của những bộ phim ngắn được giới chuyên môn đánh giá cao như Mùi vị của buổi sáng, Sáng chế của Ngài Bell – cho rằng: Luật Điện ảnh đã không còn phù hợp với những thay đổi của điện ảnh Việt Nam hôm nay.

Chia sẻ trên facebook cá nhân, Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định: “Luật Điện ảnh được soạn thảo và được Quốc hội thông qua năm 2006. Từ đó đến nay chỉ có đúng một lần sửa đổi bổ sung với không nhiều thay đổi lớn.

Nhìn lại lịch sử Youtube, vào năm 2005, Youtube ra đời như một chỗ để up video cá nhân tự sướng chứ chẳng có gì to tát hơn. Chỉ vài năm sau, khi được Google mua lại mới tạo ra một mạng chia sẻ video vĩ đại.

Thế nên việc các nhà làm Luật không thể nghĩ đến một ngày nào đó sinh ra chuyện up phim lên mạng thì cũng là lẽ tự nhiên ở năm 2006. Vậy nên áp dụng các điều Luật không phù hợp cho một thứ không phù hợp là chuyện hết sức không phù hợp.”

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn phân tích rõ hơn rằng: Đối tượng mà Luật Điện ảnh điều chỉnh là tổ chức và cá nhân hoạt động trong ngành điện ảnh, thế nhưng lại không có bất kỳ định nghĩa nào về các tiêu chuẩn để kết luận một tổ chức hay cá nhân có tham gia hoạt động trong ngành điện ảnh. Ví dụ, đối với tổ chức thì tiêu chuẩn là có giấy phép sản xuất, còn với cá nhân thì không định nghĩa.

Bên cạnh đó, Luật cũng không định nghĩa thế nào là điện ảnh, thế nào là phim.“Khi không định nghĩa thì có thể xác định Căn hộ số 69 là phim được không? Hay nó chỉ là video clip?”. Bên cạnh đó, theo đạo diễn, Cục Điện ảnh có muốn kiểm duyệt tất cả các video trên internet thì cũng không có đủ nhân lực để làm.

Nhận xét về tính “18+” của Căn hộ số 69, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng chẳng có gì đáng nói về mặt đạo đức.

căn hộ số 69

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn: Cục Điện ảnh không có đủ khả năng để kiểm duyệt các phim trên internet

"Ê-kip đã khéo léo khi chuyển tải các tín hiệu về giới tính qua các jokes và running gags, chứ cũng đâu có những màn khoe thân hay làm tình sống sượng gì đâu. Phim này theo tôi là dưới 16 tuổi cũng xem được, có điều các cháu có hiểu được hay không thì còn tùy, chứ chẳng có gì đồi trụy.

Còn trách nhiệm xã hội của các vị “cảnh sát đạo đức”, thì tôi không đủ trình độ đánh giá”.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Ngọc Dung