Căn hộ số 69 đề cập tới những vấn đề về tình dục, sinh lý và tình yêu của những người trẻ tuổi sống ở thành thị. Ngay từ tập đầu tiên, bộ phim đã xuất hiện nhiều hình ảnh “nóng” (khỏa thân, sờ bóp ngực...), bên cạnh nội dung nhạy cảm, đã gây những phản ứng trái chiều. Một cho đây là thể loại phim mới, có cái nhìn cởi mở, một chỉ trích cho rằng phim lạm dụng hình ảnh “nóng”, bên cạnh đó các tình huống vừa thô vừa phô, thậm chí là không phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Những shoot hình nóng bỏng trong phim Căn hộ số 69 |
Nam Cito, một gương mặt quen thuộc với dòng phim sitcom (từng thực hiện Bộ tứ 10A8, Tiệm bánh Hoàng tử bé), là nhà sản xuất đã tự bỏ tiền đầu tư thực hiện Căn hộ số 69. Anh cho biết phim dự kiến dài 25 tập, kinh phí cho mỗi tập phim lên tới 100 triệu đồng. Đầu tư lớn về kinh phí nhưng từ trước khi bắt tay thực hiện, nhà sản xuất đã biết chắc bộ phim khó có thể trình chiếu trên bất cứ kênh truyền hình nào. “Vì phim có những nội dung nhạy cảm nhất định, truyền hình không thể đưa những nội dung này lên. Và nếu qua kiểm duyệt, chắc chắn là không được phát sóng”, Nam Cito nói. Và YouTube, một kênh chia sẻ mở, cũng như độ tuổi người xem như truyền hình đã được nghĩ tới đầu tiên cho đầu ra của bộ phim. Để bù vốn và thu lợi nhuận, nhà sản xuất có thể trông chờ ở tiền bản quyền của YouTube (được tính dựa vào số lần “click” chuột xem phim của khán giả) và tiền thu được từ quảng cáo đưa vào trong phim.
Không thể kiểm soát người xem
Từ trước đến nay, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch không có chức năng giám sát, quản lý các nội dung đăng tải trên internet, và bởi thế cũng không thể quản lý những tác phẩm phim ảnh đăng trên YouTube, như trường hợp Căn hộ số 69. Các trang mạng xã hội, trong đó có YouTube tại Việt Nam, không kiểm duyệt nội dung một bộ phim trước khi đăng tải. Chỉ khi phim đó có nội dung xấu, hay vi phạm bản quyền mới bị gỡ bỏ. Bởi vậy đây chính là mảnh đất tự do cho các nhà làm phim, tuy nhiên có thể gây hiệu ứng ngược: Không thể kiểm soát người xem.
Căn hộ số 69 giới hạn độ tuổi khán giả trên 18 tuổi, nhưng trên YouTube, không ai có thể chắc chắn người truy cập không phải là trẻ nhỏ. Ngay như nhà sản xuất của bộ phim cũng phải thừa nhận: “YouTube có thể cho nhà sản xuất biết người xem đến từ những quốc gia, vùng nào, nhưng không thể cho biết độ tuổi thật của họ. Một người sinh năm 2000 nhưng đăng ký tài khoản YouTube sinh năm 1993 thì YouTube cũng không thể biết và chặn lại”. Cuối cùng, nhà sản xuất của bộ phim 18+ chỉ có thể đặt ra giới hạn và trông chờ vào ý thức tự giác của người xem, cũng như việc các bậc phụ huynh quản lý con em mình khi sử dụng internet.
Căn hộ số 69 không phải là bộ phim đầu tiên phát hành qua kênh YouTube ở Việt Nam. Thực ra xu hướng làm phim để phát hành trên mạng internet (mà đối tượng chủ yếu là các nhà làm phim ngắn, các nhóm làm phim underground...) không còn mới ở Việt Nam. Thậm chí trong thời đại công nghệ số, người ta còn dự đoán xu hướng này sẽ bùng nổ khi càng ngày khán giả càng thích xem những bộ phim với thời lượng ngắn một cách nhanh gọn. Căn hộ số 69 là bộ phim đầu tiên nhưng không phải là bộ phim cuối cùng gắn mác “18+”. Liệu việc kiểm soát chỉ dừng lại ở việc trông chờ ý thức của người xem?