Chiều 6/4, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Một cháu bé 17 tháng tuổi trong lúc chờ khởi hành cùng mẹ đã bị cuốn vào thang cuốn làm cánh tay bị thương 75%.
Đại diện hãng Jetstar cho biết cháu bé tên V.N.K. P sinh năm 2015, đi cùng mẹ là T.T.N sinh năm 1991 quê Hà Tĩnh. Cả hai mẹ con ra sân bay làm thủ tục check-in lúc 15h13 phút cho chuyến bay lúc 17h30. Sau đó, cả hai mẹ con chị N. cùng lên phòng chờ ngồi đợi chuyến bay.
Trong thời gian chờ, cháu P. tự chạy đi chơi ở trong khu vực nhà chờ. Đến 15h55 thì mọi người nghe tiếng kêu và chạy đến thì thấy cháu bé ngã xuống thang cuốn cảm ứng tự động, bị cứa gần lìa cổ tay phải. Ngay lập tức, nhân viên hàng không tại sân bay có mặt, cùng mọi người sơ cứu và chuyển đến bệnh viện.
Thang cuốn nằm ở khu vực cửa ra máy bay Gate 3, đây là khu vực phục vụ cho nhiều hãng hàng không khác nhau. Tại thời điểm xảy ra sự việc, khu vực này không thực hiện cho chuyến bay nào nên quầy được đóng lại. Khi nghe mọi người kêu lên thì mẹ cháu bé mới biết.
Được biết, cả hai mẹ con chị N. ra sân bay Tân Sơn Nhất để đáp máy bay đi Đồng Hới trên chuyến bay của Jetstar, khi đang chờ đợi chuyến bay thì cháu bé gặp nạn.
Biết tin có hành khách của mình bị nạn, nhân viên Jetstar Pacific đã lập tức có mặt cùng nhân viên y tế hỗ trợ hành khách. Đồng thời, Jetstar Pacific cũng cử nhân viên đi cùng mẹ con chị N. đến bệnh viện để hỗ trợ chăm sóc hành khách của mình.
Tại thời điểm xảy ra sự việc, khu vực này không thực hiện cho chuyến bay nào nên quầy được đóng lại. Sự việc đau lòng trên xảy ra quá nhanh nên mọi người không thể ứng cứu kịp thời
Cách phòng tránh tai nạn thang cuốn
1. Mặt luôn hướng về phía trước
Bạn nên luôn luôn hướng mặt về phía trước và tập trung quan sát khi đi thang cuốn, đồng thời có thể chủ động và chuẩn bị thực hiện các hành động cần thiết trong trường hợp thang bị sự cố hoặc những người ở phía trước của bạn bất ngờ bị ngã xuống.
2. Luôn luôn nắm tay vịn
Nắm tay vịn sẽ làm giảm nguy cơ trượt và vấp ngã vì tay vịn được thiết kế để giúp bạn đứng vững trong khi thang cuốn di chuyển.
3. Không đặt trẻ em trong xe đẩy, xe chứa hàng
Khi đi thang cuốn, bạn không nên đặt trẻ em của bạn trong xe đẩy, xe chứa hàng vì những xe này có thể tạo ra nguy hiểm cho bạn và những người khác.
4. Tránh mép của các bậc thang
Bạn cần tránh giẫm lên mép các bậc thang cuốn vì khi đó nguy cơ chân bị mắc kẹt sẽ cao hơn . Các thang cuốn đều được thiết kế để chỉ ra các mép nơi bạn có thể bị kẹt. Các đường màu vàng ở hai bên của các bậc thang cuốn chỉ cho bạn vị trí bạn đặt bàn chân để tránh bị mắc kẹt.
5. Biết vị trí của các công tắc dừng thang khẩn cấp
Bạn cần biết vị trí các nút dừng khẩn cấp của thang cuốn trong trường hợp bạn phải dừng thang cuốn. Thông thường, các nút dừng khẩn cấp được đặt ở phía dưới và phía trên của thang cuốn, ở bên phải khi bạn đang đi thang cuốn.
6. Luôn đảm bảo an toàn cho trẻ em
Bạn nên luôn luôn đảm bảo an toàn trẻ em và nắm tay chúng khi đi thang cuốn vì trẻ em chưa nhận thức được các mối nguy hiểm tiềm tàng và dễ bị tai nạn thang cuốn. Ngoài ra, khi trẻ em đùa nghịch có thể làm bạn và những người xung quanh mất tập trung. Bạn nên cẩn thận hơn khi đi thang cuốn với trẻ em.
7. Mang giày, gang tay một cách an toàn
Bạn cần biết rằng găng tay, dây giày buộc lỏng, khăn quàng cổ, dây kéo thể bị kẹt trong thang cuốn. Nếu bạn đang mang một trong những thứ này trên người, bạn cần phải kiểm tra cẩn thận, buộc lại, chỉnh lại hoặc thậm chí là cởi chúng ra trước khi đi thang cuốn nếu cần.