Thanh niên 25 tuổi ung thư trực tràng vì thường xuyên ăn món nướng
Mới đây, Bệnh viện thứ hai của thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã tiếp nhận một bệnh nhân ung thư đại tràng - Tiểu Lâm 25 tuổi, do tính chất công việc nên anh thường xuyên ăn tối vào giữa đêm, thức ăn cũng toàn thực phẩm cay và mặn. Món ăn khuya mà anh yêu thích nhất là món nướng. Tháng 3 năm nay, Tiểu Lâm phát hiện bản thân thường xuyên bị đau bụng, đến bác sĩ kiểm tra, kết quả cho thấy anh có một khối u lớn như quả trứng gà ở đường ruột.
Chẩn đoán thêm, bác sĩ phát hiện Tiểu Lâm đã mắc bệnh ung thư đại tràng giai đoạn giữa, sau phẫu thuật xâm lấn, bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ khối u ruột. Bác sĩ nói rằng, Tiểu Lâm bị ung thư đại tràng có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống.
Tác hại của thịt nướng đối với sức khỏe
Vào tháng 3 năm nay, Cục giám sát thị trường thành phố Hàng Châu và các chuyên gia của Đại học Chiết Giang đã tiến hành một thí nghiệm đo "hàm lượng benzopyrene trên món nướng”. Kết quả cho thấy phương pháp nướng và thời gian nướng làm thay đổi hàm lượng của benzopyrene trong thực phẩm nướng. Thực phẩm nướng càng lâu ở nhiệt độ cao thì hàm lượng benzopyrene càng cao, khả năng gây ung thư càng lớn.
Theo một nghiên cứu, nếu trong món nướng có hàm lượng chất benzopyrene 5.000ng/kg (nanogram/kilogram), thì một chiếc chân gà nướng 100gr đã có 500ng benzopyrene. Trong khi lượng benzopyrene trong 1 điếu thuốc lá là 100ng. Như vậy hàm lượng benzopyrene trong 1 chiếc chân gà nướng tương đương 5 điếu thuốc, chưa kể ở nhiệt độ cao chất béo nhỏ giọt xuống than và bốc lên, quyện với protein trong thịt tạo thành benzopyrene, nếu thường xuyên ăn đồ nướng thì chất này tích tụ, có thể gây ung thư dạ dày, đại trực tràng...
Một nghiên cứu khác cũng đã cho thấy, hàm lượng benzobyrene trong 2Ib (xấp xỉ 0,9kg) thịt nướng bị cháy khét tương đương với lượng benzopyrene có trong khói của 600 điếu thuốc lá. Điều này cho thấy sự nguy hiểm khi bạn ăn thịt bị khét là không nhỏ.
Ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Có nhiều yếu tố nguy cơ mà mọi người có thể phòng tránh được như:
Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Ăn khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/tuần có nguy cơ cao gấp 3 lần.
Dưới hình thức chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư.
Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng, nên cần thay đổi chế độ ăn khoa học hơn để phòng bệnh.
Các thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ này vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân.
Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa.
Các loại nước uống chứa cồn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
Béo phì cũng làm tăng nguy cơ ung thư đại - trực tràng cho cả nam giới cũng như nữ giới, nhưng rõ nét hơn ở nam giới. Ở nam giới có chỉ số BMI cao sẽ có nguy cơ gấp 2 lần, trong khi ở phụ nữ béo phì thì nguy cơ này cao hơn 1,5 lần.
Thuốc lá được biết đến như là những “sát thủ” của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi. Gần đây nó được công nhận là những yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ung thư đại tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia.
Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.